Tối ngày 12/2, dư luận không khỏi xôn xao trước thông tin về vụ xô xát xảy ra tại trung tâm thương mại ở TP.HCM. Cụ thể, một đôi nam nữ được cho là đã sử dụng nhà vệ sinh công cộng đến 2-3 tiếng khiến cô lao công vào gọi và chứng kiến cảnh mà theo bà là "không hay".
Trong đoạn video được lan truyền trên mạng xã hội, cô lao công đã lớn tiếng rằng: "Dùng WC mấy tiếng đồng hồ, chơi gì ở trong đó?". Cô gái cũng phân trần: "Không có, bạn con vô giúp con".
Sau khi lời qua tiếng lại giữa hai bên gây mất trật tự, bảo vệ của trung tâm thương mại cũng đã đến để giải quyết. Tuy nhiên, sự việc này vẫn gây tranh cãi trên mạng xã hội.
Nhiều người cho rằng hành vi "dùng chung WC" của đôi bạn trẻ là không đúng đắn. Tuy nhiên, việc lớn tiếng của cô lao công tại nơi đông người cũng khiến không ít người bức xúc, cho rằng đây là hành vi vi phạm quyền riêng tư.
Để tìm hiểu sự việc dưới góc độ pháp luật, PV đã liên hệ với luật sư Trần Xuân Tiền (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội).
Luật sư nhận định: "Theo tôi trong vụ việc này, cả cô lao công và đôi nam nữ này đều sai. Đôi nam nữ đã có hành vi thiếu ý thức và vô văn hoá, còn cô lao công đã xử lý vấn đề kém tinh tế, và có nguy cơ vi phạm pháp luật. Cụ thể:
Với đôi nam nữ, việc ở trong nhà vệ sinh quá lâu (lên đến vài tiếng đồng hồ) là hoàn toàn bất thường. Chưa kể, nhà vệ sinh ở trung tâm thương mại luôn chia riêng khu vực vệ sinh của nam và nữ. Nên việc đôi nam nữ này ở cùng nhau trong nhà vệ sinh là nhằm mục đích thực hiện hành vi không đứng đắn tại nhà vệ sinh nơi công cộng.
Đó là thiếu kiềm chế và vô đạo đức. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, cũng không có quy định nào cấm các hành vi 'không đứng đắn' trong nhà vệ sinh. Vấn đề này do nhóm quy phạm đạo đức điều chỉnh. Vậy, đôi nam nữ này sai về mặt đạo đức xã hội chứ chưa đến mức sai về mặt pháp luật".
Theo luật sư Tiền, với cô lao công, việc cô ức chế khi chờ đến hàng tiếng đồng hồ mà nhà vệ sinh chưa mở cửa là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, việc cô tự ý mở cửa nhà vệ sinh và chứng kiến cảnh mà cô cho là "không hay" có thể dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật. Bởi lẽ trong tình huống đó, đôi nam nữ đang trong tình trạng nhạy cảm, mà cô tự ý mở cửa vào, hành vi này đã xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về thân thể, danh dự và nhân phẩm cũng đời sống riêng tư đôi nam nữ.
Đây là các quyền mà công dân được Hiến pháp bảo vệ, căn cứ theo các quy định tại Khoản 1 Điều 20 và Khoản 1 Điều 21 Hiến pháp.
"Tình huống xảy ra do sự sai lầm của cả đôi bên. Mong rằng các bạn trẻ trong cuộc sống hiện nay, dù tư tưởng có 'thoáng' hơn, nhưng cũng nên cân nhắc kỹ càng. Còn những người đứng tuổi, trong các tình huống đặc biệt, cũng nên có cách xử trí khéo léo hơn, sao cho vừa giáo dục được con trẻ mà vừa giữ được danh dự và tương lai cho các em.
Về phía 2 bạn trẻ, việc họ có hành xử như vậy ở nơi công cộng là không nên nhưng ngược lại, nếu mọi người 'đào bới' quá nhiều vào đời sống riêng tư của người khác khi chưa có căn cứ rõ ràng sẽ làm ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân của họ, trường hợp xấu hơn có thể ảnh hưởng tâm lí dẫn đến những hành động dại dột của người trong cuộc. Hai bên cần có cách ứng xử trên cơ sở thiện chí, tôn trọng lẫn nhau để tìm ra cách giải quyết vấn đề khéo léo, tế nhị hơn", luật sư cho biết.