Vào hè, tình trạng chó dại cắn người gia tăng tại Đắk Lắk

Trung Hải, Theo Tiền Phong 08:31 18/04/2018
Chia sẻ

Từ đầu năm 2018 trở lại đây, trên địa bàn toàn tỉnh Đắk Lắk, số ca chó dại cắn người phải đến các cơ sở y tế tiêm phòng tăng vọt. Nạn nhân bị chó dại cắn đa số là trẻ em và dân vùng nông thôn, nơi nuôi nhiều chó để giữ nhà.

Vào hè, tình trạng chó dại cắn người gia tăng tại Đắk Lắk - Ảnh 1.

Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk tiêm phòng cho nạn nhân bị chó dại cắn.

Hiện đang vào đầu hè, thời tiết nắng nóng, bệnh dại trên súc vật càng lây lan rộng. Thống kê từ cơ quan chức năng của tỉnh Đắk Lắk: toàn tỉnh có khoảng 400.000 con chó, nhưng chỉ khoảng 10% được tiêm phòng. Năm 2017 toàn tỉnh có 5 ca tử vong, 3 tháng đầu năm 2018 đã có 2 ca tử vong, mỗi năm có khoảng 4000 ca bị chó dại cắn phải đến các cơ sở y tế tiêm phòng.

Theo khuyến cáo từ ngành y tế, bệnh dại hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi bệnh nhân nhiễm bệnh dại đã lên cơn thì sẽ tử vong, do đó việc sử dụng vắc xin đúng và kịp thời sau khi phơi nhiễm là biện pháp duy nhất điều trị dự phòng an toàn, đảm bảo tính mạng người bị chó dại cắn. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân không đi tiêm phòng, khi phát bệnh thì đã quá muộn để cứu.

Vào hè, tình trạng chó dại cắn người gia tăng tại Đắk Lắk - Ảnh 2.

Người bị chó dại cắn được bác sĩ tư vấn

Vào hè, tình trạng chó dại cắn người gia tăng tại Đắk Lắk - Ảnh 3.

Bác sĩ Phạm Văn Lào cho biết vắc xin phòng bệnh dại không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Ông Bùi Ngọc Sơn (70 tuổi) ở xã Ea Đơng, huyện Cư M’gar cho biết: “Tôi bị chó nhà cắn vào tay khi tôi đến cho ăn và xoa đầu chơi đùa với chó như mọi ngày. Hôm sau đứa cháu tôi 9 tuổi ôm chó chơi như mọi ngày cũng bị cắn. Tôi theo dõi thấy chiều hôm đó con chó bỏ ăn, có biểu hiện mệt mỏi nên hai ông cháu vội đi tiêm vắc xin và kháng huyết thanh, mũi đầu tiên cả hai ông cháu phải đóng hơn 1,7 triệu đồng và phải tiêm 4 lần, mỗi lần hơn 400 ngàn nữa cho cả hai ông cháu. Quá tốn kém đối với nông dân!”.

Ngày 17/4, trao đổi với Tiền Phong, bác sĩ Phạm Văn Lào - Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk cho biết: Hiện sở Y tế Đắk Lắk đã trình UBND tỉnh xem xét kế hoạch triển khai công tác phòng chống bệnh dại và tiêm vắc xin phòng dại trên địa bàn tỉnh năm 2018. Trong đó có phần đề nghị cấp kinh phí hỗ trợ điều trị miễn phí cho bệnh nhân nghèo. Những năm trước đây Trung tâm vẫn cố gắng tìm nguồn hỗ trợ điều trị khi có bệnh nhân nghèo không may bị chó dại cắn, vì nếu không miễn phí thì họ cũng không có tiền để nộp.

Bác sĩ Lào khuyến cáo: Khi bị chó dại cắn hoặc tiếp xúc với nước dãi của động vật nghi là bị dại, nạn nhân cần rửa ngay vết thương dưới vòi nước sạch bằng xà phòng trong 15 phút để diệt virus. Sau đó nhanh chóng đến cơ sở y tế để được tư vấn và xử lý tùy từng trường hợp. Thời gian tốt nhất để điều trị dự phòng bệnh dại là 24 -48 giờ sau khi bị cắn.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày