Chiều 7/12, nhóm phóng viên Tiền Phong có cuộc trao đổi với ông Hoàng Minh Cảnh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tuyên Quang.
Mở đầu cuộc trao đổi, ông Cảnh cho biết, ngay khi có chỉ đạo từ UBND về vụ việc xảy ra tại Trường THCS Văn Phú (xã Văn Phú, huyện Sơn Dương), ông là người đại diện cho Sở GD&ĐT có mặt trong đoàn công tác làm việc với UBND huyện, Phòng Giáo dục huyện Sơn Dương, nhà trường cùng một vài đơn vị khác.
Ông Hoàng Minh Cảnh (phải), Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tuyên Quang, trao đổi với PV Tiền Phong. Ảnh: Văn Đức
Ông Cảnh nhận định, sự việc xảy ra là rất nghiêm trọng và đáng tiếc, ảnh hưởng đến hình ảnh thầy cô giáo và các em học sinh. Dù Trường THCS Văn Phú thuộc quản lý trực tiếp của Phòng Giáo dục và UBND huyện Sơn Dương nhưng liên quan đến trách nhiệm của ngành.
“Sự việc đang được làm rõ theo quy định của pháp luật. Hiệu trưởng đã được tạm đình chỉ công tác. Tỉnh sẽ thông báo khi có kết quả xử lý chính thức”.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang
Nói về trách nhiệm của nhà trường, hiệu trưởng, thầy cô giáo, học sinh, cơ quan quản lý khi để xảy ra sự việc, vị lãnh đạo sở cho biết, hiện tại cơ quan chức năng vẫn đang xác minh, làm rõ thông tin.
Tuy nhiên, ở góc độ quản lý và tham mưu cho UBND tỉnh, Sở GD&ĐT sẽ báo cáo, tham mưu xử lý nghiêm tập thể, cá nhân theo tinh thần sai đến đâu xử lý đến đó, không bao che, dung túng.
Ông Nguyễn Duy Sáng, Hiệu trưởng Trường THCS Văn Phú đã bị đình chỉ công tác. Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Tuyên Quang, bước đầu xử lý như thế này rất thỏa đáng, bởi lẽ, trách nhiệm người đứng đầu là phải nắm bắt, chấn chỉnh kịp thời.
Gióng hồi chuông cảnh báo
Cô Phan Thị H (trái) trong ít phút trao đổi với PV. Ảnh: Văn Đức
Về việc cô giáo Phan Thị H bị nhóm học sinh lớp 6, lớp 7 Trường THCS Văn Phú dồn vào góc tường, buông lời chế giễu, sỉ nhục, ông Cảnh nhận định, vụ việc gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với các thầy cô trong môi trường sư phạm, đặc biệt ở các cấp bậc THCS, THPT.
Về công tác quản lý, quản trị, ban giám hiệu nhà trường, hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm phải là người nắm bắt tâm tư học sinh rất sát. Theo ông Cảnh, đến giờ có thể nhận định sự việc xảy ra có trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm, ban giám hiệu nhà trường khi không xử lý kịp thời.
Trong khi đó, đối với học sinh liên quan, theo ông Cảnh, hiện chưa thể đánh giá được đạo đức của các em như thế nào, ngoan hay không, bởi các em mới chỉ học lớp 6, lớp 7, đang ở độ tuổi chưa nhận thức rõ đúng sai.
“Tôi vẫn quan niệm rằng, trong giáo dục, để đánh giá được một cá nhân, một người dạy, một nhà giáo, một người học, chúng ta phải hết sức cân nhắc. Đối với các em học sinh, tương lai còn ở phía trước.
Chính vì thế, vụ việc khi được làm rõ sẽ cần xử lý một cách nhân văn, thấu đáo. Điều quan trọng nhất là luôn hướng thiện cho các em, hướng các em thành công dân có ích. Đây là điều chắc chắn các thầy cô, gia đình, ngành giáo dục mong muốn”, ông Cảnh nói.
Để những sự việc như ở Trường THCS Văn Phú không xảy ra trong thời gian tới, ông Cảnh cho rằng, các cấp quản lý, cơ sở giáo dục phải rút kinh nghiệm sâu sắc. Người đứng đầu phải nêu cao trách nhiệm trong việc xây dựng kỷ cương giờ học, văn hóa học đường. Cùng với đó là tuyên truyền cán bộ, giáo viên tuân thủ đạo đức nhà giáo, làm tốt công tác nắm bắt tâm lý học sinh và ngay cả giáo viên để kịp thời có biện pháp can thiệp.
“Về phía Sở GD&ĐT Tuyên Quang, chúng tôi sẽ tham mưu để chấn chỉnh kỷ cương, trong đó tập trung công tác quản lý, quản trị nhà trường, xây dựng tư tưởng vững vàng, đạo đức nghề nghiệp, nâng cao nghiệp vụ sư phạm cho các nhà giáo. Khi tạo được niềm tin với học sinh, phụ huynh, giáo viên, những vụ việc như vừa rồi có thể sẽ được hành xử khác”, ông Cảnh nói.