Thời tiết nắng nóng như thế này, đi ra đường một chút là đã ướt đẫm mồ hôi. Nắng nóng ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ con người đã đành, nhưng nó cũng khiến cho các món đồ công nghệ mau xuống cấp hơn.
Nhiệt độ cao và các món đồ điện tử luôn không “thuộc về nhau", đó là lý do mà các máy tính để bàn, laptop và thậm chí smartphone,... luôn có hệ thống tản nhiệt để giải phóng nhiệt độ bên trong ra ngoài, làm mát linh kiện.
Cũng như con người, đồ điện tử không hề “thích” nhiệt độ cao chút nào. Ví dụ như pin, nhiệt độ quá cao trong thời gian dài sẽ đẩy nhanh quá trình phản ứng hoá chất bên trong khiến tuổi thọ sụt giảm, giảm dung lượng so với thông số tiêu chuẩn khiến pin nhanh “chai" hơn thông thường.
Không chỉ pin mà đến màn hình cũng bị ảnh hưởng, nếu nhiệt độ quá cao, lớp keo giúp giữ mọi thứ lại với nhau sẽ biến dạng dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Như các bạn đã biết, nhiệt độ cao khiến các vật giãn nở và với không gian chật hẹp như trong điện thoại hay laptop, điều này có thể khiến các linh kiện hư hỏng mãi mãi. Các vết nứt, đứt dây kết nối là hai trong những hậu quả thường thấy. Thậm chí nếu không có hư hỏng dễ thấy nào thì khi hoạt động trong môi trường nóng, thiết bị cũng không đạt được hiệu năng bình thuờng và không ổn định.
Các thiết bị điện tử ngày nay đa phần đều có cơ chế phòng ngừa khi nhiệt độ quá cao, thường thì lúc này điện thoại hoặc laptop sẽ tự tắt nguồn hoặc giảm hiệu năng để giảm nhiệt độ. Do đó nếu thấy máy nóng và chậm bất thường thì lúc này bạn nên dừng sử dụng để cho nhiệt độ giảm bớt. Dù sao thì xài một máy vừa nóng vừa chậm cũng không thoải mái gì.
Nếu bạn thấy khó chịu vì nhiệt độ nóng thì chiếc laptop hay smartphone của bạn cũng vậy. Tuy nhiên tuỳ vào sản phẩm mà chúng có mức chịu nhiệt độ khác nhau, ví dụ như chiếc MacBook Pro mới theo Apple thì có nhiệt độ hoạt động lý tưởng là từ 10 đến 35°C và từ-25 đến 45°C trong điều kiện cất giữ. Với iPhone X con số này là từ 0 đến 35°C khi hoạt động và -20 đến 45°C khi cất giữ.
Tương tự như vậy, Google và Samsung cũng công bố ngưỡng nhiệt độ lý tưởng khi máy hoạt động là dưới 45°C (Google Pixel 2) và 0 đến 35°C (Samsung).
Nói cách khác, để điện thoại hay đồ điện tử gần nguồn phát nhiệt, không gian kín, hoặc trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời sẽ khiến chúng vượt mức nhiệt độ an toàn rất nhanh, nhất là ở vùng có khí hậu nóng như Việt Nam.
Cách đơn giản nhất là tránh để thiết bị gần cửa sổ nếu có ánh nắng mặt trời trực tiếp chiếu vào, cũng như để máy ở nơi thông thoáng, tránh xa các nguồn nhiệt như đèn, lò vi sóng,... nhất là những ai hay vừa cầm smartphone, tablet vừa coi công thức và thực hành nấu ăn thì càng phải để ý.
Nếu cần ra ngoài, bạn nên giữ điện thoại hay laptop ở nơi mát mẻ như trong xe hoặc túi xách. Nếu bạn ở ngoài trời và sử dụng smartphone rồi thấy nó nóng quá mức và chậm bất thường thì đây chính là lúc nên tạm dừng quay phim hay chơi game để máy nghỉ ngơi một chút “tránh nóng" rồi đấy.
Đối với laptop, bạn có thể giải quyết vấn đề nhiệt độ bằng một số đế tản nhiện bán rất nhiều trên thị trường, hãy chú ý chọn các sản phẩm đến từ thương hiệu có tiếng để tránh tiền mất tật mang.
Ngoài ra, khi nóng quá thì chúng ta cũng hay mở cửa tủ lạnh để hưởng một chút làn gió cực mát bên trong, nhưng đừng thấy vậy rồi bỏ luôn smartphone hay laptop vào đó cho mát nhé. Để thiết bị điện tử quá lạnh cũng không tốt, như đã nói ở trên các thiết bị chỉ hoạt động ở một ngưỡng lạnh nhất định, đồng thời không khí ẩm trong môi trường lạnh cũng sẽ ảnh hưởng đến linh kiện bên trong máy.
Hy vọng chiếc điện thoại và laptop sẽ cùng bạn “sống sót” qua nhiều mùa nóng nực nữa.
Tham khảo: Gizmodo