Vĩnh biệt nhạc sĩ Lam Phương, người nhạc sĩ của Biển Tình, Kiếp Nghèo và Thành Phố Buồn

Nhật Nguyên, Theo Trí Thức Trẻ 15:00 23/12/2020

Sự ra đi của nhạc sĩ Lam Phương là một mất mát lớn với nền âm nhạc Việt Nam.

Sau thời gian lâm bệnh nặng, nhạc sĩ Lam Phương đã trút hơi thở cuối cùng vào tối 22/12 (trưa 23/12 theo giờ Việt Nam) tại Fountain Valley, California ở tuổi 83. Được biết, những năm cuối đời, cố nhạc sĩ bị tai biến mạch máu não và liệt nửa người.

Sự ra đi của cố nhạc sĩ Lam Phương là mất mát lớn cho nền âm nhạc Việt Nam thời hiện đại. Sinh thời, ông là một trong những nhạc sĩ trụ cột của nền âm nhạc miền Nam Việt Nam với khối lượng tác phẩm đồ sộ, vẫn giữ nguyên giá trị đến tận thời điểm hiện tại và vẫn được khán giả yêu thích suốt nhiều thế hệ.

Vĩnh biệt nhạc sĩ Lam Phương, người nhạc sĩ của Biển Tình, Kiếp Nghèo và Thành Phố Buồn - Ảnh 1.

Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng, sinh ngày 20/3/1937 ở Kiên Giang, là con đầu trong gia đình năm người con. 10 tuổi, ông lên Sài Gòn học nhạc, may mắn được nhạc sĩ Hoàng Lang và Lê Thương chỉ dẫn. Bút danh Lam Phương do ông lấy từ hai chữ trong tên thật là Lâm và Phùng với ý nghĩa "hướng về phương trời màu xanh hy vọng".

Ca khúc đầu tay của ông là bài Chiều Thu Ấy, viết năm 15 tuổi. Thời gian đầu sáng tác, ông gặp khó khăn về tài chính khi thường xuyên phải vay tiền bạn bè để tự phát hành tác phẩm. Lúc đó, ông phải tự thuê xe để chở nhạc mình đi bán khắp Sài Gòn dưới hình thức các tờ "nhạc bướm" (khuông nhạc được in trên giấy A4, có thiết kế và hình vẽ minh hoạ đẹp). Sau thành công của sáng tác đầu tay, nhạc sĩ Lam Phương miệt mài với con đường nghệ thuật của mình.

Năm 1955, Lam Phương tung loạt ca khúc viết về quê hương, trong đó nổi tiếng nhất là Khúc Ca Ngày Mùa. Năm 1959 ông kết hôn với diễn viên kịch Túy Hồng. Bối cảnh xã hội lúc bấy giờ là nguồn cảm hứng giúp ông sáng tác nên các ca khúc bất hủ: Kiếp Nghèo, Thành Phố Buồn, Biển Tình,... Từ đó, cuộc sống của nhạc sĩ Lam Phương trở nên sung túc hơn, gia nhập vào làng văn nghệ sĩ sáng giá của miền Nam lúc bấy giờ.

Lệ Quyên trình diễn Kiếp Nghèo của cố nhạc sĩ Lam Phương

Hà Anh Tuấn trình bày ca khúc Thành Phố Buồn của cố nhạc sĩ Lam Phương

Đức Tuấn trình diễn ca khúc Biển Tình của cố nhạc sĩ Lam Phương

Sau năm 1975, ông cùng gia đình sang Mỹ định cư, cuộc hôn nhân lúc còn ở Việt Nam qua đó đổ vỡ, nhạc sĩ Lam Phương phải làm cả những việc tay chân nặng nhọc để mưu sinh. Trong giai đoạn này, ông viết hàng loạt ca khúc mà tiêu đề chỉ có 1 chữ như Điên, Mất, Tiếc... Trong đó nổi tiếng nhất có lẽ là bài Lầm và Say. Tất cả nhằm phản ánh cảm xúc đổ vỡ cùng cực của người nhạc sĩ tài hoa trong những giai đoạn khó khăn của cuộc sống.

Rời Mỹ, ông đến Paris, Pháp, sinh sống cùng em gái. Đổ vỡ hôn nhân, chuyện buồn tình cảm với một người phụ nữ khác cũng như trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống, những chất liệu giúp người nhạc sĩ viết nên những tình khúc làm say đắm lòng người như: Tình Bơ Vơ, Hạnh Phúc Mang Theo, Ngày Tạm Biệt, Bài Tango Cho Em, Mùa Thu Yêu Đương,...

Hồ Trung Dũng trình diễn Bài Tango Cho Em của cố nhạc sĩ Lam Phương

Năm 1995, Lam Phương trở về Mỹ. Từ năm 1996 đến 1998, ông cộng tác với các trung tâm âm nhạc của cộng đồng người Việt tại Mỹ, Pháp. Năm 2016, ông cùng đoàn nghệ sĩ hải ngoại thực hiện hiện chương trình Tình Ca Lam Phương với những sáng tác của riêng ông tại Singapore.

Clip: YouTube - Ảnh: Internet