Có một sự thật đáng buồn là không ít giáo viên ngày nay từng phải lắc đầu than thở về việc học sinh dường như ngày càng ít tôn trọng thầy cô hơn so với thời trước. Điều này một mặt thể hiện ở tính kỷ luật trong lớp, mặt khác thể hiện ở thái độ đối với giáo viên. Từ những hành vi nhỏ như không vào lớp đúng giờ, làm việc riêng trong lớp, đặt biệt danh cho giáo viên,... cho đến nghiêm trọng hơn là lăng mạ, thậm chí đánh thầy cô.
Những vụ việc học sinh bắt nạt "ngược" thầy cô giáo không phải là hiếm và vẫn được đưa tin thường xuyên trên báo đài. Một số ý kiến cho rằng học sinh ngày nay đã "mạnh dạn" hơn và ít sợ thầy cô hơn trước. Trước đây, thầy cô giáo như cha mẹ thứ hai của trẻ và thường được kính nể, tôn trọng. Nhưng giờ đây, mối quan hệ thầy trò dường như đã được cân bằng hơn. Vậy rốt cuộc đâu là nguyên nhân sâu xa của sự thay đổi này?
Nhà giáo và bác sĩ vẫn luôn được coi là 2 ngành nghề cao quý trong xã hội. Thế nhưng trong thực tế, "địa vị" nhà giáo trong mắt một bộ phận phụ huynh và học sinh đã không còn được như trước. Vấn đề này xảy ra là do một số tin tức tiêu cực trong ngành giáo dục, dù vẫn là số ít nhưng có tác động nhất định đến định kiến của một số người.
Quả thật, "quyền lực" trong tay giáo viên ngày càng ít. Họ không được phép đánh, mắng những học sinh nghịch ngợm, một vài lời chỉ trích gay gắt có thể bị cho là "xúc phạm học sinh", việc dùng thước đánh vào tay - một kiểu phạt học trò khá phổ biến trước đây giờ cũng bị coi là "bạo lực"/ "phản giáo dục". Không ít thầy cô giáo đã phải chịu kiểm điểm và hình phạt vì có những "can thiệp" quá mức tới học sinh của mình trong quá trình giảng dạy.
Đã có những vụ việc bất cập học sinh đánh mắng "ngược" lại giáo viên
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là cách giáo dục cũ được đánh mắng học sinh là đúng và hiện tại là sai. Nhận thức của xã hội đã thay đổi và có những góc nhìn đa chiều hơn về mối quan hệ giữa thầy - trò. Đúng sai chỉ là tương đối và đây vẫn luôn là câu chuyện bị tranh cãi rất lâu mà chưa thể có hồi kết.
Vài chục năm trước, sau khi xã hội bắt đầu ổn định về mặt kinh tế hơn, sự chú trọng vào giáo dục cũng ngày càng tăng. Ngày nay, tầm quan trọng của giáo dục đã được mọi người nhất trí công nhận. Hầu hết mọi người đều có tư tưởng học tập và thi đại học là con đường duy nhất trong tương lai của hầu hết trẻ em, do đó địa vị xã hội của giáo viên cũng đồng thời được nâng cao.
Nhưng đến ngày nay, kiến thức không còn là "hàng hóa" khan hiếm. Khi trình độ học vấn của người dân nhìn chung được nâng cao, giáo dục chuyển từ "sản phẩm" xa xỉ sang "sản phẩm" tiêu dùng thông thường. Học sinh có thể học tập từ rất nhiều nguồn đa dạng khác nhau, không chỉ từ thầy cô giáo trên lớp. Trẻ cũng thường được bố mẹ cho đi học phụ đạo bên ngoài. Giáo dục càng ngày càng có nhiều lựa chọn. Thế nên lợi thế về kiến thức và khả năng truyền bá kiến thức của giáo viên không còn là "độc tôn" nữa.
Trong mắt một số người, quá trình "công nghiệp hóa" giáo dục đã biến kiến thức thành hàng hóa có thể mua bán, và mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh đã trở thành mối quan hệ giữa người bán và người mua. Học sinh và phụ huynh trả tiền để tham gia lớp học và nghĩ rằng những kiến thức, kỹ năng mình nắm được là do chính mình nỗ lực, còn người dạy đã được trả công lao tương xứng nên không cần phải biết ơn như được giúp đỡ.
Địa vị của nghề giáo phải chăng đã không còn như xưa?
Việc giáo viên có được học sinh và phụ huynh tôn trọng hay không, cũng như các ngành nghề khác, cần được đánh giá dựa trên phẩm chất và năng lực chuyên môn của riêng họ. Dẫu vậy, dù thế nào tôn sư trọng đạo vẫn là một đức tính cần được coi trọng và gìn giữ trong bất kỳ thế hệ nào. Một ngôi trường luôn có những giáo viên được học sinh kính trọng mới có thể trở thành môi trường giáo dục tốt cho thế hệ tương lai.