Vụ bệnh nhân COVID-19 người Hà Nam: Cần xử lý cả bệnh nhân và nơi giám sát cách ly

ANH ĐỨC, Theo Pháp luật & Bạn đọc 12:50 01/05/2021
Chia sẻ

Trường hợp BN 2899 hoàn thành cách ly tập trung và trở về nhà vào ngày 22/4, ngày 23/4 bệnh nhân có tiếp xúc, tổ chức ăn uống với bạn bè, người thân ở xã Chân Lý và xã Bắc Lý, luật sư cho rằng bệnh nhân này đã vi phạm quy định về phòng chống dịch.

Sự thiếu trách nhiệm giám sát của nơi cách ly

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 có Công văn 425/CV-BCĐ ngày 19/1/2021 hướng dẫn bàn giao, quản lý sau khi hoàn thành cách ly tập trung.

Vụ bệnh nhân COVID-19 người Hà Nam: Cần xử lý cả bệnh nhân và nơi giám sát cách ly - Ảnh 1.

Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật

Liên quan vấn đề di chuyển từ khu cách ly tập trung về nơi lưu trú, Ban Chỉ đạo hướng dẫn như sau:

- Nếu đi phương tiện vận tải đường bộ thì yêu cầu đi bằng xe riêng (do người hoàn thành cách ly hoặc cơ quan sử dụng người nhập cảnh hoặc chủ cơ sở cách ly tập trung hoặc địa phương bố trí), xe phải được đăng ký trước với đơn vị quản lý khu cách ly tập trung, không tổ chức đưa đón đông người (chỉ gồm lái xe hoặc/và người giám sát đi cùng).

- Người hoàn thành cách ly, lái xe hoặc người đi cùng (nếu có) phải đeo khẩu trang trong suốt quá trình di chuyển, bố trí, sử dụng thường xuyên dung dịch sát khuẩn tay khi lên, xuống xe và trong suốt quá trình di chuyển; cài đặt và mở ứng dụng truy vết (Bluezone) liên tục và áp dụng các biện pháp phòng hộ cá nhân theo quy định.

+ Hạn chế tiếp xúc gần (< 2 m) với người khác trong quá trình di chuyển.

+ Hạn chế dừng, đỗ ăn uống dọc đường, tốt nhất là đi thẳng từ khu cách ly tập trung về nhà, nơi lưu trú.

"Như vậy, có thể thấy trong trường hợp này, sau khi cách ly người đó đã không thực hiện đúng theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo. Đồng thời, sự việc cũng cho thấy sự thiếu trách nhiệm giám sát của nơi cách ly sau khi cho người cách ly về địa phương", luật sư nói.

Vụ bệnh nhân COVID-19 người Hà Nam: Cần xử lý cả bệnh nhân và nơi giám sát cách ly - Ảnh 2.

Các chốt kiểm soát y tế tại Hà Nam

Luật sư Bình nêu quan điểm: "Người có trách nhiệm trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nhưng không triển khai hoặc triển khai không kịp thời, không đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định gây hậu quả nghiêm trọng thì bị xử lý về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 360. Do đó, các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật như vầy để tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe cho người dân".

Cần phải xử lý bệnh nhân

Đồng quan điểm trên, luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty luật Minh Bạch (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết: Với tính chất nguy hiểm của bệnh truyền nhiễm nhóm A, Nhà nước đã ban hành các văn bản thực hiện các biện pháp xử lý đối với những hành vi vi phạm về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, cần phải xử lý bệnh nhân trên theo quy định của pháp luật.

Theo luật sư, tại khoản 2, khoản 7 Điều 8 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007 quy định rất rõ một trong những hành vi bị nghiêm cấm trong công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm bao gồm:

"2. Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật"...

"7. Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.".

"Như vậy, trường hợp BN 2899 nêu trên là người bị nghi ngờ có khả năng mang mầm bệnh và có thể lây lan dịch bệnh cho người khác thì người này bắt buộc tuân thủ nguyên tắc cách ly tập trung đủ thời gian mà cơ quan, ban ngành phòng chống dịch quy định", luật sư Trần Tuấn Anh phân tích.

Vụ bệnh nhân COVID-19 người Hà Nam: Cần xử lý cả bệnh nhân và nơi giám sát cách ly - Ảnh 3.

Bệnh nhân đã tiếp xúc nhiều người

Trước đó, ngày 1/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 447/QĐ-TTg về việc công bố dịch Covid-19 xác định dịch bệnh Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu cần thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm kịp thời để ổn định cuộc sống, đảm bảo sức khỏe của người dân.

Tại điểm b, khoản 1, Điều 11 Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định, hành vi không tuân thủ biện pháp cách ly y tế bị coi là hành vi "Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền"; có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Trong trường hợp vì hành vi không tuân thủ biện pháp cách ly mà làm lây lan dịch bệnh cho người khác, gây hậu quả nghiêm trọng thì người làm lây lan dịch bệnh còn có thể bị xử lý hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015 với mức phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 1 năm đến cao nhất là 12 năm tù giam.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày