Liên quan đến vụ việc Công an tỉnh Nghệ An phát hiện, thu giữ 17 con hổ nuôi nhốt trên địa bàn, theo luật sư Trần Tuấn Anh - Công ty Luật Minh Bạch, việc điều tra vụ án trên được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 và những văn bản pháp luật có liên quan.
Trong vụ án này, sau khi thu giữ tang vật là những con hổ, cơ quan tạm giữ không có điều kiện nuôi dưỡng, bảo quản thì phải lập biên bản chuyển giao cho cơ sở có đủ điều kiện nuôi dưỡng, bảo quản trong thời gian chờ quyết định xử lý của người có thẩm quyền. Cụ thể là bàn giao cho khu du lịch sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm để chăm sóc.
Về việc 8 con hổ đã chết trong quá trình giải cứu, luật sư Tuấn Anh cho rằng, theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, vật chứng sau khi được thu thập, thu giữ phải được bảo quản nguyên vẹn, không để mất mát, lẫn lộn, hư hỏng. Trong quá trình điều tra, đơn vị được giao quản lý vật chứng phải có trách nhiệm bảo quản vật chứng.
8 trong số 17 con hổ đã chết sau khi được giải cứu
Như vậy, có thể thấy từ trước thời điểm ra quyết định thu giữ những con hổ trên, cơ quan chức năng phải có trách nhiệm lên phương án xử lý vật chứng, đảm bảo vật chứng được bảo đảm nguyên vẹn, không bị hư hại rồi mới được phép tiến hành thu giữ.
"Rõ ràng, trong trường hợp này, cần phải xác minh, điều tra nguyên nhân vì sao 8 con hổ chết để làm rõ trách nhiệm thuộc về cơ quan, cá nhân có thẩm quyền ra quyết định hay cá nhân, tổ chức, cơ quan quản lý vật chứng để có biện pháp xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật" - luật sư Tuấn Anh nêu quan điểm.
Theo luật sư Tuấn Anh, người có trách nhiệm bảo quản vật chứng mà để mất mát, hư hỏng, phá hủy niêm phong, tiêu dùng, sử dụng trái phép, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu, hủy hoại vật chứng của vụ án thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, hủy, làm hư hỏng vật chứng của vụ án nhằm làm sai lệch hồ sơ vụ án thì phải chịu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của luật.
Cũng theo luật sư, sau khi hoàn tất quá trình điều tra, những con hổ sẽ được chuyển giao cho cơ quan khoa học, cơ sở đào tạo, giáo dục môi trường, bảo tàng chuyên ngành để nghiên cứu, lưu giữ, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng hoặc tiêu hủy đối với trường hợp cá thể động vật hoang dã chết do bị bệnh dịch hoặc không thể xử lý theo phương án nghiên cứu, lưu giữ.
Nuôi hổ trái phép có thể bị phạt 15 năm tù
Trong vụ việc trên, 2 hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Nghệ An nuôi nhốt trái phép 17 con hổ Đông Dương, đây là loài động vật hoang dã thuộc danh mục nguy cấp, quý hiếm thuộc nhóm IB, là hành vi có dấu hiệu của tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm theo Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo đó, với số lượng nuôi, nhốt trái phép trên 6 con hổ, các đối tượng phạm tội có thể đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 10 năm đến 15 năm tù theo quy định tại khoản 3, điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trường hợp cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy có hành vi vi phạm pháp luật của pháp nhân thương mại thì cũng sẽ xử lý pháp nhân thương mại về tội danh này thì pháp nhân thương mại phạm tội có thể bị phạt từ đồng 10 tỷ đồng đến 15 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm.