Sai phạm chấm thi ở Hà Giang: Để địa phương chấm sẽ khó tránh tiêu cực

Nguyễn Trang, Theo VOV 11:32 18/07/2018
Chia sẻ

Theo ông Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT), nếu còn để công tác chấm thi tại địa phương sẽ khó tránh tiêu cực.

Như VOV.VN đã phản ánh, trước những điểm thi cao bất thường tại Hà Giang trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, Bộ GD-ĐT đã chính thức vào cuộc điều tra. Kết quả điều tra cho thấy, có  tất cả 114 thí sinh, với hơn 330 bài thi có tổng điểm đã công bố chênh lên hơn 1,0 điểm so với điểm chấm thẩm định. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định. Cá biệt có những thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định.

Mức điểm trên trời - dưới đất, trước và sau quá trình chấm lại đã khiến dư luận không khỏi giật mình, bức xúc trước sai phạm nghiêm trọng trong một kỳ thi lớn tầm quốc gia, được tin rằng tổ chức quy mô, an toàn, chính xác.

Sai phạm chấm thi ở Hà Giang: Để địa phương chấm sẽ khó tránh tiêu cực - Ảnh 1.

Ông Quách Tuấn Ngọc, Nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT). Ảnh: Zing

Là người từng phụ trách mảng công nghệ thông tin của Bộ GD-ĐT, ông Quách Tuấn Ngọc, Nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT) cho rằng, đây là chuyện không lạ, không quá ngạc nhiên. "Có điều, trường hợp tại Hà Giang đã làm quá trắng trợn ở quy mô công nghiệp nên mới bị lộ. Ví dụ như những người này chỉ nâng 1-2 điểm (không phải vẽ đường cho hươu chạy) thì đúng là không thể phát hiện ra. Vụ sai phạm này là một việc đáng buồn, nhưng trong cái rủi lại có cái may, nó giúp chúng ta phải tỉnh ngủ để xem xét lại quy trình chấm thi đang rất có vấn đề", ông Ngọc nói.

Vì đâu không lạ? Ông Quách Tuấn Ngọc cho rằng: “Trước giờ dư luận vẫn có chuyện bàn tán rằng chỗ này chỗ kia có tiêu cực trong thi cử, cháu này được 10 điểm, nhưng đến khi học đại học lại không giỏi. Nhưng dù sao đây cũng chỉ là dư luận, không có bằng chứng. Chỉ duy nhất vụ này tìm được bằng chứng xác thực, mới có thể xử lý”.

Là người theo dõi thông tin từ khi điểm thi Hà Giang được công bố cao bất thường tới khi Bộ GD-ĐT thừa nhận có sai phạm, ông Ngọc không khỏi băn khoăn: “Khi dư luận lên tiếng, các cán bộ tại Hà Giang đều bao biện, bảo rằng đây không phải con ông cháu cha, nhưng chắc hẳn phải có mối quan hệ chằng chịt lắm, mới dẫn đến quy mô lớn như vậy”.

Chuyên gia này cho rằng, sự cố sai phạm điểm thi tại Hà Giang cho thấy những mặt hạn chế trong công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, mà cụ thể là khâu tổ chức cán bộ và việc tổ chức chấm thi.

“Quy trình rõ ràng đã có lỗ hổng. Khâu cán bộ rất quan trọng, đứng ở vị trí lãnh đạo, tin cấp dưới là một chuyện, nhưng vẫn phải có sự giám sát chặt chẽ. Việc tổ chức thi tại địa phương có rất nhiều vấn đề, các mối quan hệ cá nhân trong địa phương như họ hàng thân thích, bạn bè nhờ vả là không thể tránh khỏi", ông Ngọc chỉ rõ.

Ông Ngọc nói thêm rằng, cũng bởi tại địa phương có nhiều mối quan hệ “chằng chịt”, nể nang, nên rất dễ xảy ra tiêu cực trong khâu coi thi, chấm thi. Nếu phẩm chất cán bộ đảm nhiệm công việc này không tốt, sẽ rất dễ để xảy ra sai phạm. “Khi cán bộ giảng viên các trường ĐH rút về, thanh tra vẫn có, nhưng không thể quán xuyến cả ngày cả đêm, tạo kẽ hở cho kẻ xấu lợi dụng”.

Phân tích thêm về lỗ hổng trong chấm thi trắc nghiệm dẫn tới có thể sửa điểm của một thí sinh từ 1 thành 9 điểm như ở Hà Giang, ông Ngọc cho biết, tờ Phiếu trả lời trắc nghiệm hoàn toàn không có phách. Nên bất kỳ ai cũng có thể biết Phiếu trả lời này là của thí sinh nào.

Sai phạm chấm thi ở Hà Giang: Để địa phương chấm sẽ khó tránh tiêu cực - Ảnh 2.

Phiếu trả lời bài thi trắc nghiệm không được rọc phách.

“Đây là lỗ hổng tôi đã nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần khi còn công tác. Quy trình chấm thi này thích hợp hơn cho các trường ĐH tổ chức thi, vì họ không liên quan đến con cháu ai, hoặc nếu có thì cũng rất hy hữu. Còn tại địa phương, có thể khẳng định quy trình này chưa phù hợp, nhất là khâu chấm, kiểm dò”, ông Ngọc chỉ ra.


Chia sẻ về kết quả thi trong 13 năm áp dụng hình thức thi “3 chung”, ông Quách Tuấn Ngọc cho biết, Cục Công nghệ thông tin thường xuyên xếp hạng, vẽ bản đồ xếp hạng các địa phương theo mức điểm trung bình 3 môn thi đại học.

Theo đó, nhóm xếp hạng rất ít thay đổi, tốp 10 địa phương có mức điểm cao nhất chủ yếu là các tỉnh Đồng bằng Bắc bộ như Hà Nội, Nam Định, Hải Dương, Vĩnh Phúc và TP Hồ Chí Minh...

Tuy nhiên, từ những năm tổ chức thi “2 trong 1”, thứ tự của các tỉnh bị xáo trộn rất nhiều. Nhiều tỉnh bỗng tăng vọt về thứ bậc trên bản đồ.

Để khắc phục những kẽ hở trong công tác chấm thi trắc nghiệm, vị chuyên gia này đề xuất 2 phương án.

Phương án 1: Bài thi THPT quốc gia sau khi thi, (rọc phách nếu có), quét ảnh thì truyền file về Bộ ngay lập tức, như vậy Bộ cũng sẽ chấm độc lập trên file ảnh này (Đĩa CD1). Những trường hợp lỗi khi kiểm dò có thể xử lý sau.

Phương án 2, Bộ GD-ĐT tổ chức chấm bài thi THPT quốc gia theo từng cụm tại các trường ĐH và do các trường ĐH chủ trì. “Nghĩa là sau khi thi xong cần niêm phong bài thi, chuyển về chấm theo cụm. Như vậy vẫn đảm bảo thí sinh được thi tại địa phương, không phải di chuyển vất vả”.

"Câu hỏi cuối cùng của tôi là kỳ thi kiểu này đánh giá năng lực là đánh giá năng lực nào? Năng lực đoán đáp số? Năng lực phản biện? Năng lực sáng tạo như có cách giải hay thì làm gì còn chỗ mà trổ bông? Đến các GS.TS Toán học hàng đầu, các nhà luyện thi lão luyện cũng còn lắc đầu quầy quậy.

Nếu như dùng để xét cả tốt nghiệp thì đề thi năm nay không phù hợp. Đã là thi tốt nghiệp, mỗi cháu phải được ít nhất 5 điểm mỗi môn. Đề này chỉ phù hợp thi đại học, nhưng năm nay tỷ lệ đỗ tốt nghiệp vẫn trên 90% là nhờ cộng thêm điểm học bạ xét kèm, cứu được số tốt nghiệp.

Theo tôi, các trường ĐH nên chủ động đánh giá lại năng lực thực sự của thí sinh. Thí dụ đơn giản như cho giải lại một bài toán đã thi, hay ngồi kiểm tra vấn đáp" - ông Quách Tuấn Ngọc.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày