Liên quan đến vụ việc, chiều cùng ngày, trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Cường, Viện trưởng Viện KSND tỉnh Đắk Nông xác nhận, đơn vị vừa nhận được hồ sơ của Cơ quan điều tra chuyển đề nghị phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp các nghi can trong vụ “cà phê…pin”.
Người làm công tại cơ sở của bà Loan đang tổ chức trộn phế phẩm cà phê với hỗn hợp nước trộn pin
Theo ông Cường, hiện nay hồ sơ vụ án đang được các đơn vị nghiệp vụ nghiên cứu, chưa có đề nghị lên lãnh đạo phê chuẩn. "Đây là vụ án phức tạp nhưng cơ quan Công an đã khởi tố vụ án để điều tra, xác minh, làm rõ thêm căn cứ mới khởi tố bị can. Công an đã chuyển hồ sơ sang Viện rồi, đơn vị đang cho nghiên cứu thêm", ông Cường nói.
Trước đó, qua thu thập chứng cứ, xác minh, Cơ quan điều tra đã tạm giữ 5 đối tượng gồm: Bà Nguyễn Thị Thanh Loan (43 tuổi, trú tại thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đăk R’lấp, chủ cơ sở), Nguyễn Xuân Bảo (33 tuổi, trú tại xã Nghĩa Thắng, huyện Đăk R’lấp, chung sống như vợ chồng với bà Loan), Phan Thị Dung (56 tuổi, trú tại khu phố Ninh Hòa, thị trấn Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước), Lê Thị Hồng Thơ (39 tuổi trú tại thôn 5, xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông, làm nghề kinh doanh) và Trần Văn Tuấn (32 tuổi, trú tại thôn 2, xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song).
Hỗn hợp nước trộn pin sau được đem trộn với phế phẩm cà phê |
Cũng theo ông Cường, đến thời điểm này đã đủ căn cứ để khẳng định bà Nguyễn Thị Thanh Loan cho trộn phế phẩm cà phê với sỏi (0,5-1mm) rồi nhuộm với dung dịch nước trộn pin đóng gói đem bán về Bình Phước để trộn vào tiêu làm thực phẩm. |
Vì vậy Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông đã khởi tố vụ án vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm theo Điều 317 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Pin được bà Loan đập bỏ lấy bột than hòa trộn với phế phẩm cà phê |
Nói về động cơ nhuộm phế phẩm cà phê với hỗn hợp nước và pin, ông Nguyễn Văn Cường cho biết thêm, bà Loan đi thu mua vỏ, phế phẩm cà phê về nhuộm hỗn hợp nước và pin bán đi chỉ nhằm mục đích kiếm lời. |
“Cụ thể, vợ chồng Loan và người làm đã trộn phế phẩm cà phê và nhuộm pin để có màu đen giống hạt tiêu. Sau đó vợ chồng bà Loan bán sản phẩm này cho Thơ, Tuấn rồi hai người này chuyển về cho cơ sở mua bán của bà Dung tại huyện Lộc Ninh, Bình Phước. Tại đây, bà Dung trộn các hỗn hợp từ cơ sở bà Loan để tăng trọng lượng cho hạt hồ tiêu”, ông Cường thông tin.
Trong khi đó, trao đổi với PV về việc có hay không bà Dung dùng hỗn hợp này để làm tăng trọng cho hạt hồ tiêu, Đại tá Lê Vinh Quy cho biết thêm: “Vấn đề này hiện Cơ quan điều tra đang tiếp tục đấu tranh với các đối tượng để làm rõ nên chưa thể cung cấp được. Sau khi làm rõ, Công an tỉnh sẽ tổ chức họp báo thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng”, Đại tá Quy nói.