Vì sao thẻ tín dụng bị trừ tiền khi không sử dụng?

Đào Bích/VTC News, Theo VTC News 10:19 11/07/2023
Chia sẻ

Nhiều người thắc mắc vì sao thẻ tín dụng dù không sử dụng vẫn bị trừ tiền?

Chiếc thẻ tín dụng mang lại sự tiện lợi trong việc mua sắm và chi tiêu. Không cần nhập mật khẩu, chỉ cần quẹt thẻ, khách hàng có thể thanh toán cho mình món đồ cần mua. Thậm chí người sử dụng còn có thể rút được tiền mặt từ thẻ tín dụng tại các cây ATM.

Khi mở thẻ tín dụng, thông thường khách sẽ chịu khoản phí thường niên, bất kể khách có sử dụng thẻ trong cả năm hay không. Đây là mức phí mà khách cần bỏ ra để duy trì thẻ. Loại phí này được thanh toán định kỳ hằng năm, dao động khoảng từ 200.000 - 500.000 đồng/năm, thường được giảm ở các năm tiếp theo, thậm chí được miễn phí đối với một số khách hàng VIP.

Tuy nhiên bên cạnh nguyên nhân này khiến thẻ tín dụng bị trừ tiền khi không sử dụng thì còn nhiều tình huống báo hiệu những rủi ro tiềm ẩn và nếu như người dùng không biết cách bảo quản thì rất có thể sẽ mất tiền oan.

Vì sao thẻ tín dụng bị trừ tiền khi không sử dụng? - Ảnh 1.

Trả lời PV VTC News , chị Phương Thảo (nhân viên tín dụng cá nhân - Ngân hàng HD Bank) cho biết, nếu thẻ tín dụng bị trừ tiền đột xuất, bạn cần kiểm tra xem có mắc vào những lỗi thông thường hay không.

Lỗi này thường xảy ra do kết nối mạng yếu hoặc hệ thống thanh toán gặp sự cố. Từ đó, giao dịch thẻ phải thực hiện liên tiếp và tài khoản trừ tiền 2 lần. Trong trường hợp này, người dùng cần liên hệ trực tiếp với ngân hàng để được giải quyết nhanh nhất.

Ngoài ra, nếu bị trừ tiền mà không rõ lý do, bạn cũng cần kiểm tra xem có tích hợp tài khoản vào app thanh toán online nào không.

"Ví dụ như có lần tôi tích hợp thanh toán thẻ tín dụng vào ứng dụng dịch vụ gọi xe Bee của một người khác mà quên không thoát ra. Sau đấy, tôi liên tục thấy tài khoản tín dụng của mình bị trừ tiền. Hóa ra là người đó cứ “vô tư” sử dụng tài khoản tín dụng của tôi để đặt xe trên Bee. Phải đến lúc tôi gọi điện thông báo thì họ mới biết để thoát tài khoản của tôi và sử dụng tài khoản của họ ”, chị Thảo nói.

Hoặc cũng có nhiều người sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán các khoản chi tiêu như Internet, điện, nước, xem phim, mua dung lượng google… Đến khi không còn sử dụng nữa nhưng quên thông báo ngừng dịch vụ. “ Trong trường hợp đó, thẻ tín dụng vẫn bị trừ tiền bình thường ”, chị Phương Thảo cho biết.

Nhận định về trường hợp xấu hơn có thể xảy ra đối với thẻ tín dụng, theo anh Phạm Quang Mạnh, nhân viên tín dụng ngân hàng Sacombank, việc để lọt thông tin thẻ tín dụng khi chi tiêu trực tuyến là tình trạng nhiều người tiêu dùng đã gặp phải. Ngoài ra, vì không có chức năng xác minh bằng mã OTP khi quẹt thẻ bằng máy POS nên việc đánh mất thẻ cũng là rủi ro thường gặp khiến tiền "không cánh mà bay". Trong trường hợp này, theo anh Mạnh, khách hàng cần gọi điện lên tổng đài của ngân hàng để nhờ khóa thẻ ngay lập tức.

Anh Mạnh phân tích: “ Khi mình cầm thẻ ra thanh toán thì đơn giản chỉ là cà thẻ rồi ký tên vào trong bill coi như xác nhận. Thực ra việc ký tên trên bill rất đơn giản, kẻ gian cũng hoàn toàn có thể ký được ”. Vì thế, theo anh Mạnh, điều quan trọng là khách hàng cần bảo mật thông tin thẻ tín dụng thật cẩn thận.

Để tránh mất tiền "oan", người sử dụng không nên để lộ 3 số CVV ở mặt sau thẻ. Bên cạnh đó, hiện nhiều ngân hàng cũng đã tích hợp dịch vụ quản trị thẻ tín dụng trên các ứng dụng ngân hàng số. Việc này giúp chủ thẻ chủ động thực hiện các thao tác như khóa mở thẻ, điều chỉnh hạn mức mà không cần đến phòng giao dịch.

Theo chuyên viên ngân hàng, mỗi lần có giao dịch bất thường, lập tức nhân viên của ngân hàng gọi điện cho khách hàng để gọi có phải anh, chị đang thực hiện giao dịch đó không, hoặc nhắn tin và có nhiều biện pháp khác cảnh báo.

Các ngân hàng cũng lưu ý, điều quan trọng nhất là chính người dùng cần trang bị cho mình những kiến thức liên quan đến việc sử dụng thẻ tín dụng, đồng thời cần cẩn trọng trong các giao dịch chi tiêu trực tuyến, tránh để lộ thông tin.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày