Vì sao dự báo sai bão số 16 (Tembin)?

LÊ PHONG, Theo Người lao động 20:19 27/12/2017
Chia sẻ

Theo chuyên gia khí tượng Lê Thị Xuân Lan, bão số 16 (Tembin) rất phức tạp, dẫn đến thông tin sai về đường đi, cấp độ của nó.

* Phóng viên: Đối chiếu lại đường đi của bão số 16 (Tembin) và công tác dự báo cho thấy không khớp nhau. Vì sao như vậy?

- Th.s Lê Thị Xuân Lan - chuyên gia khí tượng: Không phải Việt Nam dự báo sai mà cả Mỹ, Nhật Bản và nhiều trung tâm dự báo lớn trên thế giới cũng đã dự báo không chính xác.

Khi bão Tembin chuẩn bị vào biển Đông, tất cả các trung tâm đều cho rằng nó sẽ đi vào Nam Trung Bộ. Bản thân tôi cũng đưa ra nhận định là bão sẽ đi thẳng vào tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và ảnh hưởng đến huyện Cần Giờ, TP HCM.

Vì sao dự báo sai bão số 16 (Tembin)? - Ảnh 1.

Đường đi của bão số 16

Tuy nhiên, khi tiến sâu vào Trường Sa và Côn Đảo thì bão Tembin chịu tác động của nhiều yếu tố, từ đó dẫn đến cấu trúc của bão thay đổi, suy yếu đi.

Khi thấy Tembin giảm cấp độ, rất nhiều chuyên gia khí tượng ở Việt Nam lẫn thế giới bày tỏ sự bất ngờ vì khó xảy ra hiện tượng lạ này. Vì vậy, việc dự báo sai lần này cần thông cảm.

* Vậy trong lịch sử, có cơn bão nào như bão số 16 không?

- Cực kỳ nhiều, chẳng hạn cơn bão Hải Yến, bão Hải Nam. Đầu tiên, chúng đi vào miền Trung, sau đó đi ra miền Bắc, gây thiệt hại nghiêm trọng.

Điều cần phải nói là ở nước ta, hệ thống dự báo hiện chưa có siêu máy tính để phân tích dữ liệu thời tiết. Tuy nhiên, trình độ các dự báo viên của ta không thua kém gì các nước tiên tiến. Về chuyên môn, không nơi nào dám vỗ ngực ta đây có công nghệ tiên tiến mà phải tham khảo.

Vì sao dự báo sai bão số 16 (Tembin)? - Ảnh 2.

Người dân ĐBSCL tin cơn bão số 16 vào đất liền nên lo chằng chống nhà cửa

* Có ý kiến cho rằng việc dự báo lần này, chúng ta đã "nói thách" - nâng cấp độ bão để "trừ hao". Tuy nhiên, việc dự báo không chính xác cũng gây thiệt hại lớn về kinh tế - xã hội. Bà đồng tình quan điểm này không?

- Dự báo ở Việt Nam không phải nâng cấp độ mà trước khi phát bản tin cũng đã tham khảo thêm dự báo của các nước, cho thấy cường độ bão Tembin lúc đó rất mạnh.

Phải chấp nhận rằng trong công tác dự báo có xảy ra sai. Ví dụ điển hình: 100 lần động đất ở lòng biển thì chỉ 1 lần xảy ra sóng thần nhưng khi dự báo thì 100 lần đó phải đưa ra những thông tin cấp độ cảnh giác cao độ để bảo vệ con người.

* Hình ảnh người dân ĐBSCL chống bão cho thấy dường như họ chưa có kinh nghiệm ứng phó với thiên tai?

- Không thể nói vậy. Năm 1997, cơn bão Linda đã gây thiệt hại nghiệm trọng, lúc đó là một bài học lớn rồi. Chỉ có những người từ 20 tuổi trở xuống thì chưa biết thôi. Dân mình chủ quan thôi, ngay cả ở Côn Đảo, bão Tembin chưa tan đã có người muốn ra khơi đánh bắt cá.

Vì sao dự báo sai bão số 16 (Tembin)? - Ảnh 3.

Người dân ĐBSCL ứng phó với bão

* Với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, bà lo lắng điều gì nhất?

- Cơn bão số 15 vừa rồi trôi tuốt dưới vùng biển phía Nam, bão số 16 không vô đất liền mà tan trên biển. Từ đó, nếu có cơn bão tiếp theo vào ĐBCSL thì sợ rằng người dân sẽ lơ là. Cho nên, tôi hơi lo lắng về điều này.

Một thông tin người dân cần lưu ý: Hơn chục ngày nữa, một cơn bão khác sẽ hình thành. Cơn bão này sẽ vượt qua miền Trung Philippines và vào Biển Đông.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày