Chiều 20/7, trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc (Nghệ An) cho biết, sau khi xảy ra sự việc người dân xóm Hải Thịnh (xã Nghi Thiết) tập trung ở đường ngăn cản các phương tiện ra vào cảng Vissai, huyện này đã lập tức xuống để làm rõ và giải quyết sự việc.
Theo đó, thường trực Huyện ủy Nghi Lộc đã tổ chức cuộc họp với Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam, Công ty cổ phần xi măng Sông Lam và các phòng ban chuyên môn, xã Nghi Thiết để bàn giải pháp giải quyết vụ việc.
Từ sáng 20/7, người dân xóm Hải Thịnh đã ra căng bạt, ngăn cản các phương tiện ra vào cảng Vissai.
Đến chiều 20/7, sau khi được tuyên truyền, giải thích người dân đã giải tán ra về, các phương tiện giao thông đã lưu thông ra vào cảng bình thường. “Hiện còn có một số người vẫn đang phản đối, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đang tiếp tục làm việc và tuyên truyền để người dân hiểu”, ông Thọ nói.
Trước đó từ sáng 20/7, rất đông người dân ở xóm Hải Thịnh (xã Nghi Thiết, Nghi Lộc, Nghệ An) đã mang theo nhiều băng rôn tập trung ra tuyến đường D4 để chặn không cho các phương tiện vận chuyển ra vào cảng biển quốc tế Vissai (thuộc Công ty CP Xi măng Sông Lam).
Lý do là người dân sợ ô nhiễm khi thời gian gần đây cảng Vissai tập kết, vận chuyển gỗ dăm.
Đây là lần thứ 2 trong vòng 1 tháng qua người dân xóm Hải Thịnh (xã Nghi Thiết) tập trung ra tuyến đường D4 nối vào cảng biển Vissai để phản đối, ngăn cản không cho các phương tiện ra vào.
Lý do dẫn đến người dân có hành động trên là thời gian gần đây trong cảng Vissai đã tập kết và vận chuyển một lượng lớn gỗ dăm. Lo ngại việc tập kết gỗ dăm này ở khu vực cảng sát nhà dân có thể ảnh hưởng đến môi trường, bụi và mùi hôi thối nên người dân đã tập trung ra phản đối.
Bị người dân ngăn cản, rất nhiều xe tải chở xi măng từ huyện Đô Lương xuống cảng phải dừng lại chờ ở 2 bên đường.
Các phương tiện nằm chờ trên đường không ra vào được cảng.
Ông Nguyễn Văn Lý (59 tuổi, trú xã Nghi Thiết) là một trong 9 hộ gia đình thuộc diện di dời khi triển khai dự án cảng biển Vissai. Tuy nhiên đến nay ông Lý và 8 hộ dân khác vẫn chưa được chuyển sang khu tái định cư. Hiện tại, gia đình ông Lý và 8 hộ khác đang sinh sống sát với khu vực cảng biển. “Ở sát cảng phải chịu tiếng ồn, bụi hàng ngày. Chúng tôi mong muốn được sớm đền bù, tái định cư đến nơi ở mới cho ổn định”, ông Lý cho hay.
Đến chiều 20/7, các phương tiện đã được lưu thông ra vào cảng bình thường.
Phó Chủ tịch huyện Nghi Lộc cho biết thêm, các kiến nghị của người dân về vấn đề ảnh hưởng đến môi trường thì kiến nghị bằng văn bản đến các cơ quan nhà nước chứ không được đứng ra cản trở giao thông. Việc người dân cản trở hoạt động phương tiện vận tải là vi phạm pháp luật, mất an toàn giao thông. Thời gian tới huyện sẽ tổ chức tuyên truyền, giải thích, vận động để người dân hiểu, đồng hành cùng chính quyền, doanh nghiệp sản xuất, không để mất an ninh trật tự.
Trước đó vào cuối tháng 6/2023, người dân xóm Hải Thịnh (xã Nghi Thiết) cũng đã tập trung ra tuyến đường D4 để ngăn cản các phương tiện ra vào cảng vì lo ngại ô nhiễm môi trường khi cảng Vissai lắp đặt máy móc, dây chuyền sàng tuyển, phối trộn than đá tại khu vực cảng tiếp giáp với xóm Hải Thịnh.
Sau sự việc này, Ban Quản lý Khu kinh tế (BQL KKT) Đông Nam tỉnh Nghệ An cùng cơ quan chức năng đã đối thoại với người dân và kết luận yêu cầu doanh nghiệp này phải tháo dỡ dây chuyền than nói trên. Ngoài ra, các vấn đề kiến nghị của người dân cũng được cam kết thực hiện sớm như xây dựng nhà văn hóa mới cho xóm Hải Thịnh, xây dựng một bến đậu tránh trú an toàn cho hơn 150 tàu thuyền, xây dựng khu tái định cư cho 9 hộ dân trong diện di dời.
Cầu cảng Vissai số 1 (tại xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc) do Tập đoàn Vissai đầu tư. Cầu cảng có chiều dài 2.000m được đưa vào vận hành từ tháng 10/2017.
Hiện cảng biển này đang phục vụ chính cho việc vận chuyển clinker và xi măng của đơn vị. Giai đoạn hai, cụm cảng này đang xây dựng thêm hai bến cảng tổng hợp, trở thành một cảng biển quốc tế đa dụng.