Vụ bắt cóc làm rung chuyển Hoàng gia Anh: Công chúa bị ngang nhiên tấn công giữa một dàn vệ sĩ và tình tiết “chốt hạ” khó tin như trong phim

Chi Chi, Theo Trí Thức Trẻ 00:10 28/04/2021

Vụ bắt cóc Công chúa Anne - con gái duy nhất của Nữ hoàng Anh là vụ tấn công hi hữu nhắm vào thành viên hoàng gia trong thời hiện đại.

Hoàng gia Anh vốn luôn là gia đình hoàng tộc thu hút sự chú ý lớn nhất của thế giới với rất nhiều câu chuyện thú vị. Nhưng sự kiện được coi là chấn động và nguy hiểm nhất theo nghĩa đen từng xảy ra dưới thời Nữ hoàng Elizabeth II không phải là những cuộc phỏng vấn bom tấn đầy drama hay bê bối ngoại tình mà là một vụ bắt cóc nghiêm trọng từng đe dọa trực tiếp đến tính mạng của Công chúa Anne - con gái duy nhất của Nữ hoàng.

Vụ tấn công ngang nhiên đến kỳ lạ

Chiều tối ngày 20/3/1974, Công chúa Anne tham dự một sự kiện từ thiện ở phố Pall Mall (London) cùng người chồng đầu tiên là Mark Phillips. Khi đang trên đường trở về Cung điện Buckingham, chiếc xe Rolls-Royce chở Công chúa đột ngột bị một chiếc xe Ford chặn đường. 

Vụ bắt cóc làm rung chuyển Hoàng gia Anh: Công chúa bị ngang nhiên tấn công giữa một dàn vệ sĩ và tình tiết “chốt hạ” khó tin như trong phim - Ảnh 1.

Công chúa Anne và chồng cũ Mark Phillips là đối tượng bị âm mưu bắt cóc

Từ trên xe, người đàn ông tên Ian Ball bước ra với một khẩu súng trên tay. Thanh tra James Beaton, viên sĩ quan cảnh sát đi theo bảo vệ Công chúa lập tức ra khỏi xe và ngăn gã kia lại. Nhưng vì kẻ tấn công có vũ khí nên đã bắn trọng thương vệ sĩ của Anne. Trong tình huống đó, đến lượt tài xế Alex Callender bước xuống cố gắng tước vũ khí của gã. Một nhà báo có mặt tại hiện trường tên Brian McConnell đi cùng đoàn người trong sự kiện cũng xông vào can thiệp, rồi tất cả đều bị bắn trọng thương.

Hàng rào bảo vệ 3 người đàn ông đều bị đánh gục nhanh chóng trong chốc lát chỉ bởi một người. Tên Ian Ball tiến lại được gần xe của Công chúa, túm lấy tay cô tính lôi ra khỏi xe thì Mark Phillips cố níu vợ mình lại. 

Đứng ngay trước cửa xe, gã ta ngang nhiên nói với Công chúa về kế hoạch bắt cóc và yêu cầu tiền chuộc khoảng 2 - 3 triệu bảng Anh. Dù bị dí súng trực tiếp vào người và không còn ai bảo vệ, Công chúa Anne vẫn bình tĩnh, thậm chí cáu gắt đáp lại: "Đừng có mơ!" rồi cố gắng đánh gã và chạy khỏi xe nhưng không được. 

Vụ bắt cóc làm rung chuyển Hoàng gia Anh: Công chúa bị ngang nhiên tấn công giữa một dàn vệ sĩ và tình tiết “chốt hạ” khó tin như trong phim - Ảnh 2.

Hình ảnh hiện trường nơi xảy ra vụ tấn công

"Anh hùng" bất ngờ xuất hiện

Giữa tình hình đang "ngàn cân treo sợi tóc", "anh hùng" cuối cùng cũng xuất hiện. Đó là một người qua đường đang dạo phố và tốt bụng lao vào cứu giúp khi thấy ẩu đả. Và điều may mắn đến khó tin nữa là người đàn ông đó tình cờ lại là một võ sĩ với thể lực cực "khủng". Với sức mạnh lực lưỡng hơn người của mình, võ sĩ quyền anh tên Ron Russell đã dễ dàng khống chế được tên bắt cóc mà không cần tốn quá nhiều sức lực lẫn thời gian. Ron tấn công gã ta từ sau lưng với những cú đánh mạnh liên tiếp. Tay bắt cóc bị choáng váng và Công chúa Anne cùng chồng nhanh chóng chạy thoát khỏi hiện trường.

Cũng đúng lúc này, cảnh sát được gọi cứu trợ cũng kịp thời có mặt và "dọn dẹp" hiện trường, bắt tay bắt cóc liều lĩnh về đồn.

Sau vụ bắt cóc hi hữu và nguy hiểm, Công chúa Anne cùng chồng cũ đều bình an vô sự. Những người bị thương sau vụ việc đều được điều trị và bình phục không lâu sau đó.

Vụ bắt cóc làm rung chuyển Hoàng gia Anh: Công chúa bị ngang nhiên tấn công giữa một dàn vệ sĩ và tình tiết “chốt hạ” khó tin như trong phim - Ảnh 3.

Hình ảnh Công chúa Anne đến bệnh viện thăm những người vì bảo vệ mình mà bị thương

Nữ hoàng đã trao tặng Thanh tra James Beaton huân chương George Cross - huân chương cao quý nhất dành cho thường dân và sĩ quan có tấm lòng dũng cảm. Võ sĩ boxing Ron Russell được trao tặng mề đai George Medal. Tài xế Alex Callender, nhà báo Brian McConnell và thanh tra Peter Edmonds đến giải cứu sau cùng đều được trao tặng mề đai Queen's Gallantry Medal. 

Tên bắt cóc Ian Ball không lâu sau đó bị kết tội có ý đồ giết người và bắt cóc. Nhưng hắn ta được thẩm định là mắc bệnh tâm thần nên bị kết án tù chung thân sống trong bệnh viện. Năm 2014, trong một cuộc phỏng vấn, tên tội phạm này gửi lời xin lỗi đến Công chúa Anne vì đã làm cô sợ và nói "nhờ có tôi mà hoàng gia mới được cảnh tỉnh, tăng cường an ninh hơn".

Vụ bắt cóc làm rung chuyển Hoàng gia Anh: Công chúa bị ngang nhiên tấn công giữa một dàn vệ sĩ và tình tiết “chốt hạ” khó tin như trong phim - Ảnh 4.

Vụ bắt cóc bất thành được tái hiện lại trong phim To Kidnap A Princess (Bắt cóc Công chúa)

Sự ám ảnh về sau 

Dù thể hiện thái độ rất tự tin và "gắt" trước mặt kẻ bắt cóc liều lĩnh nhưng Công chúa Anne và chồng vẫn không thể nào tránh được sự sợ hãi và ám ảnh sau vụ tấn công đột ngột.

Công chúa Anne được mẹ trao tước hiệu Công chúa Hoàng gia cao quý ngay từ khi còn trẻ và cũng là một thành viên thực hiện các nghĩa vụ hoàng gia khá tích cực. Tuy nhiên, khi sinh con trai đầu lòng vào năm 1977, Công chúa đã có một quyết định chưa từng có tiền lệ là xin từ chối mọi danh hiệu hoàng gia cho các con của mình. Vì vậy, hai cháu ngoại của Nữ hoàng là Peter Phillips và Zara Phillips trên danh nghĩa đều là thường dân dù vẫn có tên trong danh sách thừa kế ngai vàng Anh. 

Peter Phillips là thành viên Hoàng gia Anh đầu tiên trong 500 năm sinh ra mà không có tước hiệu. Ngay cả khi kết hôn vào năm 2008, khi Nữ hoàng muốn trao tước hiệu Bá tước cho Peter, anh cũng đã tự mình từ chối. 

Vụ bắt cóc làm rung chuyển Hoàng gia Anh: Công chúa bị ngang nhiên tấn công giữa một dàn vệ sĩ và tình tiết “chốt hạ” khó tin như trong phim - Ảnh 5.

Công chúa Anne yêu cầu Nữ hoàng không trao tước hiệu cho các con mình

Quyết định khác biệt của Công chúa về sau được phụ tá thân cận là ông Robert Hardman giải thích. Yêu cầu của bà bắt nguồn từ chính nỗi ám ảnh và sợ sệt do vụ bắt cóc 3 năm về trước gây ra. Anne mong muốn các con của mình không phải chịu sự ảnh hưởng quá nhiều từ thân phận đặc biệt, có thể sống kín tiếng và bình thường, ít bị để ý nhất có thể. 

Nguồn: Evening Standard