"Chi tiêu Tết" - 3 chữ đủ gây áp lực với bất kỳ gia đình nào trong thời điểm Tết Nguyên đán sắp cận kề. Với biết bao khoản cần chi tiêu trong mùa cuối năm thì dù có thu nhập cao đến đâu, các gia đình cũng cần tính toán cẩn thận để không tiêu xài hoang phí, cũng như có tiền dư cho những ngày sau khi Tết Nguyên đán qua đi.
Mới đây, trong một cộng đồng chia sẻ kiến thức quản lý tài chính cá nhân, bài đăng về chi tiêu ngày Tết từ một người vợ trong gia đình có tổng lương thưởng là 81,5 triệu đồng, đã nhận được nhiều quan tâm. Đáng chú ý là dù có mức lương và thưởng ổn nhưng họ vẫn tiêu Tết tiết kiệm và không có khoản nào chi tiêu quá tay.
Cụ thể: Gia đình có 4 thành viên gồm 2 vợ chồng và 2 con. Trong tháng cuối năm này, lương và thưởng của vợ và chồng lần lượt là 41,5 triệu (lương: 15,5 triệu; thưởng theo nghị định 73: 5 triệu; truy lĩnh lương: 21 triệu) và 40 triệu (lương: 20 triệu; thưởng tháng 13: 20 triệu).
Trong Tết Nguyên đán năm nay, cặp đôi dự định chi khoảng 27,3 triệu. Dưới đây là bảng chi tiêu Tết của cặp đôi:
Người vợ chia sẻ: "Mình dự kiến chi như thế này. Nhà mình ăn Tết đơn giản, chủ yếu là nghỉ ngơi quây quần bên nhau thôi. Hai vợ chồng xa quê cách năm về ăn Tết 1 lần. Trang trí nhà cửa tận dụng đồ từ năm trước decor lại. Một số đồ được biếu ko phải mua. Bánh kẹo mình mua ít vì ít khách và ko muốn các con ăn nhiều đồ ngọt".
Bên dưới bài đăng, nhiều người đã dành lời khen với sự vun vén khéo léo và chi tiêu ngày Tết tiết kiệm của người vợ này:
- "Nhìn danh sách đơn giản gọn nhẹ như này thích quá chi ạ. Đúng ăn Tết chứ không phải Tết ăn mình"; "Thấy nhà mình dư nhiều là ngưỡng mộ rồi"; "Thu nhiều mà chi ít nên dư thích quá. Nhà mình hết Tết là hết tiền"; "Các gia đình cứ ăn Tết gọn nhẹ như này là thoải mái. Nhìn các anh chị chi Tết toàn 40-50 triệu mà em thấy sợ quá. Em không dám kết hôn luôn ạ",... là một số bình luận bên dưới bài đăng.
1. Tiết kiệm tiền tiêu Tết càng sớm càng tốt
Người độc thân sẽ không tiêu Tết giống người đã có gia đình, số tiền cần tiết kiệm để tiêu Tết vì thế cũng sẽ khác nhau. Tuy nhiên, dù đang ở trạng thái nào đi chăng nữa, bạn vẫn có thể dự trù, áng chừng ngân sách tiêu Tết bằng việc rạch ròi từng khoản chi cụ thể.
- Tiền đi lại (cả 2 chiều)
- Tiền lì xì (ông bà, bố mẹ, các cháu, con của bạn bè,...)
- Tiền chăm sóc bản thân (mua quần áo, làm tóc, làm nail,...)
- Tiền mua thực phẩm (bánh chưng, gà, giò chả,...)
Sau khi liệt kê tất cả các nhu cầu của bản thân (và gia đình) trong dịp Tết cùng mức ngân sách cho từng khoản, nếu cảm thấy tổng số tiền hơi cao, bạn có thể tiếp tục rà lại từng nhu cầu, để tìm ra những mục có thể cắt giảm. ví dụ như giảm tiền mua quần áo và tiền làm nail trong mục "Tiền chăm sóc bản thân" chẳng hạn.
Khi đã chốt được mức ngân sách cuối cùng, bạn đem chia cho 12, là sẽ biết số tiền mình cần tiết kiệm mỗi tháng để đón Tết chủ động, đỡ áp lực tài chính.
2. Canh săn vé tàu, vé máy bay thường xuyên
Với những người xa quê, việc đặt mua vé máy bay hoặc vé tàu để về quê ăn Tết từ sớm không chỉ hạn chế tình trạng hết vé, dẫn tới nhỡ dở việc cá nhân; mà còn phần nào giúp bạn tiết kiệm được tiền. Vì càng gần ngày lễ, ngày Tết, giá vé máy bay và vé tàu sẽ càng cao.
Tùy vào dự định, lịch trình cá nhân mà bạn có thể cân nhắn mua vé từ trước, không nên để tình trạng tới sát ngày khởi hành mới lật đật tìm và đặt mua.
3 - Không tiêu hết thưởng Tết
Nếu đã có sự chuẩn bị, tiết kiệm tiền tiêu Tết từ trước, khoản tiền thưởng Tết có lẽ sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến cả cái Tết của bạn. Lúc này, đừng vung tay tiêu sạch tiền thưởng Tết.
Thay vào đó, hãy tiết kiệm chính số tiền thưởng Tết ấy, để dành làm ngân sách tiêu Tết cho Tết sang năm, hoặc không, cũng coi như là một khoản tiền phòng thân.
Nghĩ một cách tích cực, thưởng Tết chính là phần thưởng cho cả 1 năm chúng ta đã nỗ lực làm việc, vậy mà lại tiêu hết sạch trong vòng vài ngày, vài tuần, chẳng phải là cũng có phần lãng phí hay sao?
Chưa kể, nghỉ Tết xong vẫn còn hơn 20 ngày mới tới ngày nhận lương. Chính vì vậy đừng quên để dành ra 1 khoản để trang trải cuộc sống sau Tết.