Vụ ô tô tông bé gái đi xe đạp điện rồi kéo lê xe ở Hà Nội: Tài xế sẽ đối diện với mức phạt nào?

LS PHẠM THANH HỮU, Theo Tổ Quốc 10:25 29/04/2020

Sáng 27/4/2020, lãnh đạo Đội Cảnh sát giao thông số 6 (Công an TP Hà Nội) cho biết đơn vị đang điều tra, xử lý vụ xe Mazda CX5 tông xe đạp điện do một bé gái cầm lái, cuốn chiếc xe đạp điện vào gầm rồi bỏ chạy, quá trình tháo chạy tiếp tục gây thêm một vụ tai nạn khác.

Theo điều tra ban đầu, cơ quan chức năng xác định danh tính tài xế xe Mazda CX5 gây tai nạn là anh Do Huang Cheng, người Đài Loan.

"Thời điểm gây tai nạn, tài xế này có dấu hiệu say rượu. Kết quả đo nồng độ cồn sau tai nạn xác định nam tài xế vi phạm nồng độ cồn", vị lãnh đạo nói.

Trước đó, khoảng 2h sáng cùng ngày, chiếc xe Mazda CX5 mang biển kiểm soát 29LD-02874 đi trên đường Phạm Văn Đồng hướng về cầu Thăng Long thì va chạm với một bé gái đi xe đạp điện khiến nạn nhân bị thương.

Vụ ô tô tông bé gái đi xe đạp điện rồi kéo lê xe ở Hà Nội: Tài xế sẽ đối diện với mức phạt nào? - Ảnh 1.

Sau khi kéo lê chiếc xe đạp điện, "ô tô điên" tiếp tục va chạm với một xe máy khác. Ảnh cắt từ clip.

Tuy nhiên, tài xế không dừng lại mà tiếp tục phóng xe bỏ chạy, kéo lê chiếc xe đạp điện mắc kẹt dưới gầm khiến mặt đường tóe lửa. Nhiều người dân phóng xe máy đuổi theo nhưng tài xế không dừng lại.

Sau khi gây tai nạn, tài xế xe Mazda CX5 bỏ chạy sang huyện Mê Linh, tiếp tục đâm vào hai người đi xe máy trên đường. Ngay sau đó, các nạn nhân đã được đưa đi cấp cứu.

Liên quan đến sự việc này, Luật sư Phạm Thanh Hữu, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh cho biết, tài xế gây tai nạn giao thông rồi bỏ chạy, kéo lê chiếc xe đạp điện mắc kẹt dưới gầm khiến mặt đường tóe lửa, sau đó tông vào hai người đi xe máy trên đường là vi phạm pháp luật. 

Tuy nhiên, chỉ khi nào tài xế này vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ làm chết người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên (bao gồm trường hợp gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% trở lên); gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017). Khi đó, khung hình phạt thấp nhất là bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Trong trường hợp hậu quả chưa tới mức nêu trên thì tài xế này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

1. Phạt tiền từ 16 triệu đồng đến 18 triệu đồng về lỗi gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn theo điểm b khoản 8 Điều 5.

2. Tài xế này điều khiển xe trên đường mà trong máu, hơi thở có nồng độ cồn nên tùy vào mức độ nồng độ cồn mà sẽ bị xử phạt như sau:

- Phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng nếu nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở theo điểm c khoản 6 Điều 5.

- Phạt tiền từ 16 triệu đồng đến 18 triệu đồng nếu nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở theo điểm c khoản 8 Điều 5.

- Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng nếu nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở theo điểm a khoản 10 Điều 5.

Ngoài các mức phạt nêu trên, tài xế này có bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe với thời hạn nhất định (tùy vào mức độ lỗi).

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày