Việt Nam có nhiều thứ hay ho như vậy nhưng phim ảnh vẫn cố tình "ngó lơ"!

Ngân Long - Phúc Du, Theo Trí Thức Trẻ 10:12 11/09/2017

Nước ta ngoại trừ cảnh đẹp thì còn có một nền ẩm thực phong phú, ngành nông nghiệp vững mạnh và lâu đời. Thế nhưng những điều này lại rất hiếm khi trở thành một đề tài chính trong phim ảnh.

Cùng với sự phát triển của ngành điện ảnh Việt Nam, các bộ phim truyền hình đã dần chữa được một số khuyết điểm như: thiếu chủ đề, ít phim, thiếu diễn viên, v.v... Tuy nhiên, những khuyết điểm lớn nhất vẫn còn tồn tại khiến phim Việt Nam chưa thực sự thu hút được giới trẻ. Một trong số đó là sự thiếu vắng các yếu tố chuyên môn.

Bếp ăn của thế giới nhưng không có phim về ẩm thực!

"Có thực mới vực được đạo", hãy lấy chủ đề ẩm thực để thấy các nhà làm phim nước ngoài đã khai thác yếu tố chuyên môn tốt thế nào.

Những ai từng phát sốt vì bộ phim Nàng Dae Jang Geum hẳn vẫn còn nhớ như in những chi tiết về cách nấu ăn kết hợp với y dược trong bộ phim. Có thể nói, ngoài hình tượng Dae Jang Geum xinh đẹp, nghị lực do Lee Young-ae đóng, thì nét tinh hoa văn hóa Triều Tiên thể hiện trong bộ phim là một thứ khiến khán giả không thể ngừng theo dõi.

Và không chỉ người Việt Nam, mà trên 60 quốc gia đã chiếu bộ phim này, điều đó đủ nói lên sự thành công của người Hàn khi khai thác nét văn vật nước họ.

Việt Nam có nhiều thứ hay ho như vậy nhưng phim ảnh vẫn cố tình ngó lơ! - Ảnh 1.

Phim "Nàng Dea Jang Geum" với đề tài ẩm thực cung đình rất nổi tiếng của Hàn Quốc

Các phim Hàn, Nhật rất thường xuyên mô tả món ăn dù chỉ là một tình tiết vô thưởng vô phạt. Vừa góp phân truyền bá văn hóa ẩm thực, đôi khi lại dạy luôn cách nấu. Trong khi món ăn trên phim Việt thường là rất sơ sài hoặc đại khái, phim nào cũng giống phim nào, có phim còn xài đồ giả.

Lấy một ví dụ khác, bộ phim truyền hình Kim Ngọc Mãn Đường của Hong Kong với sự tham gia của Âu Dương Chấn Hoa, Trần Diệu Anh, Giang Hoa… là một ví dụ khác của việc yếu tố chuyên môn được khai thác rất tốt trong phim ảnh. Những tình tiết như Đới Đông Quan (Âu Dương Chấn Hoa) dùng thìa xúc đậu phụ bỏ vào chén nước đường, đồng thời biến tảng đậu phụ to trở thành bức điêu khắc Quan Âm là một tình tiết khiến người xem phải thốt lên "Xạo quá!", nhưng nó lại mang nhiều nét hấp dẫn và ấn tượng, chứng tỏ sự đầu tư của nhà sản xuất khi nói về ẩm thực nước mình.

Việt Nam có nhiều thứ hay ho như vậy nhưng phim ảnh vẫn cố tình ngó lơ! - Ảnh 3.

Không chỉ ẩm thực Trung Hoa, mà ẩm thực Tây Âu cũng xuất hiện trong bộ phim "Kim Ngọc Mãn Đường"

Việt Nam là một đất nước có văn hóa ẩm thực phong phú, được gọi là "bếp ăn của thế giới". Điều đó không phải bàn cãi nữa vì có rất nhiều người nước ngoài thích ăn món Việt và sự thành công của nhiều thương hiệu nhà hàng Việt tại nước ngoài. Nhưng tính đến nay, phim truyền hình khai thác về chủ đề ẩm thực của Việt Nam còn rất nhạt nhòa. Thành công nhất có lẽ là Mùi ngò gai, một tác phẩm hợp tác với Hàn Quốc.

Việt Nam có nhiều thứ hay ho như vậy nhưng phim ảnh vẫn cố tình ngó lơ! - Ảnh 4.

Cảnh trong phim "Mùi ngò gai"

Tuy nhiên, hai chữ "thành công" của bộ phim này có lẽ chỉ gói gọn trong việc có nhiều người xem và được duy trì cho đến kết phim. Thực vậy, dù đã có sự hợp tác với người Hàn để có một bộ phim đẹp, lời thoại ổn, thì yếu tố chuyên môn cũng rất mờ nhạt. Cũng phải thôi, người Hàn có thể rành rẽ về cách quay phim, thiết kế phục trang, sáng tác nhạc, nhưng làm sao họ có thể nói về phở của Việt Nam?

Chính vì thế mà xuyên suốt 3 phần của Mùi ngò gai, người ta chỉ thấy một bộ phim với câu chuyện con riêng đoạt quyền rất quen thuộc của điện ảnh Hàn mà không "nghe" được mùi vị phở thuần Việt. Trong phim có chi tiết ông Park, một chủ tịch tập đoàn thực phẩm Hàn Quốc chỉ đồng ý hợp tác với đối tác Việt Nam nào có bí quyết nấu nước lèo phở của quán ông Hoàng (Thành Lộc).

Thế vị phở của quán ông Hoàng là như thế nào? Tại sao nó đặc biệt như thế? Không ai biết! Có lẽ ngay cả biên kịch và đạo diễn cũng không biết, và cũng không muốn khai thác.

Hay như phim Bếp Hát được remake năm 2014 của Phan Gia Nhật Linh cũng vậy. Là một phim về nhà hàng, cũng có nhắc đến công thức các món ăn đều đặn trong mỗi tập nhưng vì là nhà hàng Tây nên chủ yếu là món Tây. Chất lượng bộ phim cũng không đủ ấn tượng để khán giả ghi nhớ.

Nước nông nghiệp nhưng cũng chẳng có mấy phim về nghề nông

Chuyển qua lãnh vực chăn nuôi, một lãnh vực gắn liền với Việt Nam vì nền nông nghiệp lâu đời. Chúng ta có một bộ phim mang tên Cá rô, em yêu anh!vdo Tường Vi, Quý Bình, Bình Minh đóng vai chính. Bộ phim kể về chuyện tình yêu của Phù Sa (Tường Vi) và anh chàng công tử Huy (Bình Minh ). Qua quá trình khai thác những sản phẩm nông nghiệp như vú sữa, cá, v.v... anh chàng Huy đã yêu cô nàng Phù Sa dù hai bên ban đầu ghét nhau như chó với mèo.

Việt Nam có nhiều thứ hay ho như vậy nhưng phim ảnh vẫn cố tình ngó lơ! - Ảnh 5.

Dàn diễn viên Cá rô em yêu anh

Trong phim có một chi tiết Phù Sa đem vú sữa quê mình lên trường đại học bán. Nhưng cũng có một bạn học khác cùng bán vú sữa nên cả hai đã mang vú sữa ra khoe trước đám đông học viên để chứng tỏ vú sữa của mình ngon hơn. Nhưng đó cũng là chi tiết duy nhất trong phim nói về chuyên môn của cô sinh viên miền Tây này. Sau đó bộ phim lại đi vào lối mòn khai thác chuyện thù hận giữa Huy (Bình Minh ) và Trí (Quý Bình) vốn là anh em cùng cha khác mẹ.

Ngoài Cá rô, em yêu anh ban đầu còn nói sơ sơ về nghề nông cùng những phim truyền hình khác chỉ lấy bối cảnh miền Tây chứ chẳng khai thác mấy thì Việt Nam gần như chẳng có một bộ phim nào mang hơi thở ngành nghề truyền thống. Trước đây, từng có một dự án mang tên 42 độ đạm được khởi động, nói về ngành làm nước mắm nhưng cuối cùng cũng không bấm máy.

Thật ra với các phim truyền hình trên thế giới, đôi khi người xem có thể xem một vài tập đầu và đoán ra kết thúc. Bởi vì đối tượng phim nhắm vào là các bà nội trợ vốn không có thời gian theo dõi các tình tiết phức tạp.

Thế nên, yếu tố ăn điểm tiếp theo sẽ là cách kể câu chuyện. Một câu chuyện về con riêng đoạt quyền sẽ hấp dẫn hơn nếu người con riêng đó phải chiến thắng trong ngành nghề của gia đình để giành quyền thừa kế.

Chẳng hạn như trong bộ phim Người phán xử gây tiếng vang gần đây, khi Bảo Ngậu bày mưu cho Phan Quân để mở rộng khu mỏ: "Vẽ lại đường biên rừng phòng hộ, sau đó gấp rút phá rừng khai mỏ. Khi bị phát hiện thì dùng tiền bịt lại." Có thể nói đó là một chi tiết chuyên môn (dù chuyên môn này là phi pháp) và chính những chi tiết đó mới là thứ làm nên một bộ phim có bản sắc riêng.

Việt Nam có nhiều thứ hay ho như vậy nhưng phim ảnh vẫn cố tình ngó lơ! - Ảnh 6.

Không chỉ ngoại hình bắt mắt, mà những toan tính có chiều sâu đã giúp Bảo Ngậu ghi điểm trong lòng người xem.

Có thể trong hiện tại, doanh thu từ những bộ phim làng nhàng, thiếu chất vẫn giúp các nhà làm phim đủ sống. Nhưng nếu muốn đạt đến đỉnh cao, thì điện ảnh cần phải tiếp thu tinh hoa từ các ngành khoa học, nghệ thuật và đem đến cho người xem. Khi đó, điện ảnh không chỉ là một sản phẩm giải trí, mà còn là một chất liệu xây dựng niềm đam mê trong học tập, nghiên cứu trong lòng người xem.

Hẳn những người yêu điện ảnh còn nhớ Interstellar của Chris Nolan ra mắt năm 2014. Cao hơn cả doanh thu hơn 600 triệu đô, hay hàng triệu lời khen từ cộng đồng mê phim, thành công lớn nhất của bộ phim có lẽ là nó đã khiến nhiều sinh viên trên thế giới, mà cụ thể là Hàn Quốc, theo học ngành khoa học không gian.

Việt Nam có nhiều thứ hay ho như vậy nhưng phim ảnh vẫn cố tình ngó lơ! - Ảnh 7.

Muốn cứu thế giới thì phải học giỏi!

Theo Wall Street Journal, bộ phim kì vĩ và đầy cảm hứng này đã giúp tỉ lệ học sinh đăng kí vào các trường đại học nghiên cứu khoa học tăng mạnh.

Có thể nói, câu chuyện về cha con Cooper - Murph là một câu chuyện kinh điển về tình cha con. Nhưng phông nền cho câu chuyện đó tiến triển là một thứ vượt quá khả năng của rất nhiều biên kịch: vũ trụ bao la và vật lý học lượng tử. Chris Nolan đã mời Kirk Thorne, một nhà vật lý học lượng tử hàng đầu để trao đổi về các khái niệm: lỗ đen, sóng trọng lực v.v... Nỗ lực đó của Nolan đã khiến Interstellar có một vị trí rất cao trong lịch sử điện ảnh.

Hi vọng rằng các nhà làm phim của Việt Nam cũng sẽ đủ lực để khai thác yếu tố chuyên môn nhằm tạo nên bước tiến lớn cho điện ảnh nước nhà vì nước ta có quá nhiều thứ tiềm năng để lên màn ảnh.

Thiết nghĩ một bộ phim xoay quanh gia đình bán cơm tấm, bán bột chiên hay của một địa chủ với những ruộng lúa bạt ngàn sẽ là một thứ xúc tác rất hiệu quả và đắt giá cho bất cứ một câu chuyện nào đó xảy ra.