Vì sao Đường Huyền Tông vừa phát động chính biến liền chém chết Thượng Quan Uyển Nhi ngay tại chỗ?

Nguyệt Phạm, Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn 09:16 07/05/2025
Chia sẻ

Có uẩn khúc gì phía sau việc Đường Huyền Tông đối xử với Thượng Quan Uyển Nhi không?

Thượng Quan Uyển Nhi là một tài nữ nổi tiếng thời Đường, từng được cả Võ Tắc Thiên và Đường Trung Tông trọng dụng.

Thượng Quan Uyển Nhi - Nổi danh văn chương từ tuổi thiếu niên

Ai cũng biết, Trung Quốc thời cổ đại có tứ đại mỹ nhân với sắc đẹp "chim sa cá lặn, nguyệt thẹn hoa nhường". Nhưng ít ai biết đến tứ đại tài nữ, những người phụ nữ tài hoa, nổi tiếng khắp thiên hạ, tài năng vượt trội chẳng kém gì nam nhi. Nhìn lại gia tộc họ Thượng Quan, bốn đời đều là trọng thần trong triều. Đến đời ông nội của Thượng Quan Uyển Nhi là Thượng Quan Nghi, ông giữ chức Tể tướng, phụ tá và can gián Hoàng đế. Lúc bấy giờ, địa vị của gia tộc họ Thượng Quan trong giới quý tộc nhà Đường có thể nói là chỉ dưới một người (Hoàng đế Cao Tông) mà trên vạn người.

Vì sao Đường Huyền Tông vừa phát động chính biến liền chém chết Thượng Quan Uyển Nhi ngay tại chỗ?- Ảnh 1.

Ông nội của Thượng Quan Uyển Nhi là Thượng Quan Nghi, ông giữ chức Tể tướng, phụ tá và can gián Hoàng đế. (Ảnh: Sohu)

Từ thiên kim tiểu thư đến thân phận nô tì

Do vấn đề sức khỏe, Đường Cao Tông thường giao việc triều chính cho Hoàng hậu Võ Tắc Thiên xử lý. Ông ngày càng bất mãn với sự chuyên quyền độc đoán của bà, nên đã bí mật triệu Thượng Quan Nghi đến bàn bạc việc phế hậu. Sự việc sau đó bại lộ, Cao Tông sợ Võ hậu oán giận nên đổ hết mọi tội lỗi lên đầu Thượng Quan Nghi. Bản thân chiếu thư phế hậu lại do Thượng Quan Nghi tự tay soạn thảo theo chỉ thị của Cao Tông, nên ông càng khó biện minh. Mâu thuẫn giữa Thượng Quan Nghi và Võ Tắc Thiên chính thức hình thành.

Vì sao Đường Huyền Tông vừa phát động chính biến liền chém chết Thượng Quan Uyển Nhi ngay tại chỗ?- Ảnh 2.

Đường Cao Tông bí mật triệu Thượng Quan Nghi đến bàn bạc việc phế Võ Tắc Thiên. (Ảnh: Sohu)

Không lâu sau, Thượng Quan Nghi bị Võ Tắc Thiên, lúc này đã nắm quyền lực tối cao, gán tội mưu phản. Thượng Quan Nghi cùng con trai bị xử tử, gia sản bị tịch thu. Kẻ làm tôi dưới trướng Hoàng đế dù có cẩn trọng đến đâu cũng khó tránh khỏi họa "quân muốn thần chết, thần không thể không chết". Gia tộc họ Thượng Quan từng một thời huy hoàng cũng vì bị cuốn vào mâu thuẫn giữa đế hậu mà oan uổng suy tàn.

Sau khi gia tộc suy bại, Thượng Quan Uyển Nhi và mẹ là Trịnh thị do không liên quan nên may mắn sống sót.

Từ một tiểu thư khuê các, Thượng Quan Uyển Nhi bỗng chốc rơi xuống vực sâu, cùng mẹ bị đày vào Dịch Đình làm nô tì. Thân phận lúc bấy giờ khác xa với lúc mới sinh ra. Thượng Quan Uyển Nhi từ khi còn nằm nôi đã phải sống trong cảnh nô lệ cho đến khi trưởng thành.

Được Võ Tắc Thiên trọng dụng, trở thành nữ quan quyền lực

Mẹ của Thượng Quan Uyển Nhi, bà Trịnh thị, là một người phụ nữ kiên cường và thông minh. Dù hai mẹ con lâm vào cảnh tù tội, bà vẫn ngày ngày kiên trì dạy dỗ con gái. Thượng Quan Uyển Nhi thông minh hơn người, không phụ lòng mong đợi của mẹ, dần dần trở thành một người học rộng tài cao, hiểu lễ nghĩa, thông minh trí tuệ. Từng cử chỉ, hành động của Thượng Quan Uyển Nhi đều toát lên phong thái tao nhã, đoan trang của một tiểu thư khuê các.

Vì sao Đường Huyền Tông vừa phát động chính biến liền chém chết Thượng Quan Uyển Nhi ngay tại chỗ?- Ảnh 3.

Võ Tắc Thiên lên ngôi Hoàng đế, Thượng Quan Uyển Nhi nhờ năng lực xuất chúng đã trở thành tâm phúc đắc lực của Nữ hoàng đế. (Ảnh: Sohu)

Năm 14 tuổi, Thượng Quan Uyển Nhi được Võ Tắc Thiên triệu kiến. Đối mặt với các câu hỏi, nàng trả lời lưu loát, không hề e dè. Võ Tắc Thiên rất hài lòng, lập tức miễn cho thân phận nô tì và giao cho phụ trách soạn thảo chiếu thư. Về sau, Võ Tắc Thiên lên ngôi Hoàng đế, Thượng Quan Uyển Nhi nhờ năng lực xuất chúng đã trở thành tâm phúc đắc lực của Nữ hoàng đế. Dần dần, Võ Tắc Thiên ngày càng tin tưởng và giao cho Thượng Quan Uyển Nhi nhiều quyền lực hơn, thậm chí cho phép xử lý tấu chương của trăm quan và tham gia quyết định chính sự.

Quyền lực khuynh đảo triều chính và cái kết bi thảm

Khi Võ Tắc Thiên tuổi cao sức yếu, Thượng Quan Uyển Nhi nắm giữ quyền sinh sát trong nhiều việc quân sự quốc gia, địa vị chỉ dưới một người mà trên vạn người. Bà hoạt động tích cực trên chính trường, được người đời gọi là "nữ tể tướng".

Sau 15 năm trị vì, Võ Tắc Thiên bị buộc thoái vị trong cuộc chính biến Thần Long, để ủng hộ hoàng tộc Lý Đường. Đường Trung Tông Lý Hiển khôi phục ngôi vị, trở thành Hoàng đế thứ tư của nhà Đường.

Sự thất bại của Võ Tắc Thiên không làm suy giảm quyền lực của Thượng Quan Uyển Nhi. Ngược lại, bà vẫn tiếp tục được Trung Tông tin tưởng, không chỉ được phong làm Chiêu dung mà còn tiếp tục phụ trách soạn thảo chiếu thư. Từ một tiểu thư khuê các sa cơ lỡ vận, Thượng Quan Uyển Nhi đã trở thành nữ quan cao cấp được hai đời Hoàng đế sủng ái nhờ trí tuệ và tài năng ứng xử khéo léo.

Vì sao Đường Huyền Tông vừa phát động chính biến liền chém chết Thượng Quan Uyển Nhi ngay tại chỗ?- Ảnh 4.

Sự thất bại của Võ Tắc Thiên không làm suy giảm quyền lực của Thượng Quan Uyển Nhi. (Ảnh: Sohu)

Thượng Quan Uyển Nhi quyền khuynh triều dã, dù được phong làm Chiêu dung nhưng vẫn không thỏa mãn với những gì mình có. Bà luôn tìm cách củng cố quyền lực, thường xuyên qua lại với Hoàng hậu Vi thị, công chúa An Lạc và nhiều lần xúi giục Vi hậu noi gương Võ Tắc Thiên.

Sau đó, bà cấu kết với Võ Tam Tư, lập mưu loại bỏ những người bất đồng chính kiến trong triều đình và đất nước, đưa gia tộc họ Võ lên nắm quyền, đồng thời bài xích hoàng tộc nhà Đường. Thượng Quan Uyển Nhi lúc này hô phong hoán vũ, thủ đoạn không khác gì Võ Tắc Thiên, càng ngày càng kiêu ngạo.

Vì sao Đường Huyền Tông vừa phát động chính biến liền chém chết Thượng Quan Uyển Nhi ngay tại chỗ?- Ảnh 5.

Thượng Quan Uyển Nhi quyền khuynh triều dã, dù được phong làm Chiêu dung nhưng vẫn không thỏa mãn với những gì mình có. (Ảnh: Sohu)

Sau khi Đường Trung Tông đột ngột qua đời, quyền lực rơi vào tay Vi hậu. Vi hậu sắp sửa trở thành Võ Tắc Thiên thứ hai, nhà Đường lại sắp rơi vào tay ngoại tộc. Lâm Tri vương Lý Long Cơ (Đường Huyền Tông hoặc Đường Minh Hoàng), người đã ẩn nhẫn bấy lâu, quyết định phát động chính biến.

Đường Huyền Tông lấy danh nghĩa con cháu nhà Đường phát động chính biến Đường Long, dẫn quân vào cung giết chết Vi hậu cùng phe cánh, những kẻ có ý định noi gương Võ Tắc Thiên nắm quyền. Khi quân lính tiến vào cung, Thượng Quan Uyển Nhi dẫn cung nhân ra nghênh đón nhưng bị Lý Long Cơ xử trảm ngay tại chỗ. Hành động này nhằm ngăn chặn sự xuất hiện của một Võ Tắc Thiên hay Vi hậu thứ hai, những người có thể đe dọa sự thống trị của nhà Đường.

Vì sao Đường Huyền Tông vừa phát động chính biến liền chém chết Thượng Quan Uyển Nhi ngay tại chỗ?- Ảnh 6.

Khi quân lính tiến vào cung, Thượng Quan Uyển Nhi dẫn cung nhân ra nghênh đón nhưng bị Lý Long Cơ xử trảm ngay tại chỗ. (Ảnh: Sohu)

Từ Võ Tắc Thiên, vị Nữ hoàng chuyên quyền, đến Vi hậu và Thượng Quan Uyển Nhi, những người phụ nữ có tài năng và mưu lược thời Đường thịnh trị đã khiến những người đàn ông nhà Đường như Lý Long Cơ phải dè chừng. Để giữ vững giang sơn nhà Đường, không để rơi vào tay người khác, Đường Huyền Tông quyết định tiêu diệt mọi mối đe dọa tiềm tàng, trong đó có Thượng Quan Uyển Nhi, người phụ nữ từng trải qua hai đời vua và am hiểu chính sự.

Có thể nói, Thượng Quan Uyển Nhi sống nhờ tài năng và mưu lược, nhưng cũng chết vì chính tài năng và mưu lược đó. Thuở nhỏ, bà là một tiểu thư khuê các sa cơ lỡ vận, nhờ tài năng mà được Võ Tắc Thiên trọng dụng, thoát khỏi số phận nô lệ. Nhưng từ một trợ thủ đắc lực của Nữ hoàng, bà trở thành nữ quan quyền khuynh thiên hạ, khiến Lý Long Cơ lo sợ, và đó chính là nguyên nhân dẫn đến cái chết của bà. Trên thực tế, hành động này của Đường Huyền Tông chính là để diệt trừ hậu họa.

 (Theo Sohu, Sina, 163)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày