Vụ 7 người tử vong khi chạy thận: Nước mắt trong đêm trắng ở Hòa Bình

Cao Tuân, Theo Gia đình & Xã hội 13:08 01/06/2017
Chia sẻ

Được đánh giá là sự cố y khoa nghiêm trọng nhất từ trước tới nay, vụ 7 người tử vong nghi do sốc phản vệ trong quá trình chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình đã khiến người dân cả nước xót thương. Cơ quan chức năng đang khẩn trương điều tra tìm nguyên nhân gây ra sự cố nghiêm trọng này.

Vụ 7 người tử vong khi chạy thận: Nước mắt trong đêm trắng ở Hòa Bình - Ảnh 1.

BS Hoàng Công Tình, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực (BVĐK Hòa Bình) – Người trực tiếp cấp cứu cho các bệnh nhân nghi bị sốc phản vệ khi chạy thận. Ảnh: Cao Tuân

Trắng đêm ở bệnh viện

Ngày 29/5 là một ngày đau xót tại BVĐK tỉnh Hòa Bình. 18 bệnh nhân đang chạy thận bỗng dưng có biểu hiện sốc phản vệ. Mặc dù, bệnh viện đã huy động các y, bác sĩ để cứu chữa nhưng 7 người không thể qua khỏi, 1 nữ bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch, 10 người được chuyển về Bệnh viện Bạch Mai ngay trong đêm.

Đêm 29/5, nhiều gia đình đã thức trọn đêm để đón thi hài người thân về nhà. Đây cũng là một đêm quá buồn đau đối với các y bác sĩ. Tại buổi họp báo, Giám đốc BVĐK Hòa Bình Trương Quý Dương đã nghẹn lời xin lỗi các bệnh nhân và gia đình. Sự cố tai biến không ngờ khiến người đàn ông mạnh mẽ, từng cứu chữa thành công cho hàng trăm, hàng nghìn bệnh nhân giờ đây lặng người.

BS Hoàng Công Tình, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực chia sẻ với chúng tôi rằng, ông thật sự muốn khóc. BS Tình cho biết, ông là người trực tiếp cấp cứu cho 18 bệnh nhân từ đầu và theo bệnh nhân tới giờ phút này. “Khi xảy ra sự cố, tâm trạng của anh em chúng tôi rất đau xót. Từ trưa 29 tới giờ tôi không muốn ăn gì. Tôi muốn được khóc, nhưng không thể, vì dưới mình còn 40 nhân viên, họ cần 1 chỉ huy, cần người kết nối công việc cho thật tốt”, vị Phó Khoa bày tỏ.

Kim đồng hồ chỉ sang thời khắc ngày mới, ngày 30/5, hầu hết các phóng viên bám trụ tại BVĐK Hòa Bình lúc này mới rời khỏi bệnh viện. Khi đó, công tác di chuyển 10 bệnh nhân từ Hòa Bình về Bệnh viện ở Bạch Mai (Hà Nội) đã được các y, bác sỹ thực hiện gần như hoàn tất. Đêm ấy là một đêm trắng đầy đau thương ở Hòa Bình nhưng ở đó vẫn đong đầy sự sẻ chia của các cơ quan chức năng và nhân dân với gia đình những người bệnh xấu số và cả những người bệnh đang được y, bác sỹ từng phút giành giật lại sự sống.

Chiều 31/5, theo ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội, chị Nguyễn Thị Bích Nguyên (45 tuổi) - bệnh nhân bị nặng nhất trong số 11 người đang được cứu chữa sau sự cố y khoa đã có tiến triển tốt. 10 bệnh nhân khác vẫn đang được các bác sỹ tích cực điều trị. Đối với hơn 100 bệnh nhân chạy thận theo chu kỳ, BVĐK Hòa Bình đã bố trí ô tô cùng y bác sĩ đi kèm đưa về Hà Nội điều trị. Vì trong thời gian này, Khoa Thận nhân tạo, BVĐK tỉnh Hòa Bình đang tạm thời đình chỉ điều trị cho bệnh nhân.

Sống lại sau tai biến

Là một trong số 10 bệnh nhân được chuyển đi ngay trong đêm 29/5 về BV Bạch Mai, bệnh nhân Trần Văn Quang (TP. Hòa Bình) vẫn chưa hết bàng hoàng. Anh cho biết, sáng 29/5, anh cùng 17 bệnh nhân khác được chạy thận tại BVĐK tỉnh Hòa Bình, được khoảng gần 1 tiếng thì xảy ra sự cố.

“Lúc đó tôi đang lơ mơ ngủ thiếp đi thì tự dưng thấy nóng ran người, nhức đầu, buồn nôn, buồn đi vệ sinh, rồi dậy cái là nôn luôn, người hết sức khó chịu, ngoảnh sang xung quanh thì thấy rất nhiều bệnh nhân khác cũng bị tương tự. Các bác sĩ vội vàng cho dừng tất cả các máy chạy thận và khẩn trương cấp cứu cho các người bệnh. 9 năm chạy thận, thi thoảng tôi cũng bị một vài triệu chứng như buồn nôn, nhức đầu trong lúc đang chạy máy, nhưng chưa bao giờ có cảm giác khác hẳn như lần này”, bệnh nhân này rùng mình kể lại.

Sau 12 tiếng rơi vào tình trạng hôn mê, bà Bùi Thị Vân (Lạc Sơn – Hòa Bình) tỉnh dậy “vẫn không tin mình có thể sống”. Bà cho biết, khi mới chạy thận được khoảng 45 phút thì bắt đầu cảm thấy ngứa tai, lưỡi, cổ họng rồi ngứa lan ra toàn thân. “Chưa kịp hiểu chuyện gì thì tôi nôn thốc, nôn tháo, sau đó hôn mê” - người phụ nữ vẫn còn rất mệt mỏi sau tai biến chia sẻ.

Sau khi được các bác sĩ cấp cứu, bà Vân tỉnh lại thì mới biết không chỉ một mình mình bị tai biến, mà những người chạy cùng ca sáng ngày 29/5 đều chung tình trạng như bà, thậm chí có người đã tử vong.

Liên quan đến vụ việc trên, Trung tướng Trần Văn Vệ, quyền Tổng cục trưởng Tổng Cục cảnh sát, Bộ Công an, cho biết Công an tỉnh Hòa Bình đã quyết định khởi tố vụ án để làm rõ nguyên nhân 7 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại BVĐK Hòa Bình bị sốc phản vệ dẫn đến tử vong.

Mở thiết bị lọc máu để điều tra

Ở diễn biến liên quan, Đại tá Phạm Văn Sử, Phó giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình cho biết, hiện lực lượng nghiệp vụ Bộ Công an và Công an tỉnh Hòa Bình đã cho mở niêm phong một số phòng trong Khoa thận nhân tạo, khám nghiệm các máy móc mà bệnh viện đã sử dụng để chạy thận, lọc máu cho các bệnh nhân. Đồng thời lấy mẫu dịch để giám định và thu thập thêm các tài liệu liên quan, phục vụ công tác điều tra.

Theo lãnh đạo BVĐK Hòa Bình, quá trình chạy thận cho các bệnh nhân gồm nhiều công đoạn. Máy chạy thận sử dụng trong Khoa Thận nhân tạo được Bệnh viện mua và nhập từ nguồn tài trợ. Một trong số các doanh nghiệp cung cấp máy móc, thiết bị lọc máu cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại BVĐK Hòa Bình là Công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn, có trụ sở ở phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội).

Sáng 31/5, theo ghi nhận của phóng viên, đoàn công tác gồm lãnh đạo UBND và Công an phường Trung Hòa đã đến làm việc với công ty trên.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày