Mới nhất, nữ VĐV nhảy xa Daria Klishina tiết lộ với báo chí rằng cô từng bị gạ tình qua tin nhắn để hẹn hò với mức giá 200.000 USD/tháng (gần 5 tỷ đồng). Sự việc một lần nữa làm dấy lên câu chuyện về nạn quấy rối tình dục và thiếu tôn trọng các nữ VĐV trên khắp thế giới. Trước đó, đồng hương của Klishina là VĐV bơi lội Angelika Timamina cũng bị gạ "bán thân" để nhận một số tiền lớn.
Sự lên tiếng của các nữ VĐV trên khắp thế giới luôn được ghi nhận, góp phần vào công cuộc đấu tranh chống nạn quấy rối tình dục. Thế nhưng, điều ấy ở Việt Nam chưa nhiều. Một trong những sự việc gây rúng động nền thể thao Việt Nam xảy ra với "nữ hoàng điền kinh" Trương Thanh Hằng vào năm 2013.
Trương Thanh Hằng là nữ VĐV điền kinh nổi tiếng. Cô từng giành 7 HCV SEA Games, 2 HCV tại Giải điền kinh châu Á. Ảnh: TN.
Thanh Hằng khi ấy là nhà vô địch Đông Nam Á và châu Á ở những cự ly chạy trung bình như 800 và 1500m. Cô lên tiếng tố cáo bị một HLV hai lần quấy rối tình dục tại Trung tâm huấn luyện thể thao Đà Nẵng. Sau khi điều tra, HLV này phải trực tiếp xin lỗi Trương Thanh Hằng, bị cơ quan chủ quản cảnh cáo và cách chức nhưng tiếng xấu khó có thể gột rửa tức thì.
Trong câu chuyện này, sự dũng cảm của Trương Thanh Hằng là điều được chú ý nhiều nhất. Thế nhưng, cũng chính vì sự dũng cảm ấy, Trương Thanh Hằng nhận nhiều bình phẩm không hay của dư luận.
Cô gái sinh năm 1986 kể cô nhận nhiều câu hỏi "tại sao lại làm như thế?", "có nhất thiết phải làm rùm beng lên không?". Thậm chí, lời biện minh của HLV quấy rối càng khiến cô bức xúc. Nữ VĐV này kể: "HLV còn lật ngược lại tôi là sao lại đi kể những chuyện này cho Trường đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng, nơi tôi đang theo học, và Trung tâm huấn luyện thể thao Đà Nẵng. HLV còn nói, em chưa có chồng nên không sao chứ tôi còn có vợ mà việc này lộ ra thì ảnh hưởng đến gia đình. Thật bức xúc không chịu nổi".
Quấy rối tình dục các nữ VĐV là vấn nạn của thể thao thế giới. Đồ họa: Đỗ Linh.
Trong môi trường Á Đông, những nạn nhân như Trương Thanh Hằng thậm chí còn nhận nhiều áp lực hơn thủ phạm. Những luân thường đạo lý lỗi thời được nêu ra khiến không phải VĐV nào cũng đủ dũng cảm như Thanh Hằng.
Năm 2007, một ông thầy có "nhóm máu D" ở môn vật bị VĐV tố quấy rối tình dục kéo theo một loạt cáo buộc khác liên quan đến ăn chặn tiền công, tiền ăn hay vi phạm quy chế, đánh đập học trò. Đây là sự việc hiếm hoi HLV bị phạt 15 tháng tù treo kèm một khoản tiền phạt. Đây là sự việc hiếm hoi có mức án đảm bảo mức răn đe.
Thế nhưng, nhiều sự việc chìm xuống vì sự thoả hiệp, nạn nhân bị đe hoạ hoặc không được điều tra đúng mức. Năm 2003, một HLV môn Pencak Silat bị tố thường xuyên lợi dụng việc massage động chạm vùng nhạy cảm của các nữ VĐV. Chưa hết, một ông trưởng đoàn từng bị phát hiện hay trốn trong nhà vệ sinh nữ để nhìn trộm VĐV tắm. Một HLV còn đưa ra điều kiện khó coi dành cho các nữ VĐV nếu muốn có tên trong danh sách tập huấn ở nước ngoài.
Nữ VĐV nhảy xa Daria Klishina là cái tên gần nhất tiết lộ việc bị quấy rối tình dục. Ảnh: Getty.
Sự khác biệt giữa vụ việc của Trương Thanh Hằng và của nhiều VĐV khác được cho nằm ở vị thế "nữ hoàng điền kinh". Nhiều người không có được thành tích cao, có được danh tiếng như cô vì thế đã chọn sự im lặng hoặc bỏ qua. Bên cạnh đó, việc những án phạt được đưa ra đa phần không đủ sức răn đe khiến những ông thầy bám lấy các lỗ hổng mà lộng hành.
Câu chuyện này chỉ là một lát cắt trong vấn nạn quấy rối tình dục ở Việt Nam. Khi những đạo luật "phạt 200.000 đồng cho tội quấy rối, sàm sỡ" còn hiệu lực thì sự bức xúc sẽ còn kéo dài. Vậy nhưng, không vì thế mà ngừng đấu tranh, như cách Trương Thanh Hằng đã làm vào năm 2013. Bởi lẽ, còn sự đấu tranh là còn tin vào điều tốt đẹp hơn.