Trong những con hẻm của Bắc Kinh (Trung Quốc) rộng lớn có một người đàn ông lớn tuổi làm nghề kéo xe với gốc gác không hề tầm thường. Khách hàng đi xe của ông mặc dù chịu phí rất cao nhưng không hề có ý muốn giảm tiền. Vậy thì ông là một nhân vật có lai lịch như thế nào?
Sau cách mạng Tân Hợi, triều đại nhà Thanh chính thức ở thành quá khứ. Sự sụp đổ của triều đình cũng khiến cho gia tộc Hoàng thất phải tha phương tứ xứ. Những thành viên trong Hoàng tộc lưu lạc trên khắp mọi miền của Trung Quốc, hòa chung cuộc sống bình thường như bao người khác.
Trong một con hẻm nhỏ của Bắc Kinh có một người tên An Lâm. Người này từng là một vị Vương gia cao quý nhưng ông lại cảm thấy gốc gác của mình là một nỗi ô nhục. Từng là một Vương công quý tộc, nhưng hiện tại ông lại có một cuộc sống nghèo túng khổ cực, phải tất bật mưu sinh hằng ngày.
Thời còn nhỏ, ông An Lâm thường bị hàng xóm mỉa mai vì lai lịch dòng dõi của mình. Nếu vào thời trước thì mấy ai có thể đủ can đảm để cười cợt một vị Vương gia như vậy?
Gia đình của ông An Lâm phải cố gắng sống sót trong thời kỳ Trung Quốc xã hội mới. Ông của An Lâm sau khi cởi bỏ xuất thân quý tộc để làm người bình thường thì bắt đầu sinh sống với nghề thợ mộc. Nhờ cái nghề thủ công đóng mộc nên gia đình ông đã mở một cửa tiệm nhỏ và truyền thừa cho đến đời của An Lâm.
Thế nhưng xã hội không ngừng phát triển, công việc làm ăn trong nhà không còn phát đạt như trước. Đứng trước tình trạng khó khăn, An Lâm phát hiện rất nhiều người làm công việc kéo xe ngoài đường nên cũng thử sức một ngày. Sau đó, ông đã quyết định chuyển công việc làm ăn sang nghề kéo xe.
Sau khi làm nghề kéo xe, An Lâm thường xuyên đi sớm về khuya, trở thành trụ cột chính trong gia đình. Đến giai đoạn Trung Quốc cải cách mở cửa, lượng khách của An Lâm ngày một nhiều hơn.
Một điểm giúp cho An Lâm hơn hẳn những phu kéo xe khác chính là ông có sự hiểu biết về Bắc Kinh. An Lâm kéo xe, dẫn khách chạy qua nhiều con hẻm lớn nhỏ trong Bắc Kinh, giới thiệu cho họ biết về phong cảnh nơi đây, kể cho họ nghe về ý nghĩa và những câu chuyện lịch sử của Bắc Kinh xưa.
Hành khách vô cùng thích thú và có phần tán thưởng cho kiến thức của An Lâm. Từ đó, nghề kéo xe của ông ngày càng phát triển hơn, thu nhập cũng ổn định dần.
Về sau, An Lâm đã định ra mức giá kéo xe là 150 NDT/giờ (hơn 534.000 VND/giờ). Điều này đã khiến không ít người dị nghị vì cho rằng ông đã "hét" giá quá cao. Nhưng An Lâm lại không nghĩ như vậy vì ông cảm thấy mức giá này hoàn toàn xứng đáng với dịch vụ mà ông cung cấp cho khách hàng.
An Lâm xuất thân từ hoàng tộc triều Thanh cao quý. Vì Ái Tân Giác La An Lâm thuộc dòng dõi Hoàng thất nên từ nhỏ trải qua rất nhiều chuyện liên quan đến quá trình thay đổi triều đại.
Hơn nữa, bố mẹ của ông thường kể cho ông nghe những câu chuyện về Hoàng cung và lịch sử thời bấy giờ. Ông sử dụng những tri thức không được nhiều người biết đến này để làm một công cụ hấp dẫn khách hàng. Cho nên, giá cả của một lần kéo xe như vậy là hoàn toàn hợp lý.
An Lâm nắm bắt được tâm lý của khách hàng, biết họ có lòng hiếu kỳ về lịch sử Trung Quốc xưa và thâm cung bí hiểm. Mỗi chuyến kéo xe của ông, khách hàng vừa được đi tham quan khắp con đường ngõ hẻm của Bắc Kinh, vừa được nghe ông kể chuyện.
Cứ như thế, danh tiếng trong làng "kéo xe" của An Lâm vang xa, thu nhập một ngày có thể hơn 1000 NDT (hơn 3,5 triệu VND). Đây cũng có thể coi là nguồn thu nhập khá ổn đối với một người làm nghề lao động chân tay như ông An Lâm.
Người đời chê trách An Lâm mượn thế lấy giá cao để thu lợi bất chính. Nhưng nào ai hiểu được cái nghề kéo xe phải cực khổ đến mức nào. Hơn nữa, công sức và tri thức ông bỏ ra là hoàn toàn xứng đáng với với cái giá kéo xe kia.
Ngoài ra, An Lâm chưa bao giờ sử dụng thân phận Hoàng tộc của mình để hòng có được sự đồng cảm của người khác. Vì ông cho rằng thời thế đã đổi thay, Hoàng tộc giờ đây cũng phải lấy sức lao động chân chính để đổi lại giá trị của cuộc sống.
Nguồn: 163