Sau nhiều tác phẩm ghi dấu ấn trong lòng khán giả như Quả Tim Máu (2014), Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh (2015), Mắt Biếc (2019), Victor Vũ được xem là một trong những đạo diễn có tay nghề cao nhất điện ảnh Việt. Các phim của anh luôn được khán giả mong đợi sẽ mang đến một trải nghiệm mới lạ.
Với Người Vợ Cuối Cùng, Victor Vũ lần đầu tiên trở lại với thể loại cổ trang kể từ Thiên Mệnh Anh Hùng (2012). Không những thế, tác phẩm còn có sự góp mặt của "nàng thơ" Kaity Nguyễn, dàn diễn viên kỳ cựu của miền Bắc như NSƯT Quang Thắng, NSƯT Kim Oanh và nhiều cảnh nóng bỏng mắt. Trong buổi trò chuyện với chúng tôi, vị đạo diễn sinh năm 1975 đã có nhiều chia sẻ về hậu trường làm phim Người Vợ Cuối Cùng, quan điểm làm nghề cũng như đưa ra những nhận định về thị trường điện ảnh Việt hiện tại.
Đạo diễn Victor Vũ chia sẻ về quá trình làm phim Người Vợ Cuối Cùng.
Trở lại với thể loại phim cổ trang sau 11 năm kể từ Thiên Mệnh Anh Hùng, anh có suy nghĩ gì?
Tôi cảm thấy may mắn và hạnh phúc khi mình có cơ hội quay lại với thể loại này. Thật sự mà nói, cổ trang cũng là một thể loại rất hiếm ở thị trường Việt Nam và cũng đòi hỏi một sự đầu tư rất lớn nên điều kiện và cơ hội để làm phim cổ trang thật ra cũng rất khó. Nhưng nếu so sánh với bộ phim Thiên Mệnh Anh Hùng trước đây thì Người Vợ Cuối Cùng lần này rất khác. Thiên Mệnh Anh Hùng nghiêng về võ thuật và một số yếu tố lịch sử nhiều hơn còn Người Vợ Cuối Cùng thì mang bản sắc dân tộc nhiều hơn. Câu chuyện cũng nhỏ hơn, gói gọn trong một ngôi làng nhỏ và một thị trấn nên độ hoành tráng cũng khác. Chính vì vậy, tôi cảm thấy thích thú với nó hơn vì mình có thể tập trung nhiều vào hành trình tâm lý của nhân vật. Chính xác đây là một bộ phim tâm lý, tình cảm cổ trang nên nó có một màu sắc rất riêng so với những phim cổ trang mà tôi làm trước đây.
Theo anh, đâu là cái khó nhất khi làm một bộ phim cổ trang?
Khó thì có rất nhiều thứ. Thật sự phim cổ trang là một thử thách rất lớn. Chắc chắn điều mọi người luôn luôn quan tâm khi nghĩ tới một bộ phim cổ trang là bối cảnh, phần mỹ thuật và phục trang. Đó là signature (đặc trưng) của một bộ phim cổ trang. Tôi nghĩ đó là phần phải nghiên cứu rất nhiều, bỏ ra rất nhiều thời gian, tham khảo nhiều tài liệu. Đó là một phần chắc chắn phải làm rồi. Nhưng bên cạnh đó, đây cũng là một bộ phim được chuyển thể từ một tiểu thuyết thì việc chuyển thể cũng có cái thử thách của nó. Tiểu thuyết thì mang màu sắc tâm linh, trinh thám hơn nhưng trong quá trình khai thác kịch bản, tôi và đội biên kịch nhận ra là phần tâm lý, tình cảm của hai nhân vật chính là Linh và Nhân mới chính là linh hồn của câu chuyện. Vì vậy nên mình đi một hướng hơi khác.
Trở lại câu hỏi, thật ra phần mỹ thuật và phục trang luôn luôn là một thử thách vì khi mọi người xem một bộ phim cổ trang, điều mà nhà làm phim muốn đầu tiên là đưa khán giả về quá khứ, đưa họ về một thời đại mà họ không biết. Tôi biết một bộ phim điện ảnh cần sự hư cấu, sự sáng tạo nhưng tôi cũng muốn tôn vinh nét đẹp của văn hóa Việt trong bộ phim này nên muốn hư cấu trong một khuôn khổ cho phép thôi. Có thể nói, 80% dựa trên thực tế, 20% là sự sáng tạo, hư cấu mới lạ để mang đến một vẻ đẹp điện ảnh cho bộ phim.
Đất Rừng Phương Nam vừa gặp phải ý kiến trái chiều rất mạnh mẽ về việc làm sai bối cảnh, anh có lo lắng Người Vợ Cuối Cùng cũng gặp vấn đề tương tự?
Về bối cảnh, bộ phim của tôi diễn ra ở thời kỳ giữa thế kỷ 19, thời phong kiến, thời nhà Nguyễn nên chắc chắn một điều là bộ phim này phải diễn ra ở vùng Bắc Bộ. Nó sẽ phù hợp với câu chuyện hơn vì câu chuyện trong Hồ Oán Hận là tiểu thuyết mà bộ phim lấy cảm hứng diễn ra ở khu Bắc Bộ luôn nên tôi muốn giữ tinh thần đó trong bộ phim. Khi nghĩ đến bối cảnh thì chắc chắn mình nghĩ phải quay ở khu vực miền Bắc rồi. Đối với tôi đó là sự lựa chọn tốt nhất cho bộ phim.
Nhiều quốc gia Châu Á khác rất chuộng thể loại cổ trang nhưng dòng phim này ở Việt Nam hầu như là bị khán giả ngó lơ, theo anh lý do là vì đâu?
Khán giả luôn luôn tìm tòi và khao khát những gì mới lạ. Đối với tôi thì cổ trang là một thể loại rất hiếm, rất lạ đối với thị trường của mình nên tôi lại nghĩ khi có một bộ phim cổ trang thì sẽ có một số người họ rất tò mò, rất thích thú và có thể nói là háo hức về đề tài này. Mỹ thuật và phục trang rất quan trọng nhưng cái quan trọng nhất vẫn là câu chuyện phải chạm đến cảm xúc và trái tim của người xem. Đó là điều mà tôi muốn ưu tiên trong việc thực hiện Người Vợ Cuối Cùng.
Vì sao Victor Vũ lại quyết định thay đổi phim sang thể loại tình cảm thay vì tâm linh như truyện gốc?
Lúc mới khai thác kịch bản, phải nói là tôi và đội biên kịch lấy cảm hứng từ tiểu thuyết nhiều hơn là chuyển thể đợt này. Khi mới đọc tiểu thuyết, đúng là mình bị thu hút bởi câu chuyện, đường dây tâm linh trinh thám. Nhưng khi khai thác kịch bản, mình nhận ra câu chuyện chính ở đây là thân phận người phụ nữ thời phong kiến. Và cách để khai thác tâm lý và đường dây của nhân vật tốt nhất và hiệu quả nhất là qua một câu chuyện tình cảm tâm lý chứ không phải là một bộ phim li kì, trinh thám. Vì vậy nên yếu tố trinh thám, li kì vẫn có trong phim nhưng là phụ thôi, cái chính vẫn là tâm lý tình cảm của hai nhân vật chính và hành trình của hai nhân vật đó.
Câu chuyện người con gái trở thành vợ lẽ trong nhà quan rồi khao khát yêu thương từng được khai thác rất nhiều trước đây, đơn cử như phim Vợ Ba cũng giống Người Vợ Cuối Cùng về cả bối cảnh. Theo anh, đâu là chi tiết giúp Người Vợ Cuối Cùng trở nên khác biệt?
Tôi nghĩ đề tài phụ nữ thời phong kiến quá là rộng lớn nên quan trọng chính là khía cạnh và cách kể câu chuyện đó thôi. Đối với tôi, không có chuyện gì là quá mới lạ nhưng quan trọng hơn là cách mình khai thác, góc nhìn câu chuyện của mình thôi. Trong trường hợp này, tôi nghĩ ở đâu có sự bất hạnh trong tình yêu, trong cuộc sống thì sẽ có người đồng cảm. Câu chuyện này mặc dù có thể diễn ra 200 năm trước đây hoặc 50 năm trước đây, tôi nghĩ người xem bây giờ vẫn thấy được giá trị của nó. Về mặt câu chuyện, điều quan trọng chính là hành trình tâm lý cảm xúc của nhân vật. Làm sao để người xem dễ đồng cảm hơn, làm sao để khán giả xem sẽ thương nhân vật nhiều hơn.
Đây có phải canh bạc lớn vì Victor Vũ thường gắn với những bộ phim mang màu sắc giật gân, nhiều plot twist?
Vậy hả? Thật ra, tôi thấy list phim của Việt Nam cũng khá đa dạng. Như Mắt Biếc, Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh cũng không phải phim giật gân. Đó cũng là phim tâm lý tình cảm, tình cảm xã hội nên thật ra, tôi không nghĩ tên mình gắn liền với thể loại li kì nhiều lắm đâu. Quan trọng đây là chủ đề, đề tài mang lại cảm hứng cho tôi nhiều nhất thôi.
Vì sao Victor Vũ không chọn gắn bó với một dòng phim cố định và khiến khán giả khi nghe tên là biết đến ngay phong cách như Quentin Tarantino hay Christopher Nolan?
Mỗi nhà làm phim sẽ có lối đi riêng của họ. Họ sẽ tìm nguồn cảm hứng từ nhiều nơi. Đối với tôi, quan trọng nhất là câu chuyện mà mình muốn kể cho khán giả như thế nào. Thể loại giống như một phương tiện để kể câu chuyện đó. Thực tế, trong Người Vợ Cuối Cùng vẫn có yếu tố li kì, trinh thám nhưng chỉ là phụ. Phải nói là, yếu tố trinh thám và li kì thật ra là một yếu tố đặc biệt trong phim Người Vợ Cuối Cùng.
Anh từng nói chọn diễn viên vì diễn xuất chứ không phải giọng nói, nhưng đài từ cũng là một thứ rất quan trọng trong diễn xuất. Anh nghĩ sao về điều này?
Một phần cũng đồng ý nhưng tôi không muốn bị hạn chế bởi giọng nói vùng miền. Tôi nghĩ việc một bộ phim có sự kết hợp giữa diễn viên miền Nam và diễn viên miền Bắc ở thời nay rất là bình thường. Khi viết kịch bản, mình đã biết chuyện đó có thể xảy ra nên trong quá trình viết thoại và chỉnh lại kịch bản. Tôi và kể cả tác giả Hồng Thái cùng một số người tư vấn về ngôn ngữ đã cố gắng phổ thông hóa thoại của mình làm sao cho dễ hiểu và dễ nghe nhất. Tôi sẽ hạn chế những cổ ngữ, thổ ngữ và phương ngữ để không gây khó hiểu cho người xem. Vì có rất nhiều từ mà mình sẽ dùng trong một bộ phim người thời nay chưa chắc họ sẽ hiểu liền nên việc phổ thông hóa thoại trong phim này rất quan trọng.
Tại sao anh không chọn lồng tiếng?
Thật ra, tôi đã trải qua tình huống này trước đây với Mắt Biếc, một bộ phim diễn ra ở Huế nhưng toàn bộ diễn viên nói chung lại là người miền Nam và miền Bắc. Lúc đó tôi cần một giọng có thể hát nên mới lồng tiếng một diễn viên chính. Thật sự mà nói, tôi cảm thấy rất là khó, rất phức tạp và đôi khi cảm xúc không đạt như mình mong muốn được khi mà một người lồng tiếng cho một diễn viên khác. Tôi rất sợ cảm giác đó nên nếu mà phải chọn, tôi vẫn lựa chọn giữ giọng thật của diễn viên để giữ được cảm xúc thật nhất đối với người diễn viên đó.
Những phim gần đây, Victor Vũ có xu hướng chọn diễn viên trẻ, nổi bật tại phòng vé. Đây có phải sự thay đổi trong cách làm phim của anh?
Thật ra, việc chọn diễn viên có tên tuổi hay cast một người mới tùy theo bộ phim, tùy theo nội dung. Với Người Vợ Cuối Cùng, khi đang viết kịch bản, tôi hình dung được một diễn viên. Những nhân vật trong phim đều mang tính hình tượng rất nhiều. Khi nghĩ đến một ông quan tri huyện, có tính hơi trào phúng thì tự nhiên mình suy nghĩ tới anh Quang Thắng. Hoặc một mợ cả rất quyền lực, rất bén thì mình cũng nghĩ đến chị Kim Oanh. Kaity Nguyễn và Thuận Nguyễn cũng vậy thôi. Thực ra Thuận là một trường hợp đặc biệt. Điều mà Victor luôn luôn mong muốn trong việc chọn diễn viên, casting là không chỉ hợp vai mà còn có sự đột phá. Linh trong Người Vợ Cuối Cùng là một đột phá của Kaity. Còn Thuận Nguyễn thì lúc Thuận và Kaity diễn chung một phân đoạn, sự chemistry, kết nối giữa hai nhân vật quá tốt, quá mạnh nên tôi biết lúc đó Thuận có những yếu tố mà mình rất cần cho nhân vật này.
Vậy còn vai mợ hai của Đinh Ngọc Diệp thì sao? Liệu anh có ưu ái bà xã của mình?
Không chỉ mình Victor mà cả ba biên kịch còn lại đều hình dung ra mợ hai chính là Diệp. Trong tiểu thuyết, mợ hai có màu sắc hơi giống bà cả, cũng là kiểu lúc nào cũng gây khó khăn cho mợ ba. Nhưng lúc viết kịch bản, tôi và mọi người thấy ba bà cần màu sắc riêng. Bà hai thật ra sẽ có một vai trò đặc biệt hơn, là người trong nhà có một sự đồng cảm với nhân vật Linh của Kaity. Bà này thì kiểu nghĩ gì nói vậy, không để bụng gì hết, một người rất thoải mái. Khi viết những phân đoạn, nghĩ tới thoại về cách bà hai phản ứng với mọi thứ, mình nghĩ tới Ngọc Diệp liền.
Người Vợ Cuối Cùng có khá nhiều cảnh nóng, anh có sợ bị khán giả cho là phản cảm, câu khách?
Có thể nói đây là lần đầu tiên tôi khai thác những cảnh ân ái trong phim của mình. Cũng không có cách nào, không tránh được. Vì đối với tôi, quan trọng nhất là một phân đoạn, một chi tiết phải phục vụ cho câu chuyện. Trong trường hợp này, tôi đang khai thác tình yêu rất sâu đậm của hai nhân vật chính nên việc khai thác những cảnh ân ái trong bộ phim này rất cần thiết. Đó là một điều rất đẹp, rất đầy cảm xúc giữa hai nhân vật nên hy vọng điều đó không gây phản cảm.
Những cảnh nóng trong Người Vợ Cuối Cùng rất táo bạo, anh cân bằng ra sao giữa việc bảo vệ diễn viên và thể hiện cảm xúc mãnh liệt của nhân vật?
Thật ra, cách mà tôi tiếp cận những cảnh này, đầu tiên phải rất chi tiết trong các góc quay. Một phân đoạn cần thể hiện cái gì, cần thể hiện nội dung như thế nào thì tôi đã lên kế hoạch từ trước, gọi là shot list. Mình phải note ra từng shot, từng góc và khi mình bàn với diễn viên, mình sẽ chia sẻ hoàn toàn những góc đó. Lúc quay, điều đầu tiên là phải tạo ra một môi trường, không gian thoải mái cho diễn viên. Tôi nghĩ khi diễn viên đã thoải mái rồi, họ không bị quá áp lực thì cảm xúc sẽ đến với họ dễ dàng hơn. Không có ai là không căng thẳng trong những cảnh quay này, phải nói là diễn viên là những người căng thẳng nhất vì họ là người phải thể hiện điều đó. Tôi rất hiểu vấn đề đó nên mình sẽ bàn bạc từng góc quay với diễn viên. Mọi thứ đã được tính toán rất kỹ cho mỗi phân đoạn như vậy.
Trước khi quay, tôi cũng bàn bạc rất nhiều, có những buổi trao đổi với hai bạn. Đêm hôm quay, tâm lý của mọi người khi ra hiện trường là thực hiện thôi. Tôi nhiều khi phải vào set để trình bày một lần nữa là mình cần như thế nào, có thể pha một tí hài hước gì đó cho mọi người thoải mái hơn. Tôi nghĩ đó vẫn là cái quan trọng nhất để diễn viên lấy tâm lý dễ hơn thôi.
Victor Vũ có rất nhiều phim thành công nhưng cũng có vài tác phẩm không như kỳ vọng. Anh có áp lực hay rút ra nhận định gì sau mỗi phim như vậy?
Khi hoàn thành xong một bộ phim, một tác phẩm nào đó, điều mình có thể chắc chắn là mình đã hết lòng và hết mình với nó rồi. Tôi nghĩ quan trọng nhất là mình phải hiểu tại sao nó thành công, tại sao nó không thành công. Mình chấp nhận điều đó một cách rất nhẹ nhàng. Làm nghệ thuật sẽ không thể làm vừa lòng tất cả mọi người, sẽ có người thích, người không thích. Quan trọng là khi mình nhận một kết quả nào đó, mình luôn luôn ngồi lại và phải suy nghĩ, phân tích tại sao phim này thành công, tại sao phim kia không thành công? Mình nhận điều đó một cách rất nhẹ nhàng nên đối với tôi, đây luôn là một hành trình học hỏi. Mình phải rút kinh nghiệm thôi và quan trọng chính mình phải biết nó thành công hay thất bại ở đâu.
Thị trường phim Việt những năm qua rất ảm đạm, nhiều phim Việt thua lỗ, theo anh là vì sao?
Tôi nghĩ năm nào cũng có phim thắng, phim thua hoặc là phim thắng về mặt doanh thu, hoặc là thắng về mặt chuyên môn. Nhưng cũng phải nói, trong thời điểm kinh tế đang gặp khó khăn thì tất cả ngành đều gặp những thử thách, không chỉ ngành điện ảnh. Thói quen xem phim của mọi người bây giờ cũng rất khác. Nghĩa là họ phải suy nghĩ kĩ hơn trước khi họ chọn xem một bộ phim ngoài rạp, không giống như lúc kinh tế đang tốt, mọi người cuối tuần đi coi phim, không cần biết phim gì, cứ coi thôi, trải nghiệm thôi. Còn bây giờ phải suy nghĩ rất kĩ mỗi lần mua một vé. Đó cũng là một thử thách cho các nhà làm phim. Nhưng không có nghĩa là mình ngừng làm phim, ngừng làm nghề. Điều đó thúc đẩy các nhà làm phim, nhà sản xuất để mang đến cho khán giả những sản phẩm chỉn chu nhất và tốt nhất thôi.
Có những khán giả còn tuyên bố "không bao giờ xem phim Việt ngoài rạp", theo anh các đạo diễn phải làm gì để thay đổi điều này?
Tôi nghĩ điều đó là chuyện bình thường thôi vì thật ra mỗi người có một gu. Đó là quyền của mỗi người. Để xây dựng một nền điện ảnh thì tất cả người trong ngành, các nhà làm phim, nhà đầu tư và sản xuất, họ phải luôn luôn có mục tiêu. Nếu chỉ nhắm vào doanh thu thôi thì tôi nghĩ sẽ rất khó phát triển và xây dựng một nền điện ảnh. Khi mình chỉ nhắm vào doanh thu thôi thì nó trở thành một bài toán. Nhưng điện ảnh thì là một sự kết hợp giữa thương mại và nghệ thuật nên tôi luôn luôn nghĩ khán giả cần cả giải trí lẫn nghệ thuật. Khi mình chọn dự án có thể kết hợp giữa giải trí và nghệ thuật thì đó là điều tuyệt vời nhất.
Anh kỳ vọng doanh thu Người Vợ Cuối Cùng là bao nhiêu?
Cái này khó lắm. Tại vì đó là một đề tài hiếm trong thị trường của mình. Nếu so sánh với một phim nào khác thì rất khó. Kỳ vọng của tôi không tính bằng số được. Thực ra, từ ban đầu, mọi người quyết định làm bộ phim này cũng có mục tiêu rất rõ. Mình muốn mang tới khán giả một bộ phim giàu cảm xúc và đậm chất Việt. Mình mong muốn sự kết hợp hai yếu tố đó sẽ mang lại những trải nghiệm thú vị và mới cho người xem. Nếu nói về kì vọng về doanh thu thì sẽ rất khó.
Trấn Thành từng nói "Đất Rừng Phương Nam đạt 100 tỷ thì tôi mới lãi được 6 triệu", vậy với Người Vợ Cuối Cùng thì sao?
À không, Người Vợ Cuối Cùng không cần đến 100 tỷ để hòa vốn đâu.
Cám ơn anh về cuộc trò chuyện này!