Trong những ngày vừa qua, một số trang báo trong nước có chia sẻ, dẫn lời bài đăng của hãng Reuters đưa tin "UNESCO sẽ triển khai một nhóm chuyên gia để đánh giá những rủi ro có thể xảy ra đối với việc bảo tồn vịnh Hạ Long tại Việt Nam, vì lo ngại về các dự án phát triển có thể đe dọa đến bảo tồn Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long". Đồng thời trên mạng xã hội xôn xao thông tin "UNESCO xem xét loại vịnh Hạ Long khỏi danh sách Di sản thế giới". Thông tin này hoàn toàn không có cơ sở và không chính xác bởi theo quy định của UNESCO, việc đưa một di sản ra khỏi danh sách Di sản thế giới (nếu có) cũng phải được thực hiện theo đúng quy trình. Với trách nhiệm của của cơ quan tham mưu UBND tỉnh quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, đại diện Ban quản lý vịnh Hạ Long đã cung cấp thông tin về nội dung này như sau:
Đầu tiên, theo quy định tại Hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản thế giới, một di sản bị xoá tên khỏi Danh sách Di sản thế giới thì trước đó di sản này đã phải được Uỷ ban Di sản thế giới đưa vào Danh mục Di sản lâm nguy:
Trong đó, quy định ghi tên di sản thế giới vào Danh mục lâm nguy (quy định tại Đoạn 177) : Ủy ban có thể ghi tên một di sản vào Danh sách Di sản Thế giới đang bị Đe dọa khi ở trong các trường hợp: Di sản đã được ghi danh vào Danh sách Di sản Thế giới; Di sản đang bị đe dọa bởi nguy cơ cụ thể và nghiêm trọng; Cần có những hoạt động chủ yếu để bảo tồn di sản; Đã gửi yêu cầu viện trợ theo Công ước cho di sản.
Đối với trường hợp di sản thiên nhiên, một Di sản Thế giới có thể được Ủy ban ghi vào Danh sách Di sản Thế giới đang bị Đe dọa khi Ủy ban thấy rằng tình trạng của di sản phù hợp với ít nhất một trong các tiêu chí: Sự suy giảm nghiêm trọng của các loài đang bị nguy hiểm hoặc các loài khác thuộc Giá trị Nổi bật Toàn cầu di sản đã được xác lập về pháp lý để bảo vệ, do các yếu tố thiên nhiên như dịch bệnh hay các yếu tố nhân tạo như săn bắn; Sự xuống cấp nghiêm trọng về vẻ đẹp thiên nhiên hoặc giá trị khoa học của di sản, như do cư trú của con người, xây dựng các hồ chứa nước làm ngập nhiều phần quan trọng của di sản, phát triển công nghiệp và nông nghiệp, kể cả việc sử dụng các loại thuốc trừ sâu, phân bón, các công trình công cộng lớn, khai mỏ, ô nhiễm, khai thác gỗ, nhặt củi, v.v…. hoặc có nguy cơ bị con người xâm phạm ranh giới hoặc ở các khu vực thượng nguồn đe dọa tính toàn vẹn của di sản; sự thay đổi về tình trạng bảo vệ hợp pháp của khu vực; các dự án tái định cư theo quy hoạch hay các dự án phát triển bên trong di sản hoặc ở vị trí có thể đe dọa di sản; sự bùng nổ hay đe dọa của xung đột vũ trang; kế hoạch quản lý hoặc hệ thống quản lý thiếu thốn hay chưa đầy đủ, hoặc không được thực hiện đầy đủ; các tác động đe dọa của các nhân tố địa chất, khí hậu hoặc môi trường khác.
Trong khi đó, theo BQL vịnh Hạ Long, Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản thế giới theo tiêu chí (vii) về cảnh quan thẩm mỹ năm 1994. Đến thời điểm hiện tại, Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long chưa bao giờ nằm trong Danh sách của Uỷ ban Di sản thế giới xét, ghi tên vào Danh sách Di sản lâm nguy. Nên thông tin "UNESCO xem xét loại vịnh Hạ Long khỏi danh sách Di sản thế giới" là không có cơ sở và không chính xác.
Vịnh Hạ Long đang được bảo tồn, phát huy tốt giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới.
Điểm thứ hai là theo quy định tại Đoạn 192, Hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản thế giới, Ủy ban Di sản thế giới sẽ xét, xoá bỏ các di sản khỏi Danh sách Di sản Thế giới trong các trường hợp: Di sản bị suy thoái tới mức đã mất đi các đặc tính quyết định việc đưa di sản vào Danh sách Di sản Thế giới hoặc các phẩm chất nội tại của Di sản Thế giới đã bị đe dọa tại thời điểm đề cử bởi hành động của con người và các biện pháp khắc phục cần thiết nhưng chưa được thực hiện theo như kế hoạch, thời gian đã đề xuất.
Quy trình xét, xoá tên như sau:
- Khi một di sản trong Danh sách Di sản Thế giới đã suy thoái nghiêm trọng, hoặc khi các biện pháp khắc phục cần thiết chưa được thực hiện trong khung thời gian dự kiến, Quốc gia thành viên có di sản trên lãnh thổ của mình cần phải thông báo việc này cho Ban Thư ký.
- Ban Thư ký nhận được thông tin này từ một nguồn không phải của Quốc gia thành viên liên quan, trong khả năng của mình sẽ kiểm chứng nguồn thông tin đó và nội dung của thông tin thông qua trao đổi ý kiến với Quốc gia thành viên liên quan và yêu cầu quốc gia này cho ý kiến.
- Ban Thư ký sẽ yêu cầu các Cơ quan Tư vấn liên quan có ý kiến về thông tin nhận được.
- Ủy ban sẽ xem xét tất cả những thông tin sẵn có và đưa ra quyết định. Các quyết định này, phù hợp với Điều 13(8) của Công ước, sẽ được thông qua khi hai phần ba số thành viên có mặt và biểu quyết. Ủy ban sẽ không quyết định loại bỏ bất kỳ di sản nào ra khỏi Danh sách khi Quốc gia thành viên chưa được tham khảo ý kiến về việc này.
- Ủy ban thông báo cho Quốc gia thành viên và ngay lập tức công khai phổ biến quyết định của mình.
- Nếu quyết định của Uỷ ban dẫn đến những thay đổi đối với Danh sách Di sản Thế giới, thay đổi này sẽ được phản ánh trong Danh sách cập nhật được phát hành.
BQL vịnh Hạ Long cũng thông tin thêm về chương trình công tác của Đoàn Giám sát phản hồi của Trung tâm Di sản thế giới và Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) thực hiện giám sát định kỳ hiện trạng bảo tồn khu Di sản thế giới mở rộng vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà. Đây là chương trình hàng năm, tại các kỳ họp thường niên, Uỷ ban Di sản Thế giới yêu cầu các Quốc gia thành viên có báo cáo về hiện trạng bảo tồn di sản thế giới nhằm mục đích phối hợp với các quốc gia trong việc việc thực hiện giám sát hành chính các khu di sản và giúp nhận diện, chỉ ra các mối đe dọa hay sự cải thiện lớn trong việc bảo tồn di sản kể từ khi có báo cáo gần nhất cho Ủy ban Di sản Thế giới; thông tin về kết quả thực hiện các quyết định trước đây của Ủy ban Di sản Thế giới về tình trạng bảo tồn di sản.
Ông Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cung cấp các thông tin chính thống về Vịnh Hạ Long cho đại diện các cơ quan báo chí chiều 24/12.
Theo thông tin trao đổi của Trung tâm Di sản thế giới, chuyến công tác sẽ được thực hiện vào khoảng đầu tháng 3/2025; Bản Điều khoản tham chiếu về chuyến công tác đang được Trung tâm Di sản thế giới UNESCO soạn thảo và sẽ gửi tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hải Phòng phối hợp chuẩn bị nội dung và tài liệu để làm việc với Đoàn công tác. Ban Quản lý vịnh Hạ Long đang phối hợp chặt chẽ với Ban Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam để cập nhật thông tin và tham mưu UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp với UBND thành phố Hải Phòng chuẩn bị đón tiếp và làm việc với Đoàn công tác đảm bảo chu đáo, trọng thị, hiệu quả để có được sự tư vấn tốt nhất của Đoàn công tác đối với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát huy bền vững khu Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà.