Trong những năm trở lại đây, nhiều người có xu hướng lên lên núi để sống ẩn dật, trốn tránh thực tại. Trong số họ, có người gặp thất bại trong công việc, có người gặp biến cố trong gia đình, đủ loại bất hạnh khiến những người này muốn từ bỏ cuộc sống cũ.
Một trong những điểm đến được nhiều người Trung Quốc lựa chọn để “đi trốn” là núi Trung Nam, nằm ở phía nam Tây An, tỉnh Thiểm Tây. Có rất nhiều nhân vật nổi tiếng trên mạng đã lên núi thăm các ẩn sĩ ở đây, quay video và phát tán trên mạng nên càng khơi dậy sự tò mò của nhiều bạn trẻ.
Từ đó, “trú ngụ trên núi” dần trở thành “nghề kinh doanh”, có người mở các lớp học tiếng Hán, lớp dạy sinh tồn với giá cao, mong thu hút được những bạn trẻ chưa biết đi đâu học trước rồi sống ẩn dật sao. Vào những ngày cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ, cũng có lượng lớn du khách tìm lên núi để rời xa cuộc sống thành phố trong vài ngày ngắn ngủi.
Cuộc sống hàng ngày của một ẩn sĩ. Ảnh: Toutiao
Trần Húc, người sống trên núi Trung Nam hơn 5 năm, nhận thấy rằng trong 2 năm qua, ngày càng nhiều thanh niên tìm kiếm từ khóa "Nơi ẩn dật ở núi Trung Nam" trên Internet, họ cũng bắt đầu viết thư riêng cho anh, hỏi một số câu hỏi về nơi ẩn cư như: "Sinh hoạt trên núi cần chuẩn bị gì? Làm sao để đi núi Trung Nam? Làm sao thuê phòng ở?".
Giống như nhiều người sống ở núi Trung Nam, anh chàng bỗng nhiên trở thành "đại lý nhà đất" tại đây. Những người chuẩn bị dọn đến và muốn "an cư lạc nghiệp" ở đây thường quan tâm nhất là vấn đề nhà cửa. Chính vì nhu cầu nhà ở gia tăng, những năm gần đây, giá nhà đất ở vùng núi này ngày càng cao. 5 năm trước, chỉ tốn vài trăm đến vài nghìn NDT để thuê một ngôi nhà có sân trong 4 hoặc 5 năm nhưng trong sau đó giá thuê nhà đã tăng gấp 10 lần. Nhiều người sống ở núi Trung Nam trước đó thậm chí còn phải chọn cách xuống núi vì không đủ tiền thuê nhà.
Trần Húc nhận thấy ngày càng có nhiều người trẻ lên núi và hàng xóm của anh cũng không ngừng thay đổi. Những người này đều có những đặc điểm giống nhau: còn khá trẻ, không thích giao du đông người và cũng không ở lâu.
Anh chàng thường trò chuyện với bạn bè về những gì đang xảy ra ở đây, anh nhận thấy 90% những người đến sống ở núi Trung Nam không thể ở đây được tới nửa năm, với nhiều nguyên nhân khác nhau.
Ở gần nơi Trần Húc sống có một nhóm người, anh đã tiếp xúc với họ vài lần, thấy họ cũng không có quá nhiều việc để làm, cả ngày chỉ ăn lẩu vui chơi trong sân, lúc nào cũng rất náo nhiệt. Nhưng sự náo nhiệt không kéo dài được một tháng.
Ngoài ra còn có một số 9X khác thuê những ngôi nhà khá cũ, một số khác thì sống luôn trong các hang động. Ban ngày, họ sẽ xuống chân núi để xin wifi của nhà trọ, tải tiểu thuyết và phim đủ để xem trong một tuần, sau đó quay trở lại lên núi.
Có một bà mẹ đơn thân vừa ly hôn, có lẽ vì quá thất vọng với cuộc sống, cô ấy đã đi tàu hỏa hàng nghìn dặm từ Quảng Tây đến núi Trung Nam cùng với cậu con trai 5 tuổi của mình. Cuộc sống trên núi khiến cô phải tự dạy dỗ con. Ban đầu, cô muốn cho con trai mình học trồng rau, quan sát côn trùng, hòa mình vào thiên nhiên. Bản thân cô ấy cũng giảm mức chi tiêu, sống một cuộc sống đơn giản, yên bình. Nhưng cuộc sống tưởng chừng tốt đẹp này chỉ kéo dài vài tháng. Sau đó, cô ấy vẫn rời khỏi núi Trung Nam.
Ảnh minh họa
Cũng có những người gặp thất bại trong kinh doanh, bị lừa, bệnh tật,... nghe nói núi Trung Nam là một nơi yên tĩnh, họ lên núi sống vì nghĩ rằng có thể “ngộ” ra điều gì đó khác biệt. Nhưng thực tế sống ở đây cũng chẳng đủ để họ “đắc đạo”, chẳng ngộ ra được điều gì cả, hoạt động hàng ngày chỉ có ăn và ngủ. Dần dần, họ cảm thấy nhàm chán và cũng rời đi.
Lâm Kiệt cũng là một người trẻ chọn trốn khỏi thành phố sau những vấp ngã trong công việc và tình cảm. Mặc dù dần tìm thấy một cuộc sống yên bình trên núi Trung Nam, nhưng cô phát hiện bản thân ngày càng bồn chồn hơn.
Cuộc sống cũ vốn dĩ phải làm thêm giờ đến sáng sớm nay đột ngột kết thúc, cô hoàn toàn không thích ứng được. Hàng ngày phải lo đi lấy nước, nấu ăn, buồn phiền về chuyện không biết phải giao tiếp với hàng xóm ra sao, thỉnh thoảng còn lo lắng về chuột, rắn và côn trùng trong sân. Phòng không có hệ thống sưởi nên cô phải quấn mình trong bộ quần áo dày cộp ngủ cả đêm. Hóa ra tưởng tượng về một cuộc sống bình dị, gần gũi với thiên nhiên lại chẳng lãng mạn chút nào.
“Khi bạn buông bỏ những nhiệm vụ công việc vốn đã là thói quen hàng ngày, bạn phải đối mặt với vô vàn những điều vụn vặt khác của cuộc sống. Nếu bạn dừng lại, bạn có thể sẽ không có thức ăn và nước uống ngày hôm đó”, Lâm Kiệt tâm sự. Và rồi chỉ sau 3 tháng, Lâm Kiệt cũng chọn xuống núi.
Ảnh minh họa
Nhiều người tin rằng lên núi có thể tìm kiếm được sự thảnh thơi, an nhàn và thoát khỏi những áp lực trong cuộc sống. Nhưng khi trải nghiệm rồi mới nhận thấy, những thứ tưởng chừng đơn giản tại thành phố như gọi người sửa chữa đồ đạc, Internet, phương tiện giải trí,... sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều khi trên núi.
Con người cũng sẽ phải đối diện với nhiều thử thách mới từ môi trường sống lạc hậu hơn, ít tiện nghi hơn nhưng ít ai có sự chuẩn bị trước. Nhiều người trẻ thậm chí còn mất dần mục đích sống và mục tiêu phấn đấu, dẫn đến việc họ chỉ “tận hưởng” vỏn vẹn vài tháng rồi lại trở về thành phố để kiếm tiền
Theo Toutiao