Vì sao hàng không Mỹ có thể “đá” hành khách khỏi những chuyến bay?

Linh Anh, Theo Trí Thức Trẻ 10:56 11/04/2017

Sự việc một hành khách bị lôi như tội phạm khỏi chuyến bay của United Airlines sáng 9/4 cho thấy các hãng hàng không Mỹ có thể “đá” hành khách khỏi những chuyến bay sau khi cho họ đặt mua quá nhiều ghế.

Hình ảnh hành khách nam bị lôi trên sàn máy bay trong tình trạng miệng đầy máu đang khiến United Airlines gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận Mỹ. Câu hỏi được nhiều người đặt ra là vì sao hãng hàng không có thể làm điều đó với hành khách của mình?

Tìm hiểu sâu hơn, một phần của vấn đề xuất phát từ chính sách thường bị hành khách bỏ qua trong đó cho phép các hãng hàng không ngăn hành khách lên máy bay khi phi cơ kín chỗ. Những trường hợp này thường đồng ý việc không lên máy bay ngay từ khi đặt vé dù bản thân họ hiếm khi để ý tới điều đó.

Cho phép đặt thừa chỗ là cách mà các hãng hàng không Mỹ vẫn áp dụng nhằm đảm bảo số hành khách tối đa trên mỗi chuyến bay, bao gồm cả trường hợp những khách đặt trước nhưng hủy vé. Số vé bán thừa được các hãng hàng không tính toán dựa trên các số liệu thống kê cụ thể mà không hãng hàng không nào áp dụng giống nhau nhằm đảm bảo chỗ bị hủy sẽ ngay lập tức được lấp đầy.

George Hobica, người sáng lập Airfarewatchdog.com, cho biết: “Các hãng hàng không đau đầu bởi hành khách hủy chuyến và họ thì không muốn cất cánh với những chiếc ghế trống”. Tuy nhiên, biện pháp phòng xa này cũng gây ra một số vấn đề, đặc biệt là khi không có hành khách nào hủy vé hay phi cơ đột ngột phải chở thêm những hành khách quan trọng.

Trong trường hợp của United Airlines, bốn thành viên phi hành đoàn của hãng hàng không Republic Airlines cần có mặt ở Louisville vào ngày hôm sau nếu không chuyến bay đó sẽ bị hủy bỏ. Những thành viên phi hành đoàn này đi trên chuyến bay số hiệu 3411 của United Airlines, gây ra sự việc 4 hành khách bị yêu cầu tình nguyện nhường chỗ dù đã lên phi cơ.

Hành khách bị lôi khỏi máy bay vì không tình nguyện hủy đặt chỗ.

Tuy nhiên, với những gì đã diễn ra, các chuyên gia đều đồng ý rằng United Airlines đã giải quyết một cách không hợp lý. Thông thường, hành khách sẽ bị chặn lên máy bay ngay từ cửa ra vào chứ không phải khi họ đã yên vị trên chiếc phi cơ. Hobica cũng nhấn mạnh: “Những gì đã xảy ra thật là bất bình thường”. 

Khi một chuyến bay gặp phải tình trạng đặt chỗ quá nhiều, quy định liên bang yêu cầu các hãng hàng không phải hỏi xem có hành khách nào tự nguyện nhường chỗ. Các hãng hàng không cũng phải bồi thường cho những hành khách tự nguyện nhường chỗ, thường là bằng các phiếu mua vé trong tương lai hoặc thẻ quà tặng.

Nếu không có hành khách nào chịu tình nguyện, các hãng hàng không được phép sử dụng phương pháp lựa chọn ngẫu nhiên để buộc hành khách rời phi cơ. Theo số liệu cơ Bộ Giao thông Mỹ, năm 2015, có 46.000 hành khách bị đá khỏi máy bay theo phương pháp này. Các điều khoản đền bù trong trường hợp này được các hãng quy định rõ trong hợp đồng vận chuyển mà hành khách buộc phải đồng ý khi mua vé.

Theo quy định của United Airlines, người khuyết tật và trẻ vị thành niên không có người giám hộ xếp cuối cùng trong danh sách những người có thể bị đá khỏi máy bay. Khách hàng trung thành cũng nằm trong danh sách ưu tiên của United Airlines và một số hãng hàng không khác của Mỹ.

Tuy nhiên, việc đuổi khách cũng khiến các hãng hàng không phải trả cái giá không rẻ. Nếu người bị hủy chuyến có thể đến đích trong vòng một giờ so với thời gian của chuyến bay bị hủy, các hãng hàng không sẽ vô can. Tuy nhiên, nếu họ đến muộn từ một đến hai giờ trong các đường bay nội địa và một đến bốn giờ trong các đường bay quốc tế, các hãng hàng không phải đền bù gấp đôi giá vé một chiều ban đầu với giới hạn tối đa là 675 USD.

Nếu chuyến bay mới đến chậm hơn 2 giờ so với đường bay nội địa hoặc hơn 4 giờ với các đường bay quốc tế, hàng hàng không phải đền bù gấp 4 lần vé một chiều và tối đa là 1.350 USD. Riêng trong ngày chủ nhật, United Airlines cam kết đền bù 1.000 USD cho hành khách bị hủy chuyến bay.

Hành khách hoảng sợ sau khi bị lôi khỏi chỗ ngồi.