Vắc xin công nghệ mới
TS Đỗ Tuấn Đạt – Chủ tịch Công ty TNHHMTV Vắc Xin và Sinh phẩm số 1 – Vabiotech cho biết, khi Việt Nam ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên vào tháng 1, các nhà khoa học của công ty đã hợp tác cùng các nhà khoa học của Đại học Bristol (Anh) nghiên cứu vắc xin phòng dịch Covid-19 dựa trên công nghệ vector virus.
Đến nay, nghiên cứu đã thành công trong việc tạo chủng mang vùng kháng nguyên đặc hiệu của virus SARS-CoV-2. Kháng nguyên của virus SARS-CoV-2 trong thành phần vắc-xin khi tiêm sẽ giúp cơ thể sinh ra kháng thể chủ động chống lại SARS-CoV-2, tránh nguy cơ nhiễm bệnh.
Vabiotech sử dụng công nghệ vector virus trong sản xuất vắc xin Covid-19 thay vì các công nghệ vắc xin bất hoạt hay sống giảm độc lực như truyền thống. Đây là công nghệ mới, đa năng, cho hiệu suất sản xuất cao, không phụ thuộc vào việc nuôi cấy toàn thể tác nhân gây bệnh, phù hợp đối với các vắc-xin đại dịch.
Các nhà nghiên cứu vắc xin Covid-19 Made in Việt Nam
Đến nay, ông Đạt cho biết, các nhà khoa học của công ty đã thử nghiệm vắc xin trên động vật, đánh giá đã có đáp ứng sau 2 lần tiêm. Khi có vắc xin đáp ứng trên động vật thì công ty tính đến đáp ứng quy mô sản xuất.
Qua 3 tháng với tốc độ làm việc nhanh, nhóm nghiên cứu đã có kết quả ban đầu khá khả quan. Kết quả sơ bộ ban đầu có thể hoàn toàn đưa vào sản xuất vắc xin sau này. Tuy nhiên, ông Đạt cho rằng quá trình sản xuất sẽ còn khó khăn vì vắc xin đòi hỏi tính ổn định, hiệu suất cao.
Được biết đề tài hướng tới tháng 10 năm 2021, nhưng nếu theo tiến trình này thì có thể sẽ rút ngắn được thời gian.
PGS.TS. Nguyễn Lê Khánh Hằng, Phó trưởng Khoa Virus, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết ngày 15/5 và 29/5, 2 lô mẫu huyết thanh của 50 con chuột đã tiêm dự tuyển vắc-xin Covid-19 lần lượt được gửi sang Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương để đánh giá.
Tiêm trên chuột
Bằng việc tiêm so sánh với chính chủng virus hoang dại đã được bất hoạt cho chuột, Viện VSDTTW xác định các mẫu huyết thanh này đã cho đáp ứng kháng thể, trong đó có những mẫu đáp ứng khá cao. Đây là tiền đề để cho ra đời vắc xin Covid-19 "Made in Việt Nam".
Trong dịch Covid-19, bất cứ quốc gia nào cũng chạy đua để nghiên cứu và sản xuất vắc xin. Ông Đạt cho biết điều mà Chính phủ lo ngại là dịch trên thế giới vẫn chưa có xu hướng giảm. Với tình hình hiện nay, nếu vài tháng nữa bước vào mùa đông thì nguy cơ dịch xảy ra ở Việt Nam là có khả năng. Việc làm chủ và có nguồn vắc xin của riêng Việt Nam là vô cùng quan trọng. Vắc xin này sẽ có hiệu suất cao, số lượng lớn không phải chỉ trăm, nghìn liều mà cả triệu liều.
Ông Đạt cho biết Công ty đã lập kế hoạch các bước thử nghiệm trên người.
Thử nghiệm định lượng Protein cho vắc xin
ThS. Mạc Văn Trọng - Công ty TNHH Vắc xin và sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Bộ Y tế và nhóm nghiên cứu của Công ty Vabiotech gồm 4 người đã sang Anh học từ đầu năm 2020. Khi đang ở Anh học và nghiên cứu thì dịch Covid-19 xảy ra, các viện nghiên cứu đều đóng cửa. Các học viên nghiên cứu sinh cũng phải về nước. Nhóm đã nhanh chóng tìm cách gửi mẫu về Việt Nam.
Theo quy định, khi về nước cả nhóm cũng bị cách ly 14 ngày. Vì có độ trễ sau cách ly nên ngay sau đó nhóm nghiên cứu đã làm việc với cường độ gấp đôi. Phòng thí nghiệm của Vabiotech khi đó đã trở thành "phòng cách ly để nghiên cứu" của những nhà khoa học trở về từ Anh. Nhờ thế mà chỉ 1 tháng sau, dự tuyển vắc xin đã được hoàn thành để tiêm thử nghiệm trên chuột.
Thạc sĩ Trọng cho biết đến thời điểm này đạt được tiến độ nghiên cứu vượt dự kiến là sự nỗ lực của cả nhóm nhiều đêm mất ăn, mất ngủ. Đặc biệt cái khó là nghiên cứu trong mùa dịch, các nước đóng cửa, các nguồn sinh phẩm không vận chuyển được.
Ngoài ra, các nghiên cứu tiếp cận sinh phẩm chuẩn khó hơn. Lúc đó, thạc sĩ Trọng kể nhóm nghiên cứu không có mẫu chuẩn với thế giới để đánh giá bản chất vắc xin của mình có tốt không. "Qua các mối quan hệ với phòng nghiên cứu trên thế giới, dần dần chúng tôi cũng có các sinh phẩm chuẩn"- thạc sĩ Trọng nói.
Khi cả thế giới phải đối mặt với dịch Covid-19, vắc xin cho chủng virus lần này là hoàn toàn mới với bất cứ nhà sản xuất nào. Việt Nam may mắn là có test của viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã phân lập được chủng, điều đó giúp quá trình nghiên cứu vắc xin nhanh hơn. Nếu chờ đợi gửi lại các phòng thí nghiệm chuẩn trên thế giới sẽ rất lâu.
Trước băn khoăn liệu vắc xin Covid-19 có thể chỉ là sản phẩm của phòng thí nghiệm, ông Đạt cho rằng đối với virus Corona gây nên đại dịch SARS và Mers-Cov đều không được thương mại hoá mà chỉ dừng lại ở mức độ nghiên cứu.
Còn với dịch Covid-19 mọi người đều mong chờ đây là vắc xin Corona đầu tiên được thương mại hoá. Trước thông tin nhiều nước đã bắt đầu thử nghiệm vắc xin đến giai đoạn 3, nhóm nghiên cứu cũng không sốt ruột. Ông Đạt khẳng định Việt Nam không chạy đua nhưng sẽ cố gắng đón đầu để kế thừa được các kinh nghiệm của thế giới ứng phó với loại virus rất mới SARS-CoV-2.