Ban Kiểm soát bị vô hiệu hóa
Bị cáo Phạm Thu Phong - cựu Trưởng ban Kiểm soát SCB khai làm việc tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB cũ) từ năm 2007 và tiếp tục công tác tại SCB đến cuối năm 2018 và tháng 4/2019 thì nghỉ việc. Theo nguyên tắc, Ban Kiểm soát Ngân hàng SCB là bộ phận sát sườn nhất và là người “gác cổng” của ngân hàng, giám sát chủ nhà băng để phát hiện và ngăn chặn rủi ro sớm. Bà Phong giữ vai trò Trưởng Ban kiểm soát Ngân hàng SCB, từ ngày 20/11/2012 đến ngày 26/12/2018. Trong giai đoạn này, SCB đã phát sinh 338 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát với 403 khoản vay. Các khoản vay này còn dư nợ đến ngày 17/10/2022 là 89.106 tỷ đồng nợ gốc, hơn 74.597 tỷ đồng nợ lãi và phí.
Bà Trương Mỹ Lan tại phiên xử ngày 8/3 Ảnh: Phạm Nguyễn
“Bị cáo có kiểm soát đúng định hướng nhưng trên thực tế gặp một số trở ngại”, bị cáo Phong khai. Đó là, “khi thấy tình hình tài chính SCB rất xấu, Ban kiểm soát có cảnh báo. Bị cáo đã xin nghỉ vào cuối 2016, do kiểm toán nội bộ không tiếp cận được hồ sơ, Ban Kiểm soát không làm việc được. Sau đó, bị cáo có trình bày với Chủ tịch Hội đồng quản trị SCB thì được động viên cố gắng làm thêm 1 năm”.
Mãi đến năm 2018, nhận thấy Ban Kiểm soát vẫn không thể làm việc được nên Phạm Thu Phong qua gặp bà Trương Mỹ Lan xin cho nghỉ. Khi được thẩm phán hỏi vì sao nghỉ việc phải trình bày với Trương Mỹ Lan? Phạm Thu Phong trả lời rằng lúc đó bà Lan là chủ của SCB. Sau khi nghỉ việc, lúc đang ở nhà thì Trương Mỹ Lan gọi điện cho Phạm Thu Phong, nói tài xế đang qua nhà gửi quà là 20 tỷ đồng.
Bỏ lọt sai phạm
Khi được HĐXX gọi lên xét hỏi bị cáo Đỗ Thị Nhàn (58 tuổi, quê Thái Bình), nguyên trưởng đoàn thanh tra SCB do cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước thành lập khai nhận, hành vi phạm tội đúng như cáo trạng và có nhận 5,2 triệu USD từ Võ Tấn Hoàng Văn (51 tuổi, cựu Tổng giám đốc SCB).
Trình bày với HĐXX, bị cáo Nhàn cho biết, từ khi công bố thanh tra và hoàn thành kết quả thanh tra tại SCB, bà không nhận tiền của ai và không thương lượng với ai. Về số tiền 5,2 triệu USD nhận từ Võ Tấn Hoàng Văn, bị cáo Nhàn cho rằng lúc Văn đưa tiền, bị cáo “cảm thấy sai nên không nhận”. Tuy nhiên, mỗi lần đưa tiền, Văn đều nói cảm ơn và nói không nhận thì “làm khó” cho Văn. Sau khi nhận tiền từ Văn, bị cáo Nhàn “để vào góc nhà, không sử dụng và nhiều lần gọi điện cho Văn để trả lại nhưng Văn không đến”. Do đó, bị cáo Nhàn đã đưa cho 3 người thân giữ giùm. Những lần này, bị cáo Đỗ Thị Nhàn nói với người thân rằng “cho chị gửi cái này vài hôm”.
Sau khi biết Văn bị khởi tố, bị cáo Nhàn đã viết đơn tự nguyện nộp lại ngay trong buổi làm việc đầu tiên với điều tra viên và việc nhận tiền này không báo cáo lên cấp trên. Bị cáo Nhàn cho rằng bản thân và 17 thành viên khác của Đoàn Thanh tra đã làm việc hết mình, điều này cũng thể hiện trên báo cáo kết quả thanh tra. Tuy nhiên, theo cáo trạng, bị cáo Nhàn đã chỉ đạo thành viên trong đoàn thanh tra báo cáo không trung thực, không đầy đủ các sai phạm của SCB; cố tình che giấu, làm nhẹ sai phạm của SCB và kiến nghị đề xuất tạo điều kiện cho SCB được tái cơ cấu.
Bà Đỗ Thị Nhàn - cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II thừa nhận có nhận 5,2 triệu USD từ SCB Ảnh: Phạm Nguyễn
Cụ thể, ở đợt thanh tra lần 1, bị cáo Nhàn đã trực tiếp chỉ đạo cấp dưới là Nguyễn Thị Phụng, Phó trưởng đoàn và Tổ tổng hợp (Nguyễn Tuấn Anh, Vũ Khánh Linh) bỏ ngoài số liệu phân loại nợ xấu 37.953 tỷ đồng; trích lập dự phòng rủi ro là 18.796 tỷ đồng và thoái dự thu 3.093 tỷ đồng đối với 3 dự án (Mũi Đèn Đỏ, 6A và Royal Garden) tại Chi nhánh SCB Cống Quỳnh; thoái lãi dự thu khỏi thu nhập là 3.135 tỷ đồng các khoản bán repo cổ phiếu trả chậm, làm thay đổi toàn bộ các chỉ tiêu tài chính của SCB (nợ xấu, âm vốn chủ sở hữu, lỗ lũy kế, hệ số an toàn...) theo hướng có lợi cho SCB để hợp thức, đưa vào báo cáo đoàn thanh tra, dự thảo kết luận thanh tra và các báo cáo Chính phủ.
Khi thanh tra đợt 2, Đỗ Thị Nhàn là người chủ động đề xuất Nguyễn Văn Hưng, cựu Phó chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng thay đổi kế hoạch thanh tra nhằm thu hẹp phạm vi, thời kỳ thanh tra để không phải thanh tra các khoản vay của nhóm 71 khách hàng phát sinh sau ngày 30/6/2017 còn dư nợ đến ngày 31/3/2018, không thanh tra đối với 13 khách hàng mới có cùng địa chỉ tại số 4 Nguyễn Thị Minh Khai phát sinh dư nợ sau ngày 30/6/2017. Từ đó, không chuyển cho cơ quan chức năng xử lý, ưu tiên thực hiện các biện pháp kinh tế để Trương Mỹ Lan, Võ Tấn Hoàng Văn chỉ đạo cấp dưới tại Vạn Thịnh Phát và SCB thực hiện việc cho vay mới với mục đích tất toán các khoản vay phát sinh trước 30/6/2017 đối với nhóm 71 khách hàng có địa chỉ số 4 Nguyễn Thị Minh Khai tổng cộng 88.150 tỷ đồng.
Chồng bị cáo Trương Mỹ Lan muốn khắc phục hậu quả
Bị cáo Chu Lập Cơ (68 tuổi, quốc tịch Trung Quốc, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Times Square - chồng của bà Trương Mỹ Lan) bị cáo buộc giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan gây thiệt hại cho SCB số tiền hơn 9.000 tỷ đồng. Thông qua phiên dịch viên, ông Chu Lập Cơ cho biết đã nhận được bản dịch tiếng Anh từ cáo trạng nhưng có một số điều chưa rõ và bản thân luôn tuân thủ mọi quy định của pháp luật dù ở Việt Nam hay Hồng Kông. Về việc ký các biên bản thế chấp tài sản của công ty để bảo lãnh các khoản vay, ông Chu Lập Cơ trình bày với HĐXX rằng không biết ký khống cho những khoản vay nào và không phải ký theo yêu cầu của vợ. Được chủ tọa hỏi về trách nhiệm bản thân khi ký bảo lãnh các khoản vay đã gây thiệt hại lớn, bị cáo Chu Lập Cơ nói trước đây không biết và bây giờ thì biết vi phạm và bày tỏ mong muốn được khắc phục hậu quả.