Đã đến lúc cần siết chặt và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm
Thông tin từ phía cơ quan điều tra cho biết, đến nay Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 Bộ Công an) đã khởi tố 5 cá nhân thuộc Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) để điều tra về hành vi nhận hối lộ.
Danh sách bao gồm: Nguyên Cục trưởng cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế Nguyễn Thanh Phong, Phó Trưởng phòng Giám sát ngộ độc Cao Văn Trung, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và Đào tạo an toàn thực phẩm Đinh Quang Minh, Phó Giám đốc Nguyễn Thị Minh Hải và chuyên viên Lê Thị Hiên.
Theo lời khai ban đầu, ông Phong cho biết đã nhận tổng cộng 250 triệu đồng thông qua Phó phòng Trung, dưới hình thức "doanh nghiệp cảm ơn" sau mỗi lần hậu kiểm. Trong đó, có nhiều đợt cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và chứng nhận thực hành sản xuất tốt (GMP).
Còn ông Trung khai việc buông lỏng trong kiểm tra, thẩm định đã tạo kẽ hở cho doanh nghiệp trục lợi, ảnh hưởng đến tính khách quan của công tác quản lý. Bị can Minh cũng thừa nhận toàn bộ hồ sơ công bố sản phẩm đều chỉ dựa trên tài liệu do doanh nghiệp cung cấp, thiếu sự thẩm định độc lập.
Nguyên Cục trưởng cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế Nguyễn Thanh Phong
Trao đổi với PV dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục điều tra làm rõ hành vi của các bị can, làm rõ phương thức thủ đoạn phạm tội cũng như số tiền mà các bị can đã sử dụng để đưa và nhận hối lộ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngoài các bị can Bị xử lý về tội nhận hối lộ theo quy định tại Điều 354 bộ luật hình sự thì cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ hành vi đưa hối lộ, nếu đủ căn cứ thì sẽ xử lý người đưa hối lộ theo quy định tại điều 364 bộ luật hình sự.
Ông Cường cho biết, theo quy định của pháp luật, hành vi nhận hối lộ là hành vi của người có chức vụ quyền hạn, đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để nhận tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất của người đưa hối lộ nhằm thực hiện công việc theo yêu cầu của người đi hối lộ. Bản chất là có sự “thoả thuận” giữa người có chức vụ quyền hạn (người nhận hối lộ) với người đưa hối lộ về công việc phải làm, lợi ích sẽ được hưởng. Theo đó, người đưa hối lộ sẽ yêu cầu người nhận hối lộ thực hiện một việc nào đó, đổi lại sẽ được hưởng lợi ích.
Thỏa thuận đưa nhận hối lộ có thể là thỏa thuận trực tiếp hoặc thỏa thuận gián tiếp, có thể thỏa thuận bằng văn bản hoặc thỏa thuận bằng lời nói hoặc cũng có thể thỏa thuận “ngầm” bằng hành vi mà cả hai bên đều hiểu là cứ làm một việc như vậy vì lợi ích của người đưa hối lộ thì sẽ được đưa hối lộ theo từng lần, từng việc mà không cần phải có sự thỏa thuận thống nhất cụ thể ...
Ví dụ: người nhận hối lộ là người có thẩm quyền thực hiện thủ tục hành chính, người đưa hối lộ là người yêu cầu thực hiện thủ tục hành chính, hành vi của hai bên diễn ra nhiều lần, người có chức vụ quyền hạn cứ thực hiện công việc theo yêu cầu làm nhanh thủ tục hoặc bỏ qua sai phạm thì lại được “tặng quà” cảm ơn.
Người đó hiểu rằng cứ làm như thế sẽ được “cảm ơn” và người đưa hối lộ cũng sẽ hiểu rằng cứ thông thủ tục là phải cảm ơn thì tiền cảm ơn này được xác định là tiền đưa và nhận hối lộ vì đây là thỏa thuận ngầm mà cả hai bên đều có ý chí, hiểu được và tự nguyện thực hiện việc trao đổi như vậy.
Từ những quan hệ dân sự, những phong tục tập quán tốt đẹp về uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây, tặng quà nhau những dịp lễ tết mà những người đưa hối lộ và nhận hối lộ đã lợi dụng để thực hiện hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ.
Chính vì vậy, Pháp luật và các quy định của Đảng quy định người có chức vụ quyền hạn không được nhận quà biếu từ cấp dưới hoặc từ những người mà mình có trách nhiệm quản lý hành chính. Nếu nhận quà từ một việc thỏa thuận nào đó liên quan đến công vụ nhiệm vụ thì đó là nhận hối lộ.
Trong trường hợp xử lý về tội nhận hối lộ, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ hành vi đưa hối lộ để xử lý theo quy định của pháp luật.
"Người thực hiện hành vi đưa hối lộ sẽ bị xử lý hình sự theo điều 364 bộ luật hình sự, hình phạt cao nhất có thể tới 20 năm tù. Còn với người nhận hối lộ thể hình phạt cao nhất có thể áp dụng là tử hình (nếu nhận hối lộ từ 1.000.000.000 đồng trở lên)".
Luất sư Cường khuyến cáo: "Để đấu tranh với tội phạm về tham nhũng và chức vụ thì pháp luật cũng khuyến khích người đưa hối lộ chủ động khai khai báo, tố giác người nhận hối lộ. Bởi vậy bộ luật hình sự quy định trong trường hợp người đưa hối lộ bị ép buộc và chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì không bị xử lý hình sự về tội đưa hối lộ, được trả lại toàn bộ tài sản.
Trường hợp người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng chủ động khai báo thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc có thể không tùy thuộc vào từng vụ việc cụ thể. Trong trường hợp chủ động khai báo trước khi bị phát hiện thì cũng có thể được trả lại một phần hoặc toàn bộ tài sản".
Tổng số thực phẩm chức năng thu giữ khoảng 100 tấn -Ảnh: Bộ Công an
Đây là vụ án hình sự phức tạp có liên quan đến nhiều bị can, nhiều doanh nghiệp và hành vi phạm tội kéo dài có liên quan đến nhiều cơ quan tổ chức. Hành vi phạm tội núp bóng việc tặng quà việc chứng minh tội phạm phải thu thập bằng các chứng cứ, đặc biệt là các chứng cứ để chứng minh có việc thỏa thuận giữa người đưa hối lộ và người nhận hối lộ.
Bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục mở rộng điều tra vụ án làm rõ hành vi đưa hối lộ và hành vi nhận hối lộ làm rõ phương thức thủ đoạn phạm tội và trách nhiệm của các tổ chức cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.
Việc đấu tranh với thực phẩm bẩn, các hành vi tiếp tay cho thực phẩm bẩn được dư luận xã hội rất đồng tình ủng hộ, hiện nay đảng và nhà nước đang quyết tâm xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là lương thực thực phẩm.
Ngoài việc xử lý đối với những người thực hiện hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm thì sẽ xử lý nghiêm đối với những người tiếp tay, dung túng cho thực phẩm bẩn, đặc biệt là những người có chức vụ quyền hạn và những người tham gia hoạt động quảng cáo sai sự thật.
Để đấu tranh có hiệu quả đối với hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng về thực phẩm thì việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là cần thiết, đặc biệt là hành vi của doanh nghiệp và hành vi của cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến các lĩnh vực này.