Vì sao phải dùng bút chì 2B cho máy chấm thi tự động khi tô đáp án đề bài?

NPQM, Theo Trí Thức Trẻ 12:15 18/07/2018

Quy tắc rất nhiều thí sinh gặp phải ở các kỳ thi dùng máy chấm thi tự động, nhưng ít người biết ý nghĩa thực sự của loại bút chì 2B này.

Hiện nay, máy chấm thi tự động được ứng dụng rất nhiều trong các kỳ thi để tiết kiệm công sức cũng như thời gian và áp lực căng thẳng cho con người. Đối với thí sinh, nó cũng phần nào giúp quy chuẩn hóa cách thức làm bài khi chỉ cần tô đậm ô đáp án trắc nghiệm là xong. Nhưng tại sao chúng ta lại luôn được khuyên phải dùng bút chì loại 2B để làm mà không phải lựa chọn khác khi chấm thi trên máy?

Bút chì được chia làm rất nhiều loại, dựa theo thành phần ruột chì và tác dụng nét chữ tạo ra trên giấy. Mỗi loại được đánh số thứ tự và đi kèm một chữ cái báo hiệu tính chất. Trong đó:

- H (Hard): Độ cứng của ruột ngòi chì. Ruột càng cứng thì sẽ khó bị hao mòn khi ma sát với giấy, nét chì in ra càng mờ.

- B (Black): Độ in đen của ruột chì - tác dụng ngược lại với ruột H khi viết trên giấy.

- F (Fine): Mức độ ruột chì có tính chất trung bình, cân bằng giữa 2 loại H và B.

- HB (Hard Black): Ruột chì trên mức cân bằng, nghiêng về B một chút so với H.

photo-1

Dựa trên những tính chất có sẵn được chia ra như trên, bút chì 2B được đánh giá là có mật độ nét in đậm vừa phải và đủ độ tiện lợi cho thí sinh sử dụng trên chất liệu giấy thi hợp lệ dành cho máy chấm thi (tham khảo bài viết này để hiểu hơn về công nghệ máy chấm tự động).

Máy chấm thi sử dụng công nghệ nhận biết ánh sáng quét qua trên giấy chấm thi để xác nhận mẫu đáp án làm bài. Vì thế, nếu dùng bút chì có độ cứng (H) quá cao, nét tô sẽ không đủ đậm và khiến thí sinh tốn nhiều thời gian hơn đáng kể chỉ để tô đi tô lại cho vừa mức. Ngược lại, bút chì có thang đen (B) lớn lại dễ phản tác dụng khi cần thay đổi đáp án, hoặc gây khó chịu khi lỡ quẹt tay qua vùng tô đậm và dây bẩn ra các khu vực khác, có thể gây nhầm lẫn cho đáp án.

Bút chì 2B (hoặc có thể trên dưới 1 mức tùy theo khuyến nghị từng nơi) sẽ là lựa chọn thích hợp nhất - không quá cứng khiến nét không đủ dày, cũng không quá đậm để tạo sự khó chịu cho các sự cố ngoài ý muốn, tác động đến tâm lý làm bài và chất lượng đáp án.

Vì sao phải dùng bút chì 2B cho máy chấm thi tự động khi tô đáp án đề bài? - Ảnh 3.

Máy chấm thi Scantron phổ biến trên thế giới.

Tuy nhiên, quy tắc cứng nhắc đó có thể phần nào được thay đổi trong thời gian ngắn khi các máy chấm thi đời mới được đưa vào sử dụng phổ biến hơn, thay thế toàn bộ thế hệ máy cũ.

Cụ thể, các phiên bản máy trước sử dụng cơ chế nhận biết ánh sáng bị chặn bởi phần tô màu đáp án, cho nên bút chì được chọn vì ruột chì có khả năng hấp thụ ánh sáng tốt hơn màu mực thông thường, và giấy chấm thi cũng chỉ được in 1 mặt để máy quét được. Sau khi nâng cấp, thế hệ máy chấm thi mới sẽ hoạt động bằng cách xem xét ánh sáng phản chiếu lại từ phần đáp án tô màu, vì thế nó sẽ phân biệt tinh nhạy hơn kể cả khi bạn dùng bút chì nét mờ hoặc bút bi viết mực - miễn là nó có sắc thái và cường độ khác với màu đề thi gốc.

Có lẽ vì chúng ta chưa thể chắc chắn đồng đều về thế hệ công nghệ của các máy chấm thi trên toàn khu vực diện rộng, cho nên bút chì 2B vẫn luôn được khuyến nghị như một tiêu chuẩn chung dành cho mọi trường hợp.