Những ai theo dõi lịch sử Trung Quốc cũng biết, triều Thanh chính là triều đại phong kiến cuối cùng và Phổ Nghi cũng chính là vị Hoàng đế cuối cùng của Trung Quốc.
Khi triều đại đang dần sụp đổ, Hoàng tộc Ái Tân Giác La đồng loạt di tản ra khắp vùng miền của Trung Quốc và bắt đầu đổi tên họ để hòa nhập với xã hội hiện đại.
Thế nhưng, Trung Quốc thời hiện đại vẫn có người sinh sống theo truyền thống của Hoàng gia nhà Thanh vì cho rằng bản thân chính là con cháu của gia tộc Ái Tân Giác La cao quý. Trong đó, có một người tên là Ái Tân Giác La Châu Địch, người tộc Mãn, sinh ra vào năm 1935 ở Quảng Châu. Ông là người con thứ 7 trong gia đình thuộc dòng dõi Ái Tân Giác La.
Theo ấn tượng của Châu Địch, cha của ông là một người cực kỳ "khiêm tốn". Khi ở nhà, cha của Châu Địch luôn hướng gia đình sống theo phong tục của người tộc Mãn, thường bắt Châu Địch gọi mình là A Mã.
Nhưng khi ở ngoài, cha của Châu Địch sẽ không ung dung như vậy, chỉ dặn Châu Địch gọi cha mình là chú. Trong cuộc sống thường ngày, cả gia đình luôn phải giả vờ và cố gắng hết sức để hòa nhập với người Hán.
Châu Địch từ nhỏ luôn được cha dạy dỗ không được quên gốc gác, không quên tổ tông của mình. Gia đình của Châu Địch vẫn giữ được truyền thống của Hoàng thất nhà Thanh, luôn sử dụng những bộ đồ có màu vàng chủ đạo để thể hiện sự tôn quý.
Lúc bấy giờ, hậu nhân của gia tộc Ái Tân Giác La đều phải đổi thành tên họ tộc Hán như Chu, Kim,… Cũng chính vì thế, mặc dù tên trên chứng minh thư là Ái Tân Giác La Châu Địch, nhưng ông còn có hai cái tên Hán khác là Kim Phúc Tân và Chu Hữu Tiền.
Xã hội không ngừng phát triển, sự hiện hữu của nhà Thanh dần trở thành quá khứ lịch sử và bị người đời quên lãng. Đương nhiên, Ái Tân Giác La Châu Địch cũng cảm nhận được sự thay đổi thời đại đó.
Sống trong thời đại mới, Châu Địch luôn ôm ấp ý tưởng "gìn giữ được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu". Ông cố gắng phục hồi truyền thống của tổ tiên bằng cách mặc trang phục màu vàng, cạo phần tóc phía trước và thắt bím sau kiểu nhà Thanh.
Ông tự cho mình chính là con cháu đời thứ 10 của Nhiếp chính vương Đại Thanh - Ái Tân Giác La Đa Nhĩ Cổn (em trai của Hoàng đế Hoàng Thái Cực), cũng tức là em họ của Hoàng đế Phổ Nghi - Hoàng đế cuối cùng của Trung Quốc.
Mỗi lần nhắc đến văn hóa dân tộc Mãn, Châu Địch đều nói thao thao bất tuyệt. Ông tự cho bản thân có dòng máu quý tộc cao quý nên rất chú ý đến tác phong và hành vi của mình. Bím tóc của ông chính là do người vợ thắt giúp.
Cứ lúc nào cần ra ngoài thì Châu Địch luôn gội đầu sạch sẽ, thắt tóc gọn gàng thì mới yên lòng. Châu Địch cho rằng: "Có thể đánh mất bản thân, chứ đánh mất lễ nghĩa cũng chính là đắc tội với tổ tiên".
Được biết, cha của Châu Địch có qua lại với em trai của Phổ Nghi là Phổ Nhân. Có một lần, Châu Địch đến Bắc Kinh có việc và tiện thể đến thăm hỏi Phổ Nhân. Châu Địch xuất hiện với bộ đồ vàng kim Hoàng thất và thắt bím dài. Điều này đã khiến Phổ Nhân hết sức khó chịu và đã lên tiếng khuyên bảo Châu Địch hãy biết sống hòa nhập với thời đại.
Thế nhưng Châu Địch không hề nghe lời dạy của Phổ Nhân và vẫn làm theo những gì mình cho là đúng.
Trong một lần từ Bắc Kinh để về quê Quảng Đông thăm nhà, Châu Địch đã từng "đại náo" cả một trạm tàu chỉ vì không mua được vé.
Thời điểm đó đang vào dịp gần năm mới nên người người lũ lượt sắp xếp hành trang về quê ăn Tết cùng gia đình. Vé tàu hiển nhiên cũng phải đặt trước từ sớm mới có thể đảm bảo mua được.
Trong trạm tàu, người người đông đúc vây kín khu bán vé. Trong tình huống như vậy, việc xếp hàng chờ đến lượt là một chuyện hết sức thường tình. Đang trong quá trình chờ đợi thì nhân viên trạm tàu thông báo hết vé. Thế là Châu Địch đã nổi cơn "tam bành" vì kế hoạch về quê của mình đã thất bại.
Châu Địch tuy tức giận nhưng vẫn không quên khí chất quý tộc của mình, ông ngồi ghế và nhàn nhã đàm đạo với nhân viên: "Tôi chính là người của gia tộc Ái Tân Giác La, hậu nhân Hoàng tộc. Tôi bắt buộc phải được ưu tiên. Không biết anh chị làm cách nào, hôm nay cũng phải có một vé tàu cho tôi".
Hành vi của Châu Địch đã ảnh hưởng đến quy trình bán vé của nhân viên trạm tàu. Thái độ cười cợt châm biếm của nhiều người xung quanh đã khiến Châu Địch trở nên tức giận hơn. Cuối cùng, vì để ổn định trật tự, nhân viên công tác đã thỏa hiệp và sắp xếp cho ông một vé tàu.
Trước lúc rời đi, Châu Địch đã đắc ý và ngẩng cao đầu đứng trước đám đông nói: "Lũ nô tài các ngươi!". Người xung quanh nghe vậy hoàn toàn không cảm thấy tức giận mà chỉ thấy nực cười vì họ biết so đo với người như Châu Địch sẽ không được ích lợi gì.
Đương nhiên, ngay sau đó, cảnh sát cũng tìm đến và Châu Địch cũng phải trả cái giá xứng đáng cho hành vi gây rối trật tự công cộng.
Châu Địch đã lấy thân phận của Hoàng thất nhà Thanh để gây không ít sự chú ý. Thế là, một chuyên gia lịch sử đã quyết định điều tra để xác nhận Châu Địch có phải là con cháu nhà Thanh hay không.
Theo sử sách có ghi chép, Thanh Thành Tông Đa Nhĩ Cổn có 6 vị thê thiếp, chỉ có một con gái duy nhất là Ái Tân Giác La Đông Nga, không có con trai. Vậy thì việc Châu Địch cho rằng ông là con cháu đời thứ 10 của Đa Nhĩ Cổn là không chính xác.
Hơn nữa, Châu Địch còn khẳng định tổ tiên của ông di chuyển từ kinh thành xuống phía nam vào năm 1650, con số này cũng chênh lệch hơn 150 năm so với sự kiện trong lịch sử.
Ngoài ra, thân phận của Châu Địch cũng có vấn đề. Châu Địch cho rằng mình là anh em họ của Phổ Nghi, nhưng chiếu theo trình tự thì hai người không hề chung một thế hệ. Châu Địch cũng cho biết tổ tiên của ông chỉ đổi họ thành Chu. Điều này cũng không đồng nhất với họ Kim của hậu nhân gia tộc Ái Tân Giác La thường dùng.
Chiếu theo gia phổ và trở ngược lại năm 1650, hậu nhân gia tộc Ái Tân Giác La sinh sống ở Quảng Châu không phải là thế hệ thứ mười, mà phải là mười bốn mới chính xác.
Đến đây, chuyên gia nhận định việc Châu Địch cho rằng mình là hậu nhân của gia tộc Ái Tân Giác La là không có cơ sở.
Một đời của Châu Địch luôn nghĩ bản thân mang dòng máu Hoàng tộc cao quý, nhưng đến cùng lại bị phanh phui sự thật gốc gác. Liệu ông có còn sống và thể hiện mình là con cháu hoàng tộc nhà Thanh nữa không?
Đó cũng tùy thuộc vào sự quyết định của Châu Địch. Bởi lẽ dù có phải hay không thì trong xã hội hiện nay đã bình đẳng, bản thân mang dòng máu cao quý cũng không thể có nhiều quyền lợi hơn bất kỳ một người nào.
Nguồn: 163