Vì sao Nhật Bản ồ ạt bán một loại đặc sản sang Việt Nam, 6 tháng đầu năm tăng đến 2.078%?

Pha Lê, Theo Nhịp sống thị trường 07:09 22/08/2024
Chia sẻ

Loại đặc sản này thường có thân dày, to, thịt dai, giòn, ngọt, và hoàn toàn được đánh bắt tự nhiên.

Vì sao Nhật Bản ồ ạt bán một loại đặc sản sang Việt Nam, 6 tháng đầu năm tăng đến 2.078%?- Ảnh 1.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dẫn Dữ liệu từ Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sò điệp nguyên vỏ từ Nhật Bản sang Việt Nam đạt 13.075 tấn, tăng 2.078% (hơn 20 lần) so với cùng kỳ năm trước. Giá trung bình của loại hải sản này đạt 231 JPY/kg, giảm gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù sản lượng xuất khẩu sang Việt Nam tăng đột biến nhưng tổng khối lượng xuất khẩu sò điệp trong 6 tháng đầu năm của Nhật Bản vẫn giảm 52% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân là bởi, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu sản phẩm này nhiều nhất của Nhật Bản. Mỗi năm Trung Quốc nhập đến 95.000 tấn sò điệp nguyên liệu của Nhật Bản. Tuy nhiên, từ tháng 8/2023, Trung Quốc ban hành lệnh cấm đối thủy sản Nhật Bản do vụ việc xả nước thải đã qua xử lý từ nhà máy hạt nhân Fukushima ra biển.

Để giải quyết tình trạng khó khăn trên, ngoài Việt Nam, Nhật Bản còn đẩy mạnh xuất khẩu sò điệp sang Mỹ và các nước Đông Nam Á khác như: Thái Lan, Indonesia...

Tính riêng tháng 6, Đài Loan (Trung Quốc) là thị trường lớn nhất tiêu thụ thịt sò điệp đông lạnh của Nhật Bản với 209 tấn, theo sau là Mỹ (162 tấn). Giá xuất khẩu trung bình sang thị trường Mỹ ở mức 2.700- 2.900 JPY/kg, trong khi tại Đài Loan giá tăng lên từ 2.700 JPY/kg trong tháng 4 lên 3.300 JPY/kg trong tháng 5 và 3.100 JPY/kg trong tháng 6. 6 tháng đầu năm, xuất khẩu sang Mỹ và Đài Loan (Trung Quốc) tăng ấn tượng, tương ứng 1.652 tấn (tăng 136%) và 1.376 tấn (tăng 50%).

Vì sao Nhật Bản ồ ạt bán một loại đặc sản sang Việt Nam, 6 tháng đầu năm tăng đến 2.078%?- Ảnh 2.

Sò điệp được đánh bắt tại cảng ở thành phố Nemuro, tỉnh Hokkaido, Nhật Bản - Ảnh: REUTERS

Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản (MAFF) cho hay, Việt Nam trước giờ có nhiều nhà máy gia công hải sản, trong đó có sò điệp nên có nhiều kinh nghiệm. Do đó, các doanh nghiệp Nhật Bản chọn Việt Nam để làm nơi gia công, từ đó xuất khẩu sang Mỹ, các nước ASEAN…

Từ đầu năm nay, các doanh nghiệp thủy sản Nhật Bản bắt đầu thí điểm chế biến sò điệp đánh bắt từ Hokkaido tại Việt Nam. Theo đó, các công ty Nhật Bản, thử nghiệm cho chuyến hàng khoảng 20 tấn sò điệp nguyên vỏ đến Việt Nam. Tại Việt Nam, số sò điệp này sẽ được chế biến, xuất ngược lại về Nhật Bản và sẽ được các công ty bán cho các nhà hàng và các bên bán lẻ. Đã có 12 doanh nghiệp chế biến và thương mại hải sản từ Hokkaido.

Sò điệp ở vùng biển trên thường có thân dày, to, thịt dai, giòn, ngọt, và hoàn toàn được đánh bắt tự nhiên. Ngay khi còn sống, các cồi sò điệp được chế biến và ủ lạnh ở -60 độ C nhằm đảm bảo độ tươi ngon. Trong ẩm thực Nhật Bản, sò điệp thường được sử dụng để chế biến thành nhiều món ăn ngon như sushi và sashimi. Sò điệp cũng thường được chế biến thành các món hấp, nướng, hoặc sử dụng làm thành phần chính của một số món hải sản hấp dẫn khác.

Sò điệp chứa nhiều protein, omega-3, canxi và các dưỡng chất khác giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, hỗ trợ hệ thống miễn dịch và cung cấp năng lượng cho cơ thể.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày