Vì sao chỉ 2 trong số 5 nhà đồng sáng lập Tesla trở nên giàu có?

Đỗ Hiền, Theo NDH 12:09 19/11/2021
Chia sẻ

Trong số 5 nhà đồng sáng lập của Tesla, ngoài Elon Musk, chỉ còn Straubel có khả năng đang sở hữu tài sản tỷ USD nhờ cổ phiếu hãng xe điện này. 3 nhà sáng lập còn lại đã bán đi phần lớn cổ phần trước khi Tesla đạt vốn hóa hơn 1.000 tỷ USD.

Một buổi chiều tháng 7/2006, công ty sản xuất ô tô điện mới nổi Tesla đã mời phóng viên tới tham dự lễ giới thiệu mẫu xe thể thao điện 2 chỗ mui trần chạy điện, với giá giới thiệu 100.000 USD. Tại thời điểm đó, rất ít chuyên gia trong ngành tin rằng đây sẽ là một sản phẩm thành công.

Giám đốc điều hành Martin Eberhard khi đó tự tin rằng sớm hay muộn, sự phát triển của công nghệ tại thung lũng Silicon sẽ dạy cho những gã khổng lồ trong ngành sản xuất ô tô của Detroit cách chế tạo những chiếc xe không khí thải. Ông cũng tin tưởng rằng bản mẫu chiếc xe đầu tiên của Tesla, một chiếc Lotus Elise đã được cải tạo với bộ pin gồm 7.000 viên pin lithium-ion, sẽ sớm được thay thế bằng những mẫu sedan gia đình với tầm giá thấp hơn. Tầm nhìn mà Martin Eberhard đưa ra cách đây 15 năm nay đã trở thành hiện thực, chỉ có điều bản thân ông từ lâu đã không còn là CEO của Tesla nữa.

Ngay trong tháng này, Tesla đã trở thành nhà sản xuất ô tô đầu tiên đạt mức định giá đáng kinh ngạc 1.000 tỷ USD, nhưng vị CEO đã giới thiệu Tesla với báo giới cách đây 15 năm đã không còn song hành cùng công ty. Hiện tại, Elon Musk - nhà đầu tư sớm nhất của Tesla, đang giữ chức CEO của hãng xe điện. Elon Musk cũng có mặt tại buổi ra mắt của Tesla vào năm 2006, nhưng vai trò của ông khi đó khá mờ nhạt. Ông chỉ xuất hiện với bài trình bày về sự cần thiết phải chuyển đổi từ ô tô xăng sang ô tô điện càng sớm càng tốt.

Năm 2003, chính Martin Eberhard và Marc Tarpenning đã cùng nhau thành lập Tesla - công ty được đặt tên theo nhà khoa học, nhà phát minh nổi tiếng Nikola Tesla. Cả hai là những cổ đông ban đầu của công ty, đồng thời là những người đầu tiên tuyên bố quyền sở hữu thương hiệu của một trong những doanh nghiệp công nghệ “khuynh đảo” Detroit sau này. Tuy nhiên, không ai trong số họ giữ lại đủ cổ phiếu Tesla để có thể trở thành tỷ phú và khối tài sản họ đang có hiện tại thấp hơn rất nhiều so với tổng giá trị tài sản 280 tỷ USD của tỷ phú Elon Musk theo Forbes tính tới thời điểm ngày 10/11.

Vì sao chỉ 2 trong số 5 nhà đồng sáng lập Tesla trở nên giàu có? - Ảnh 1.

Martin Eberhard (trái) và Elon Musk (Ảnh: Getty Images)

Thực tế, chính số vốn mà tỷ phú Elon Musk đổ vào Tesla đã góp phần biến tầm nhìn của Eberhard và Tarpenning trở thành hiện thực. Bản thân Elon Musk đã nắm trong tay toàn quyền kiểm soát Tesla thông qua việc đều đặn nâng cao số cổ phần của mình trong loạt 9 vòng gọi vốn trước khi Tesla chính thức IPO vào năm 2010. Thậm chí tới bây giờ, cổ phần của Elon Musk vẫn tiếp tục tăng lên khi vị tỷ phú này nhận được cổ phiếu thưởng hàng quý - trị giá hàng tỷ USD - thay cho tiền lương.

Trong một cuộc phỏng vấn, Eberhard nói rằng ông vẫn giữ một cổ phần “tương đối nhỏ” của Tesla, song từ chối cho biết con số cụ thể. “Tôi đã bán một lượng lớn cổ phiếu của mình cách đây khá lâu,” cựu CEO Tesla Eberhard cho biết. “Đôi lúc mọi người có ý tưởng rằng tôi là một triệu phú khi thành lập Tesla, nhưng thực tế không phải như vậy.”

Ông cũng chia sẻ, nếu bản thân ông trở nên giàu có hơn nhờ việc bán sách điện tử Rocket - một sản phẩm mà ông và Marc Tarpenning cùng nhau tạo ra vào cuối những năm 1990 - thì cả hai sẽ không cần phải tìm kiếm nguồn vốn ban đầu từ Musk.

Tỷ phú Elon Musk thường nói rằng mình không quan tâm đến sự giàu có và đã bán biệt thự ở Los Angeles vào năm ngoái để sống trong một ngôi nhà lắp ghép khiêm tốn trong khuôn viên SpaceX ở Boca Chica, Texas. Tuy nhiên, Elon Musk vẫn giàu lên nhanh chóng với tốc độ tích lũy tài sản đáng kể nhờ sớm sở hữu gần 20% cổ phần Tesla cũng như gói thù lao dài hạn bằng hình thức thưởng quyền chọn cổ phiếu được công ty công bố vào năm 2018. Theo đó, Elon Musk sẽ nhận được hàng tỷ USD cổ phiếu Tesla mỗi khi công ty đạt được mục tiêu hoạt động kinh doanh hàng quý.

Trong khi đó, Eberhard đã bán phần lớn cổ phần của mình sau khi bị đẩy khỏi Tesla vào năm 2007, trước khi mẫu xe đầu tiên của Tesla chính thức được tung ra thị trường. Năm 2009, Eberhard đã đệ đơn kiện Elon Musk, tuy nhiên vụ kiện này sau đó đã được dàn xếp với những điều khoản không được tiết lộ.

Khi bị đuổi khỏi Tesla, tôi thực sự không có một xu nào trong túi", Eberhard nói. Không những thế, ông không được phép xin việc ở các công ty khác trong khoảng một năm vì thỏa thuận hạn chế về sở hữu trí tuệ với Tesla. “Tôi đã không tham gia bất kỳ vòng gọi vốn đầu tư nào sau khi rời đi".

Eberhard không cung cấp thông tin chi tiết về số cổ phần Tesla mình đang nắm giữ, nhưng ông khẳng định mình không phải là tỷ phú. Nhà đồng sáng lập Tarpenning cũng cho biết mình vẫn sở hữu cổ phiếu Tesla, nhưng ông không có tên trong danh sách các cổ đông lớn nhất của công ty này.

Vì sao chỉ 2 trong số 5 nhà đồng sáng lập Tesla trở nên giàu có? - Ảnh 2.

Ian Wright là một trong 5 đồng sáng lập Tesla (Ảnh: AP)


Trong số 5 nhà đồng sáng lập chính thức, chỉ Straubel, người đã rời Tesla vào năm 2019, có khả năng trở thành tỷ phú nhờ số cổ phần Tesla mà ông đang nắm giữ. Giả sử Straubel vẫn giữ lại phần lớn số cổ phiếu của mình, vậy tới thời điểm này số cổ phiếu đó có thể có giá khoảng 1,3 tỷ USD. Kỹ sư Wright, người đã gia nhập Tesla chỉ vài tháng sau khi Eberhard và Tarpenning thành lập công ty, đã rời đi vào năm 2004 để thành lập một công ty sản xuất xe điện khác. Ông đã bán cổ phần của mình nhiều năm trước và nói với Forbes rằng hiện mình “không sở hữu cổ phiếu nào của Tesla” và cũng không thể tưởng tượng tới một ngày công ty có thể đạt mức định giá tới 1.000 tỷ USD

Không chỉ biến Elon Musk trở thành người giàu nhất thế giới, Tesla - với tư cách là công ty dẫn đầu trong cuộc cách mạng xe điện - đã giúp các các thành viên hội đồng quản trị và các nhà đầu tư như nhà đầu tư mạo hiểm Ira Ehrenpreis và Larry Ellison của Oracle hay em trai của Elon Musk nhanh chóng trở nên giàu có.

Trước khi đạt được sự ổn định cùng những thành công trong lĩnh vực xe điện hiện nay, Tesla từng trải qua giai đoạn hỗn loạn về mặt chiến lược hoạt động và quản lý.

Những ngày đầu tiên khi Tesla mới đi vào hoạt động vẫn được nhắc đến bởi mức độ quản lý cao cũng như sự hỗn loạn về mặt chiến lược. Chính điều đó đã dẫn tới việc một nhà sáng lập duy nhất nắm quyền kiểm soát. Dù những gã khổng lồ công nghệ khác với mức định giá nghìn tỷ USD như Microsoft và Alphabet đã giúp không ít nhà đồng sáng lập trở thành tỷ phú, nhưng tình huống như Elon Musk cũng phải là điều quá bất thường.

“Một tình huống tương tự cũng xảy ra ở Apple", David Hsu, giáo sư chuyên ngành quản lý tại Trường Wharton của Đại học Pennsylvania, cho biết. Vào thời điểm qua đời năm 2011, nhà đồng sáng lập Apple Steve Jobs sở hữu số cổ phiếu trị giá khoảng 2 tỷ USD, trong khi khối tài sản của nhà đồng sáng lập Steve Wozniak ước tính chỉ vào khoảng 100 triệu USD, còn Ronald Wayne - nhà đồng sáng lập thứ ba ít được biết đến của Apple - đã sớm bán đi số cổ phần của mình với giá 800 USD. Những gì tỷ phú Elon Musk có được lúc này chỉ đơn giản là thành quả mà vụ cá cược đầy rủi ro cách đây nhiều năm mang lại.

Đó không chỉ là quyền sở hữu cổ phần của những người đồng sáng lập. Chúng tôi cũng có thể chỉ ra nhiều trường hợp các nhà đầu tư - bao gồm cả các nhà đầu tư thiên thần hay nhà đầu tư mạo hiểm - đã bỏ lỡ cơ hội của mình", ông Hsu nói. “Vào thời điểm Musk đầu tư vào vòng Series A và trong một khoảng thời gian đáng kể sau đó, không ai có thể chắc chắn về khả năng Tesla sẽ thành công. Một số người có thể tranh luận rằng tâm lý đó phần nào vẫn còn đúng cho đến thời điểm hiện nay".

Liên quan tới thỏa thuận năm 2009, Eberhard từ chối chia sẻ quan điểm cá nhân của ông về tỷ phú Elon Musk. Ngược lại, bản thân tỷ phú Elon Musk lại tỏ ra thẳng thắn hơn nhiều. Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 1 năm ngoái, ông thậm chí mô tả Eberhard là “người tồi tệ nhất mà tôi từng làm việc theo đúng nghĩa đen".

Tuy nhiên, vị cựu giám đốc điều hành đầu tiên của Tesla - người sở hữu “chưa tới” 5% cổ phần khi rời công ty - cho biết ông vẫn rất hài lòng, dù không thu được nhiều lợi nhuận từ sự phát triển của Tesla.

Tôi thực sự vui mừng trước những thành công của công ty hiện nay,” ông Eberhard khẳng định.

Điều quan trọng là chúng ta phải ngừng việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và Tesla là động lực chính thúc đẩy điều đó. Đó cũng chính là mục tiêu chúng tôi đã đưa ra ngay từ những ngày mới thành lập. Dù ý kiến của tôi với Elon Musk có ra sao thì tôi vẫn rất vui khi thấy cuộc cách mạng ô tô điện - cuộc cách mạng mà chúng tôi đã khởi động – đang và chắc chắn sẽ thành công".

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày