Liên quan đến quảng cáo “lòng se điếu dài 40 mét” xôn xao những ngày qua, cơ quan chức năng đã vào cuộc xác minh làm rõ. Bước đầu đã xác định hành vi quảng cáo là sai sự thật, không có “lòng se điếu” nào dài đến 40 m và cũng không có sẵn “lòng se điếu” số lượng lớn như dư luận quảng cáo, đồn thổi thời gian qua.
Cơ sở kinh doanh chưa cung cấp được thông tin về nguồn gốc sản phẩm, cơ quan chức năng cũng đang tiến hành kiểm nghiệm để đánh giá chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các thực phẩm đang bày bán tại các cơ sở này, khi có kết quả thì sẽ có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.
Chủ quán quảng cáo "lòng se điếu dài 40m"
Trao đổi với PV, Ts. Ls. Đặng Văn Cường, cho rằng, vụ việc Tiktok cơ giới thiệu lòng se điếu dài 40 m với danh tự xưng là “vua lòng lợn” gây xôn xao trong dư luận xã hội những ngày qua cho thấy hiện tượng quảng cáo sai sự thật thổi phồng giá trị, chất lượng sản phẩm trong kinh doanh vẫn diễn biến phức tạp sau vụ kẹo rau Kara, sữa giả …
Những người nổi tiếng trên mạng xã hội vì lợi nhuận mà bất chấp pháp luật, quảng cáo sai sự thật để lừa dối người tiêu dùng, thu lợi bất chính, không quan tâm đến sức khỏe của cộng đồng là điều rất đáng lên án và cần phải bị xử lý bằng những chế tài của pháp luật.
ơ quan chức năng làm việc với cơ sở "lòng se điếu" tại Cầu Giấy, Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Phân tích dưới góc độ pháp lý, Luật sư Cường cho biết, cơ quan chức năng sẽ xem xét đến 2 hành vi là quảng cáo sản phẩm hàng hóa dịch vụ trên các nền tảng số và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cơ quan chức năng cũng dẽ làm rõ về hóa đơn chứng từ các sản phẩm hàng hóa dịch vụ kinh doanh, trên cơ sở đó sẽ kết luận là có sai phạm hay không, nếu có thì sẽ xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
“Nếu có hành vi vi phạm về quảng cáo, quảng cáo sai sự thật thì người thực hiện hành vi này sẽ bị phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo với mức có thể tới 60.000.000 đồng”.
Những hàng hóa sản phẩm không có nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì sẽ bị tịch thu và tiêu hủy.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ nguồn gốc các sản phẩm hàng hóa này và làm rõ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Nếu vi phạm quy định về an toàn thực phẩm như có hóa chất độc hại, chất cấm, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì sẽ tiến hành xử phạt đối với các cơ sở kinh doanh có thể phạt tới 200.000.000 đồng”.
Ngoài ra, nếu hành vi kinh doanh sản phẩm chứa hóa chất, độc hại, sản phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm gây thiệt hại đến quyền lợi của người tiêu dùng thì phải bồi thường thiệt hại và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.