Thẩm phán Shane Cohen tại căn cứ Guantanamo đã ấn định ngày xét xử đối với chủ mưu Khalid Sheikh Mohammed cùng 4 nghi phạm khác.
Mohammed cùng các nghi phạm Walid bin Attash, Ramzi Bin al-Shibh, Ammar al-Baluchi và Mustafa Ahmed al-Hawsawi sẽ đối mặt án tử hình. Nhóm khủng bố này bị buộc tội khủng bố, cướp máy bay, giết người, âm mưu tấn công thường dân, cố ý gây thương tích nghiêm trọng và phá hủy tài sản. Nhóm này lên kế hoạch cướp 4 máy bay chở khách, 2 trong số này đã đâm vào tòa tháp đôi của Trung tâm thương mại Thế giới trong khi 1 chiếc khác rơi xuống Lầu Năm góc và chiếc thứ 4 rơi xuống cánh đồng ở Pennsylvania.
Chủ mưu vụ tấn công khủng bố Khalid Sheikh Mohammed. Ảnh: AP
Mohammed bị bắt vào tháng 3-2003 trong một ngôi nhà ở Rawalpindi - Pakistan cùng với al-Hawsawi và một số nghi phạm khác. Vào tháng 9-2006, Mỹ tiết lộ rằng Mohammed đã bị giam giữ tại một nhà tù bí mật của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) ở nước ngoài. Bộ Tư pháp Mỹ cho biết tên này đã bị trấn nước 183 lần và sau đó bị chuyển đến Guantanamo.
Luật sư của Mohammed, ông David Nevin, cho biết kháng cáo ban đầu có thể mất 5 năm với quá trình xét xử tại tòa phúc thẩm có thể mất thêm 3 hoặc 4 năm và để tòa án tối cao đưa ra phán quyết cuối cùng sẽ phải mất thêm 4 năm nữa. "Có khả năng thân chủ của tôi sẽ chết trong tù trước khi quá trình xét xử kết thúc. Tôi không biết số liệu thống kê về tuổi thọ trong nhà tù Mỹ khi tính đến trường hợp tra tấn nhưng tôi chắc rằng nó thấp hơn bình thường" – ông Nevin cho biết.
Nghi phạm đã bị trấn nước trước khi đưa ra lời khai. Ảnh: outsidethebeltway
Ông Terry McDermott, đồng tác giả của cuốn sách "The Hunt for KSM" (tạm dịch: Cuộc truy tìm Khalid Sheikh Mohammed), cho biết lý do chính khiến chủ mưu vụ khủng bố vẫn chưa bị đưa ra xét xử thời gian qua là vì phải chịu sự tra tấn ở nơi được gọi là "khu vực đen". Ông McDermott cho hay các luật sư biện hộ tranh luận lời nhận tội của nghi phạm là không có giá trị bởi chúng được đưa ra sau khi nghi phạm bị các thành viên CIA tra tấn.
Theo tác giả này, quá trình xét xử có thể kết thúc nhanh chóng hơn nếu nghi phạm không bị tra tấn trước đó và điều mà các bên tranh luận suốt 10 năm qua là liệu lời thú tội của nghi phạm có nên được chấp nhận tại tòa hay không. Lời nhận tội được đưa ra khi nghi phạm bị chuyển đến Guantanamo nên phía công tố cho rằng chúng được chấp nhận. Tuy nhiên, các luật sư của nghi phạm cho rằng lời nhận tội bị can thiệp do ảnh hưởng tác động tâm lý kéo dài từ việc bị trấn nước và các phương pháp thẩm vấn khắc nghiệt khác.
Hiện phía công tố và luật sư biện hộ vẫn tranh luận về vấn đề này và các phiên điều trần trước xét xử về việc có nên chấp nhận lời nhận tội của nghi phạm tại tòa hay không dự kiến diễn ra vào mùa thu năm nay.
(Theo NYP, CNN)