Vì sao nhiều bậc cha mẹ cứ thích so sánh con mình với con nhà người ta?

TIÊN YÊN, Theo Trí Thức Trẻ 08:30 19/07/2022

Tuy nhiên, phương pháp giáo dục này trong nhiều trường hợp lại phản khoa học.

Nhiều bậc phụ huynh vẫn chưa có thói quen dành những lời khen ngợi cho con cái, thay vào đó, họ lại thường xuyên dùng những "phép so sánh", mắng mỏ, phê bình con của mình. Trong mọi vấn đề, từ điểm số cho tới những việc vặt trong gia đình, họ đều có thể chỉ trích con cái với hi vọng chúng nhìn vào tấm gương gương mẫu trước mặt để cố gắng và tốt lên. Tuy nhiên, đây không phải suy nghĩ của mọi đứa trẻ.

Vì sao nhiều bố mẹ vẫn thích dùng khái niệm "con nhà người ta"?

Thứ nhất, bố mẹ đơn giản muốn tạo động lực để con cái cố gắng. Bất kì bậc phụ huynh nào cũng hi vọng con cái trở thành người có ích, người thành công, người phi thường, vì thế, ngay từ bây giờ họ khao khát con mình phải trở nên "hơn người". Vì vậy, họ đưa ra những ví dụ "con nhà người ta" liên tục với hi vọng con có thể nhìn vào hình mẫu ấy để cố gắng noi theo. Với bố mẹ là như vậy còn với những đứa trẻ, đó chẳng khác nào những áp lực vô hình khiến chúng cảm thấy mình luôn yếu kém, thậm chí chán ghét bố mẹ.

Thứ hai, nhiều bố mẹ có tâm lí tự ti so với những phụ huynh khác. Một lí do khác để giải thích cho tình trạng này là do chính các bậc phụ huynh cũng không cảm thấy tự tin về bản thân mình nên cố gắng "ép" con theo giấc mơ của những người khác. Có thể thấy, họ là những người có lòng tự trọng thấp, không hài lòng cuộc sống hiện tại.

Vì sao nhiều bậc cha mẹ cứ thích so sánh con mình với con nhà người ta? - Ảnh 1.

Hậu quả của việc thường xuyên so sánh con trẻ

- Trở nên tự ti: Liên tục bị chỉ trích, bị cho rằng thua kém những người khác, con trẻ sẽ dần tự cho rằng mình thật sự kém cỏi. Với tính cách này, khi chúng muốn làm việc mình thích bên ngoài những gì bố mẹ mong muốn, chúng chỉ nhận được sự chối từ từ bố mẹ và câu trả lời "con không thể". Nếu cứ giữ thói quen này, con trẻ sẽ trở nên lười biếng, không muốn ganh đua, thậm chí xấu hổ, không muốn ra khỏi nhà vì sợ bị đánh giá và có thể mắc các bệnh về tâm lí.

- Không có cảm giác an toàn: Dù là một đứa trẻ nhưng chúng vẫn luôn cần sự công nhận của bố mẹ rằng chúng là một đứa trẻ ngoan và có ích. Nếu bố mẹ phớt lờ sự cố gắng của trẻ thì chúng sẽ dần thu mình, nghi ngờ năng lực bản thân. Điều này ảnh hưởng tới các kỹ năng xã hội của trẻ. Ngay cả người lớn cũng không thể hoàn hảo, vậy nên con trẻ cần nhận được sự bao dung và tình yêu thương vô bờ bến của các bậc phụ huynh.

Vì sao nhiều bậc cha mẹ cứ thích so sánh con mình với con nhà người ta? - Ảnh 2.

Nguồn: Sohu