Vấn nạn "chưa hết tháng đã hết tiền" ở người độc thân Trung Quốc

Minh Thu, Theo Infonet 16:54 19/04/2021
Chia sẻ

Nhiều người độc thân sinh sống ở các thành phố lớn của Trung Quốc luôn trong cảnh "chưa hết tháng đã hết tiền lương".

Đặt bữa trưa để shipper chuyển tới văn phòng làm việc, mua bữa tối trong cửa hàng tiện lợi trên đường đi làm về nhà, một mình tận hưởng bữa tối thịnh soạn vào tối thứ Sáu, hay thỏa mãn đam mê leo núi vào cuối tuần là một phần trong cuộc sống thường nhật của Yang Yang, một phụ nữ độc thân 31 tuổi sinh sống ở Trung Quốc.

Cô Yang chuyển tới sống ở thủ đô Bắc Kinh cách đây 5 năm và trở lại tình trạng độc thân cách đây hơn 1 năm. Hiện tại, cô nuôi sống bản thân và thỏa mãn sở thích cá nhân nhờ mức lương tháng hơn 10.000 nhân dân tệ. Nhưng chia sẻ với tờ Thời báo Hoàn Cầu, cô Yang thú nhận bản thân không tiết kiệm được đồng nào.

Vấn nạn chưa hết tháng đã hết tiền ở người độc thân Trung Quốc - Ảnh 1.

Nhiều người trưởng thành độc thân ở Trung Quốc luôn trong tình trạng "chưa hết tháng đã hết tiền" (Ảnh minh họa)

Ở những thành phố hạng dưới, nơi người lao động kiếm được tiền lương tháng thấp hơn, tỷ lệ “họ nhà trăng” cũng đang gia tăng mạnh khi mà có tới 76% người trẻ sống ở các thành phố hạng 4 và 5 của Trung Quốc cũng tiêu cạn tiền lương hàng tháng. Cuộc sống của cô Yang cũng chính là bức tranh về đời sống của nhiều người trưởng thành vẫn còn độc thân ở Trung Quốc. Theo CCTV, 40% người độc thân sinh sống ở các thành phố loại 1 thuộc “họ nhà trăng” nhằm ám chỉ những người chưa hết tháng đã tiêu hết tiền lương.

Số liệu từ công ty phân tích dữ liệu Nielsen cho thấy, 42% người độc thân chi tiêu buông thả, trong khi ở những người có gia đình thói quen này chỉ chiếm 27%.

Còn theo Bộ Nội vụ Trung Quốc, số lượng người trưởng thành độc thân ở nước này vào năm 2018 là 240 triệu. Trong đó, hơn 77 triệu người trưởng thành độc thân sống một mình và con số này được cho tăng lên 92 triệu người vào năm nay.

Đây cũng chính là lực lượng có sức mua lớn nhất và hình thành khái niệm mới "chi tiêu thỏa mãn ở người độc thân".

“Những khách hàng độc thân không phải lo lắng trách nhiệm với cha mẹ hay con cái. Họ thường mua sắm cho bản thân và thỏa mãn nhu cầu bản thân”, ông Yin Zhichao, người đứng đầu Trường Tài chính thuộc Đại học Kinh tế và Kinh doanh Trung Quốc nhận định.

Tiêu tiền để tự thỏa mãn

Những người độc thân thường chi tiền cho những thú vui riêng như đi mua sắm, xem phim, ăn ngon và thậm chí sẵn sàng vung tiền cho bất cứ thứ gì mình muốn.

Điển hình, mỗi năm, cô Yang thực hiện vài chuyến đi chơi kéo dài 2 tuần, hay vài chuyến đi ngắn ngày hơn.

“Điểm lợi khi đi du lịch một mình là bạn có thể quyết định bất cứ khi nào đi, đáp ứng được các điều kiện hiện tại của bản thân như thời gian, địa điểm, lịch trình và chọn khách sạn cho tới ăn những gì mình thích”, cô Yang chia sẻ.

Nhưng vì không có ai chung tiền phòng nên hóa đơn khách sạn mà cô Yang phải trả là khá lớn với 8.000 nhân dân tệ cho mỗi chuyến đi dài ngày và 1.000 nhân dân tệ với những chuyến đi chơi ngắn ngày.

“Tôi làm việc chăm chỉ mỗi ngày để kiếm tiền và tiêu tiền cho sở thích cá nhân. Là một phụ nữ độc thân không cần gia đình hỗ trợ, tôi sẽ không tiếc tiền chi cho đồ ăn hay các chuyến du lịch để thỏa mãn bản thân”, cô Yang nói.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, những người độc thân sẵn sàng rút hầu bao để "mua vui". Cụ thể, CCTV cho hay hơn 70% công dân ra đời trong thập niên 80 và 90 ở nước này nuôi thú cưng và phần lớn họ là người độc thân.

Gao Min, một phụ nữ độc thân 31 tuổi sinh trưởng ở tỉnh Sơn Tây nhưng đã tới thủ đô Bắc Kinh sống một mình được 7 năm và quyết định nuôi một con mèo hồi năm ngoái. Cô Gao thừa nhận việc sống một mình và chỉ nói chuyện với bốn bức tường trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát khiến bản thân cảm thấy vô cùng cô đơn. Do đó, cô đã chi 200 nhân dân tệ/tháng để nuôi con mèo nhằm xoa dịu nỗi cô đơn trong lòng.

Nắm được xu hướng “kinh tế độc thân” đang phát triển mạnh, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư cải tiến chất lượng phục vụ. Điển hình, nhiều nhà hàng thiết kế bàn dành riêng cho một người ngồi.

Bản thân cô Yang cũng rất vui khi phát hiện nhiều nhà hàng đã chú trọng tới đối tượng là người độc thân và cho ra đời các menu phong phú với khẩu phần ăn ít hơn.

“Khi đi ăn một mình, tôi vẫn muốn được thưởng thức nhiều món mà không cần phải lo lắng về chuyện lãng phí thức ăn”, cô Yang tâm sự.

Ngay cả các công ty gia dụng cũng cho ra đời các sản phẩm có kích cỡ nhỏ gọn hơn nhưng vẫn đầy đủ chức năng để phục vụ khách hàng độc thân.

Dù “kinh tế độc thân” đang làm giàu cho thị trường tiêu dùng, nhưng tốc độ dân số độc thân tăng nhanh lại khiến các nhà nhân khẩu học ở Trung Quốc quan ngại.

Ông Zhou Haiwang, Phó Giám đốc Viện Dân số và Phát triển thuộc Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải cho hay, tỷ lệ sinh đẻ thấp sẽ dẫn tới tình trạng thiếu hụt nguồn lao động và điều này sẽ gây ảnh hưởng về lâu dài tới sự phát triển của nền kinh tế quốc gia.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày