Văn hóa "comfort food" của Mỹ - khi con người ta tìm sự an ủi nơi... thức ăn

Quỳnh Đào, Theo Trí Thức Trẻ 23:14 07/01/2019

Xuất phát từ niềm tin vững chãi rằng “đồ ăn sẽ không bao giờ phản bội tôi”, người Mỹ tìm sự “cứu rỗi” theo một cách rất riêng.

Ở Việt Nam mình, chúng ta chỉ mơ hồ biết được một vài quy luật kiểu “thất tình thì dễ béo”, hay lúc buồn thì thường rủ bạn bè đi ăn, song vẫn không để ý nhiều đến sự liên kết giữa ăn uống và cảm xúc. Sự thật chứng minh, ăn uống có thể khiến tâm trạng chúng ta tốt lên nhiều, và đối với người Mỹ thì việc này gần như là chân lý bởi họ có hẳn một khái niệm riêng, một danh sách riêng những món ăn dành cho mỗi lúc khó khăn nhất, đó là “Comfort Food”.

Văn hóa comfort food của Mỹ - khi con người ta tìm sự an ủi nơi... thức ăn - Ảnh 1.

Khi buồn thì ăn là thượng sách.

Nếu bạn xem nhiều phim Mỹ, hẳn sẽ quen với cảnh cứ mỗi lần nhân vật chính thất tình, mất việc, hay trải qua sự kiện đau thương nào trong đời, đều sẽ họ nằm co ro trên giường ăn cái gì đó. Những món ăn cùng họ đi qua khoảng thời gian khó khăn nhất ấy được gọi là ‘comfort food’ đấy.

Văn hóa comfort food của Mỹ - khi con người ta tìm sự an ủi nơi... thức ăn - Ảnh 2.

Hầu hết người trẻ Mỹ thuộc thế hệ Y mỗi khi gặp chuyện không vui đều lựa chọn tìm sự an ủi nơi thức ăn hơn là ở bạn bè, người thân. Không ai biết khái niệm comfort food xuất hiện từ khi nào, nhưng rất nhiều người cho rằng nguyên do nằm ở việc giới trẻ Mỹ phải tự lập từ rất sớm. Bởi vì tiêu chuẩn xã hội, họ không thể dựa dẫm vào gia đình và bạn bè bởi ai cũng có vấn đề riêng, thế nên trong cơn khốn cùng ấy, việc đưa tay vào tủ lạnh dễ dàng hơn nhấc chiếc điện thoại lên nhiều.

Comfort food theo định nghĩa có thể là bất kì những món ăn nào khiến bạn cảm thấy tâm trạng tốt hơn, tuy nhiên theo nhiều khảo sát thì phần lớn các loại thức ăn cho tâm hồn này đều có một vài giao điểm như sau:

Có nhiều tinh bột

Những món nhiều tinh bột như bánh ngọt, bánh mì, donuts, mì ý, các loại nui… thường là lựa chọn đầu tiên và thân thiện nhất của những người đang buồn. Nếu như bình thường, những món chứa tinh bột chưa đủ gây nghiện thì vào những lúc buồn, chúng còn hấp dẫn hơn gấp nghìn lần.

Ngọt

Kem, chocolate, bánh gato, kẹo… tất thảy những món ăn có nhiều đường mà mình nghĩ tới được đều nằm trong danh sách này. Thực ra thì cũng không lạ cho lắm, vì trước giờ người ta vẫn hay nói là khi thất tình hay thèm đồ ngọt mà. Có ai giống như thế không nhỉ?

Béo

Các món có vị béo đều được tính, không phân mặn ngọt. Cụ thể, các bạn có thể thấy bản thân thèm những món như phô mai này, trà sữa này, đồ chiên này… Những món ăn béo ngậy được tin rằng có thể khiến cho người ta bớt buồn.

Nguyên do chủ yếu được lý giải bởi một giả thuyết, ấy là các món giàu tinh bột và chất béo có khả năng xúc tác sự sản sinh serotonin - một loại hormone có ảnh hưởng đến tâm trạng - trong cơ thể. Cảm xúc của chúng ta bị chi phối rất nhiều bởi các loại hormone, cho nên khi buồn mà thấy thòm thèm gì đấy thì đó chính là “cơ chế tự bảo vệ” của mình đấy. Có thể việc ăn một món gì đó không thể giải quyết vấn đề, song cũng giúp chúng ta bình tâm lại đủ để suy nghĩ cách thoát ra khỏi thời gian khó khăn.

Trong thực tế, chắc chắn là ai cũng có một loại comfort food, một loại thức ăn nào đấy ta sẽ thèm mỗi khi không vui, đâu chỉ riêng giới trẻ Mỹ. Đối với những người yêu thức ăn (như mình) thì đây thực sự là một mối quan hệ rất dễ thương. Có cảm giác rất ấm lòng khi biết được rằng, thức ăn ngoài việc giúp cơ thể ta duy trì sự sống và những hoạt động hằng ngày, còn có thể bầu bạn mình cùng đi qua nhiều thời gian khó khăn.

Bởi vì có một điều sẽ luôn đúng với các “thánh ăn”, là “đồ ăn sẽ không bao giờ phản bội tôi”!