Những ngày qua, ở nhiều địa phương trong cả nước,…đã có học sinh , phụ huynh bức xúc phản ánh về tình trạng giáo viên chủ nhiệm “vận động” học sinh có học lực chưa tốt không nên đăng ký dự thi vào lớp 10 THPT công lập.
Ở Hà Nội, một số phụ huynh ở H.Mê Linh bất ngờ cho biết con họ không được phát đơn đăng ký dự thi vào lớp 10. Theo một số phụ huynh của lớp 9 Trường THCS Tiến Thịnh (H.Mê Linh), con họ nằm trong số học sinh không được phát tờ đơn đăng ký dự thi vào thời điểm Sở GD&ĐT quy định.
Đặc biệt ở chỗ, điều này cũng không hề được trao đổi, bàn bạc với phụ huynh và học sinh. Đến đầu tháng 5 gia đình mới nhận ra con mình không có tên trong danh sách đăng ký dự thi.
Được biết, Trường THCS Tiến Thịnh có khoảng 30 học sinh không thi vào lớp 10, trong đó lớp 9B nhiều nhất với 9 học sinh.
Sau phản ứng gay gắt của phụ huynh, bà Nguyễn Thị Lan, Hiệu trưởng Trường THCS Tiến Thịnh, cho biết sẽ làm tờ trình báo cáo Phòng GD&ĐT H.Mê Linh và cố gắng để các con được “toại nguyện”. Còn Trưởng phòng GD-ĐT H.Mê Linh thì hứa “báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết”.
Trước đó, phòng GD&ĐT huyện Hóc Môn (TP.HCM) cũng đã làm việc với Trường THCS Nguyễn Văn Bứa và phụ huynh để xác minh thông tin về lá đơn xin không tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vì học kém.
Trên một diễn đàn học sinh TPHCM với hơn 500.000 thành viên từ sáng 11/5 đã xôn xao với lá đơn xin không tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.
Lá đơn cho thấy địa chỉ xuất phát ở một trường THCS tại huyện Hóc Môn. Người đăng bài thông tin mẫu đơn được giáo viên chủ nhiệm phát cho học sinh, yêu cầu đưa phụ huynh ký. Lý do vì con người này có học lực kém nên phải tự nguyện cam kết không thi lớp 10.
Vì học sinh thi trượt, thành tích của nhà trường tụt xuống?
Một giáo viên dạy tại một trường THCS của quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, việc giáo viên vận động học sinh bỏ thi không phải là mới. Vụ việc này đã hình thành nhiều năm trước đây.
“Thực tế có trường vẫn quá nặng thành tích. Và thế ban giám hiệu ép giáo viên, giáo viên phải ép tới học sinh và cha mẹ các em” - giáo viên này nêu thực tế.
Thầy giáo này cho biết, có chuyện ban giám hiệu họp phụ huynh khối lớp 9 đặt vấn đề, động viên các em lớp 9 học yếu thì viết đơn không tham dự kỳ thi tuyển vào lớp 10. Bởi các em thi cũng trượt thôi, mà trượt thì làm thành tích của trường tụt xuống. Hiệu trưởng đi họp thì “xấu hổ” nên cứ phải ép thôi.
Một phụ huynh ở quận Nam Từ Liêm cho biết, ba năm trước, ở những tháng cuối của lớp 9, chị thường xuyên được giáo viên hẹn gặp trên trường về tình hình thi vào lớp 10 của con. Việc cô chỉ ra thực tế con khó có thể thi được vào trường công lập nên nếu các em “tình nguyện” bỏ thi thì nhà trường sẽ nâng điểm để các em học yếu đó đạt tốt nghiệp THCS.
Mặt khác, phụ huynh cũng được nhận thông điệp từ giáo viên rằng, nếu các em yếu không làm đơn “không thi tuyển sinh” thì nhà trường sẽ cho các em rớt lớp 9.
“Lúc đó tôi rất đau khổ và bấn loạn. Cuối cùng để chọn an toàn, có lợi nhất để cho con và chúng tôi đỡ mệt mỏi, con tôi chấp nhận không thi tuyển công lập và nộp hồ sơ vào một trường tư thục”.
Một vị hiệu trưởng của một trường THCS ở ngoại thành Hà Nội nêu quan điểm, việc vận động học sinh bỏ thi vào lớp 10 chứng minh cho một thực tế ngành giáo dục còn nặng thành tích. Đôi khi, tỷ lệ các em đỗ vào công lập là “bộ mặt” và thước đo chất lượng của trường đó. Nhiều lúc giáo viên và chính vị hiệu trưởng phải chịu trong vòng quay luẩn quẩn đó mà không có lối ra.
Tuy nhiên, chính vị hiệu trưởng này cũng chia sẻ thật, bà cũng chưa lí giải nổi về hiện tượng vận động học sinh bỏ thi và tìm ra được giải pháp trong việc này.
“Mấy năm nay thành phố không tính thi đua của các trường rồi. Phòng Giáo dục cũng không tính thi đua. Nhưng như tôi hiểu, là các trường có xảy ra chuyện đó là có thể quan điểm của ban giám hiệu cho rằng, đó là cái đích để đánh giá cả quá trình bốn năm học sinh học tập, thầy cô giảng dạy. Nên các trường đều lo lắng cho vấn đề này.
Nhưng nếu tính thi đua thì lấy tổng số học sinh đỗ chia cho tổng học sinh khối 9 của trường thì vẫn được mà” - vị hiệu trưởng này nói.
“Đừng tước đi quyền được thi của các em”
Chia sẻ quan điểm việc có trường vận động học sinh không thi vào lớp 10, thầy Đào Tuấn Đạt, giảng viên trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, phụ trách chuyên môn của trường THPT Anhxtanh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng đây là câu chuyện đáng buồn của ngành giáo dục.
Thầy Đạt chia sẻ, trước đây câu chuyện giáo viên vận động học sinh không thi vào lớp 10 chỉ diễn ra ở Hà Nội nhưng nay lan vào cả TP.HCM, nhiều địa phương khác.
“Tôi nghĩ rằng, học sinh kể cả học kém nhưng vẫn cần được thi. Đó là quyền của học sinh. Việc cấm thi là cách chúng ta tước đoạt quyền được thử thách của học sinh. Tôi nghĩ việc vận động chính giáo viên không mong muốn. Đa phần giáo viên chịu áp lực của nhà trường về thành tích. Chứ tôi tin giáo viên khổ tâm lắm. Tôi tin người tốt” - thầy Đạt nhấn mạnh.
Vậy phải làm gì để chấm dứt tình trạng này? “Tôi cho rằng, bên quản lý giáo dục vẫn cần những con số. Vì nếu không có những con số này thì không thể biết trường này thế nào, trường kia chất lượng ra sao. Nhưng có chăng, để có thể giảm bớt hiện tượng này, thì các con số đó chỉ nên công bố nội bộ, không nên xếp hạng hay mang ra cuộc họp” - ông Đạt nói.
Trả lời báo chí, TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng, hiện tượng vận động học sinh không thi lớp 10 công lập có nguyên nhân trực tiếp do các trường sợ mất thành tích phấn đấu suốt cả năm học cũng như lo ảnh hưởng danh tiếng của trường.
Để có thể tìm giải pháp loại bỏ hiện tượng trên, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, trước hết, các tỉnh, thành cũng như các sở GD&ĐT nên bỏ hẳn hoặc không nhắc đến kết quả đỗ lớp 10 công lập và điểm thi lớp 10 của các nhà trường trong báo cáo hay trong các cuộc họp.
Điều quan trọng, theo ông Lâm, cốt lõi, đó là phải thực chất hơn trong dạy, học và kiểm tra đánh giá, tiến tới học thật, thi thật.