Vẫn xếp hàng đổ xăng sau công điện của Thủ tướng, do đâu?

NGỌC HIỂN - NHẬT XUÂN - BÔNG MAI, Theo Tuổi Trẻ 09:10 13/11/2022
Chia sẻ

Cứ nghĩ sau khi xăng dầu tăng giá tiếp tục cũng như có chỉ đạo của Thủ tướng, việc mua xăng nhanh trở lại bình thường nên nhiều người dân không khỏi bức xúc vì vẫn phải xếp hàng, thậm chí nhiều cây xăng vẫn đóng cửa hoặc bán có định mức.

Vẫn xếp hàng đổ xăng sau công điện của Thủ tướng, do đâu? - Ảnh 1.

Trạm xăng dầu số 99 trên đường Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh, TP.HCM) rào chắn phân luồng và bán theo định mức 50.000 đồng/lần - Ảnh: NHẬT XUÂN

Trước đó, Thủ tướng ra công điện "nóng" yêu cầu Bộ Công Thương khắc phục tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ ngay từ ngày 12-11.

Nhiều cây xăng vẫn không đủ hàng

Chiều tối 12-11, trời đổ mưa, nhiều người dân ở TP.HCM chưa thể về nhà sớm vì còn phải chờ tới lượt đổ xăng.

Sau khi hoàn tất công việc, chị Trần Bích Châu (31 tuổi) chạy từ quận 5 về tới nhà ở Phú Nhuận. Nghĩ rằng quãng đường cũng xa, ban đầu gặp vài cây xăng và thấy đông người nên chị đi tiếp. Tuy nhiên, "chạy một hồi thấy cây xăng nào cũng phải chờ, gần tới nhà rồi nên phải tấp vào đây thôi, hết lựa chọn rồi", chị Châu than thở.

Chiều thứ bảy trời mưa, lạnh, gần tối vẫn chưa được về nhà mà phải đứng chờ đổ xăng quá lâu, anh Nguyễn Minh Phong (ngụ quận Bình Thạnh) cho biết mình không còn đủ kiên nhẫn để nghe các lời giải thích.

"Nhiều bữa vừa đi tìm cây xăng vừa hồi hộp sợ bị hết xăng dọc đường. Người dân chỉ muốn sớm được đổ xăng bình thường như trước, đến bây giờ không cần nghe giải thích lý do dông dài nữa", anh Phong cho hay.

Theo khảo sát của phóng viên ngày 12-11 tại TP.HCM, nhiều hệ thống bán lẻ xăng dầu tư nhân vẫn treo biển "hết xăng", "tạm dừng sửa chữa" hoặc bán buôn cầm chừng trong khi những cây xăng còn hoạt động thì số lượng người xếp hàng chờ vẫn rất đông.

Trạm xăng dầu số 99 trên đường Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh) vừa bán với định mức 50.000 đồng/lần, vừa hạn chế lượng khách mua bằng cách dựng hàng rào thép phân luồng khách. Quản lý cây xăng cho biết nếu bán thả ga, không rào chắn thì khách đổ tới dồn dập, không chỉ hết hàng nhanh mà còn rất nhốn nháo.

"Bán theo định mức chỉ muốn cho hài hòa, ai đến cũng đều đổ được xăng, không ai phải dắt bộ đi về. Nếu bán "tẹt ga" thì cây xăng rất nhanh sẽ phải dừng hoạt động", vị này nói.

Cách đó 500m, trạm xăng dầu khác treo biển "hết xăng" trước ba trụ bơm. Nhân viên cho biết tình trạng này đã diễn ra cả tuần nay, khi nào có xăng sẽ bán lại nhưng khi nào thì nhân viên cũng chưa rõ.

Trong khi đó, cửa hàng xăng dầu Nguyễn Oanh trên đường Phan Văn Trị (Gò Vấp) dù mở cửa, cả ba trụ bơm đều sáng đèn nhưng khi có khách tạt vào mua xăng, nam nhân viên liền xua tay ra hiệu hết xăng và chỉ khách đi cây xăng khác.

Tương tự, cửa hàng bán lẻ xăng dầu Hoàng Phong trên đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7) cũng rào chắn tứ phía, bốn trụ bơm tối đèn, tạm dừng bán hàng.

Cho cây xăng được mua từ 2 đầu mối?

Ông Lê Văn Báu cho rằng việc cây xăng chỉ được mua hàng từ một doanh nghiệp đầu mối dẫn đến khi hết hàng muốn mua thêm từ đầu mối cũng không cấp. Do đó, các hệ thống bán lẻ hoàn toàn phụ thuộc vào doanh nghiệp đầu mối hoặc thương nhân phân phối.

Ông Báu đề xuất sửa các nghị định hiện hành cho phép cây xăng được lấy từ hai đầu mối để thay thế khi một đầu mối ngưng cấp.

Tương tự, lãnh đạo Chi hội Xăng dầu (Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam) cũng cho rằng cần sửa đổi nghị định, cho cửa hàng xăng dầu được lấy từ nhiều nguồn, tức là từ nhiều thương nhân đầu mối.

"Chất lượng xăng dầu quản lý theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ, do thương nhân đầu mối đảm bảo giao đến cửa hàng. Do đó việc quản lý tại cửa hàng và chịu trách nhiệm trước khách hàng do cửa hàng xăng dầu chịu trách nhiệm", vị này nói.

Tăng phí vẫn lỗ?

Trao đổi với Tuổi Trẻ , ông Lê Văn Báu - giám đốc một hệ thống bán lẻ xăng dầu tại TP.HCM - cho biết các doanh nghiệp bán lẻ rất muốn bán thả ga, nhưng phía doanh nghiệp đầu mối chỉ cấp theo hạn mức nên doanh nghiệp phải bán cầm chừng.

Ông Báu cho biết trước đây hệ thống này được cấp 100m3 mỗi tháng, nhưng hiện nay doanh nghiệp đã làm mọi cách, kể cả năn nỉ doanh nghiệp đầu mối để được nâng hạn mức lên nhưng vẫn không đủ hàng.

"Các cây xăng khác đóng cửa, họ đổ dồn cây xăng chúng tôi nhiều nên dù bán cầm chừng định mức 50.000 đồng/lần vẫn rất nhanh hết xăng mà tới lúc hết thì phải chờ đầu mối cấp thêm", ông Báu nói.

Các doanh nghiệp đầu mối cho biết việc điều chỉnh các chi phí, phụ phí nhập khẩu vừa qua là tín hiệu tốt, song vẫn không thể bù đắp các khoản lỗ nên doanh nghiệp vẫn chưa thể tăng nhập khẩu.

Ngân hàng dọa cắt hạn mức tín dụng vì doanh nghiệp thua lỗ

Một doanh nghiệp xăng dầu cho hay một ngân hàng lớn vừa mời lãnh đạo công ty đến họp và thông tin các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đều báo lỗ vài chục đến hàng trăm tỉ đồng, cứ nhập về là lỗ.

Do đó, phía ngân hàng cũng rất khó để cấp hạn mức tín dụng, cho vay nhập hàng bởi biết chắc sẽ lỗ và ai sẽ bù vào khoản lỗ này.

Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối phía Nam cho biết do nhập hàng về lỗ nên hiện chỉ cung ứng hàng cho các cây xăng thuộc hệ thống của mình và tạm ngưng cấp hàng cho các hệ thống khác.

"Chúng tôi bán ra là lỗ nên không làm khác được. Thậm chí chúng tôi có nhập khẩu về huề vốn, bán ra với chi phí lợi nhuận bằng 0 đi nữa thì phía thương nhân phân phối và đại lý bán lẻ cũng phải chịu ít nhất là khoản chi phí vận chuyển hàng đến cây xăng, lúc đó các hệ thống phân phối này cũng lỗ", vị lãnh đạo này nói.

Liên quan đến mức chi phí, phụ phí nhập khẩu đã được điều chỉnh tăng thêm 560 đồng/lít lên 1.280 đồng/lít áp dụng từ ngày 11-11, doanh nghiệp đầu mối này cho hay "chưa dứt lỗ".

Vị này nhẩm tính mức tăng chi phí nhập khẩu ngày 11-11 vừa qua là khoảng 3,6 USD/thùng, lên mức 8,1 - 8,2 USD/thùng, trong khi chi phí nhập khẩu thực tế đã 9 - 10 USD/thùng. Như vậy, doanh nghiệp vẫn lỗ 1 - 2 USD/thùng riêng chi phí, phụ phí nhập khẩu.

"Hiện nay do chiến tranh, bất ổn nên chi phí nhập khẩu, phụ phí không theo mức bình thường, dẫn đến dù Nhà nước đã điều chỉnh chi phí lên nhưng vẫn không đủ với thực tế của doanh nghiệp, chúng tôi chỉ cần không lỗ là sẽ nhập", vị này nói.

Thời gian chờ đổ xăng đã giảm xuống

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ ngày 12-11, những cây xăng mở bán tại các quận trung tâm TP.HCM đều có tình trạng đông khách nhưng thời gian chờ đã ngắn hơn. Cây xăng trên đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) luôn có nhiều khách đến đổ xăng nhưng khách chờ lâu nhất cũng chỉ chừng năm phút. Cây xăng cho khách đổ thoải mái theo yêu cầu.

Tại cây xăng trên đường Nguyễn Chí Thanh giao với Ngô Quyền (quận 5) dù trời mưa vào chiều 12-11 nhưng khách vẫn được phục vụ khá nhanh sau khi xếp hàng.

Chị Hồng Uyên (quận 5) cho biết: "Tôi xếp hàng chưa đến năm phút là đến lượt được phục vụ. Tôi đổ đầy bình hết 90.000 đồng". ( ĐỨC THIỆN)


TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày