Trở thành hoàng thân quốc thích là ước mơ mà ai cũng từng có một lần trong đời. Thế nhưng ước mơ tưởng như hão huyền đó lại được hiện thực hóa dễ dàng với Thuần Hiền Thân vương Dịch Hoàn. Ông có cha, anh trai, con trai và cháu trai đều là Hoàng đế.
Ảnh chụp Ái Tân Giác La Dịch Hoàn lúc sinh thời
Ái Tân Giác La Dịch Hoàn (1840 - 1891) là con trai thứ 7 của Đạo Quang đế. Sau khi Đạo Quang qua đời, đích tử là Hoàng tử Dịch Trữ đã kế vị, lấy hiệu là Hàm Phong, còn Dịch Hoàn được sách phong làm Thuần Quận vương. Có thể nói Dịch Hoàn là một nhân vật khá đặc biệt trong lịch sử nhà Thanh lẫn cả Trung Hoa khi là ông, là cha, là con, là em của tận 4 vị hoàng đế. Cụ thể:
- Thanh Tuyên Tông Đạo Quang đế là cha đẻ của ông.
- Thanh Văn Tông Hàm Phong đế là anh trai cùng cha khác mẹ của ông.
- Thanh Đức Tông Quang Tự đế là con trai ruột của ông.
- Tuyên Thống đế Phổ Nghi là cháu nội của ông (cha ruột Phổ Nghi là đứa con trai thứ 5 của Dịch Hoàn).
Ảnh chụp Phổ Nghi và nguyên phối hoàng hậu Uyển Dung được phục chế màu
Trong cuộc đảo chính Tân Dậu, ông giữ vai trò quan trọng giúp Lưỡng cung Thái hậu đoạt được thực quyền, triệt tiêu Túc Thuận. Sau sự kiện ấy, Dịch Hoàn được Từ Hi Thái hậu tín nhiệm, trở thành Thuần Thân vương được nhiều người nể trọng. Tuy nhiên cũng từ đây, cuộc sống khổ ải về tinh thần của Dịch Hoàn chính thức bắt đầu.
Như chúng ta đã biết, Đồng Trị là vị vua đoản mệnh, ông chết trẻ ở tuổi 19. Lúc này đây nhà Thanh phải đối diện với một vấn đề cực kì nghiêm trọng - đó là Đồng Trị không có con nối dòng. Sau khi cân nhắc chọn lựa, Từ Hi Thái hậu đã quyết định chọn Tải Điềm, con trai Thuần Thân vương làm người kế vị.
Sở dĩ Từ Hi chọn Tải Điềm là bởi đứa trẻ này hội tụ đủ mọi yếu tố mà bà cần khi ấy, bao gồm:
- Tải Điềm là con trai của Diệp Hách Na Lạp Uyển Trinh, đích phúc tấn của Thuần Thân vương Dịch Hoàn và cũng đồng thời là em gái ruột của Từ Hi Thái hậu.
- Tải Điềm lên ngôi lúc 4 tuổi, như vậy dù mang tiếng là hoàng đế nhưng quyền lực vẫn nằm trong tay Từ Hi thái hậu.
- Tải Điềm sẽ trở thành "con tin" giúp Từ Hi thái hậu giữ chân Dịch Hoàn, đảm bảo ông trở thành trung thần đắc lực bên cạnh mình.
Chẳng thế mà khi nghe tin con trai được làm Hoàng đế, Dịch Hoàn không hề vui mừng, thậm chí ông còn đập đầu rồi khóc lóc nức nở đến mức kiệt sức bất tỉnh. Biểu hiện của ông khi ấy đã tỏ rõ, ngôi Hoàng đế này chẳng khác gì quả bom nổ chậm khiến cả gia tộc bất an.
Ảnh chụp Dịch Hoàn và con trai Tải Điềm - tức Quang Tự đế
Nhìn tấm gương Đồng Trị đế đi trước, Dịch Hoàn đã hiểu vận mệnh con trai khi có ngôi vị Hoàng đế mà chẳng khác gì bù nhìn. Ấy là chưa kể, tuy đã chọn Tải Điềm làm vua nhưng điều đó cũng không đồng nghĩa với việc Từ Hi Thái hậu sẽ không hãm hại Tải Điềm hay gia đình của vị vua trẻ này. Dã tâm và thủ đoạn của Từ Hi Thái hậu, trong suốt ngần ấy năm làm trợ thủ, tin rằng Thuần Thân vương Dịch Hoàn rõ hơn ai hết.
Thế nên từ ngày con trai lên ngôi, ông sống vô cùng ẩn nhẫn, cố gắng giảm thiểu sự tồn tại của mình trên triều đình, không dám đánh động sự cảnh giác cao độ của Từ Hi, thậm chí ông còn sẵn lòng tự nguyện từ bỏ hết tất cả chức vị chỉ mong gia tộc được bình an.
Ảnh chụp Dịch Hoàn và hai con trai Tải Phong (đứng) và Tải Thuần (được ôm). Tải Phong sau này chính là cha đẻ của Phổ Nghi
Mang tiếng là ông, cha, là em, là con của bốn đời hoàng đế, thế nhưng Dịch Hoàn sống dè dặt và khổ sở hơn ai hết. Ông không dám ăn hối lộ, không dám khoe khoang huênh hoang, càng không dám tỏ vẻ thân thiết với bất kì ai để tránh Từ Hi Thái hậu nghĩ ông kéo bè kéo cánh nhằm mục đích khác.
Không ngoa khi nói rằng, cả cuộc đời ông sống như đi trên lớp băng mỏng, ngày ngày lo sợ. Thế nên đến năm Quang Tự thứ 16, ông bỗng trở bệnh nặng và qua đời, sau đó được an táng tại Tây Sơn, Bắc Kinh. Mộ phần của ông được xem là một trong những điểm du lịch nổi tiếng tại Bắc Kinh.
Nguồn: Baidu, Sohu