Uống cà phê tại quán vẫn bị ép dùng cốc nhựa

, Theo VTC NEWS 17:00 27/05/2025
Chia sẻ

Tôi thấy khó hiểu khi dù khách uống tại chỗ hay mua về, nhân viên đều phục vụ loại cốc nhựa dùng một lần, loại rác thải mà thiên nhiên mất nhiều thế kỷ để phân hủy.

Tôi vào một quán đồ uống có cách bài trí hiện đại, thân thiện, gọi một ly nâu nóng. Thay cho chiếc cốc sứ, tôi lại nhận được ly giấy hai lớp nắp đen, bên cạnh là chiếc ống hút nhỏ bọc trong nylon. Thứ đồ đựng này rất tiện lợi cho những khách mua mang về, nhưng rõ ràng tôi đang ngồi rất thoải mái tại quán với dáng vẻ của người không có ý định rời đi trong thời gian ngắn.

Nghĩ nhân viên phục vụ bị nhầm, tôi gọi cậu ấy lại, nói rõ mình sử dụng tại chỗ và yêu cầu đổi cốc sứ hoặc thủy tinh. Cậu nhân viên lễ phép đáp: "Quán em chỉ có loại cốc này thôi ạ" .

Sau lần đầu sửng sốt ấy, tôi nhiều lần gặp tình huống phải nhận cà phê, nước trái cây, trà sữa... đựng trong cốc nhựa dùng một lần ở nhiều quán khác tại Hà Nội dù thưởng thức tại chỗ.

Thật ra, việc sử dụng ly giấy, cốc nhựa dùng một lần cho cả khách ngồi tại quán xuất hiện từ mười mấy năm trước nhưng chỉ có ở một số chuỗi cửa hàng đồ uống được nhận diện bởi cung cách phục vụ nhanh, gọn, tiện cho cả khách hàng và nhân viên, tiết kiệm nhiều thời gian và cả chi phí do không tốn nhân lực rửa cốc. Hiện tại, cách làm này đã trở thành xu hướng cực kỳ phổ biến, khiến môi trường bị đối xử tàn nhẫn thêm.

Uống cà phê tại quán vẫn bị ép dùng cốc nhựa- Ảnh 1.

Dù uống tại quán hay mang về, đồ nóng hay đồ lạnh, khách hàng vẫn nhận được cốc nhựa, ly giấy dùng một lần. (Ảnh minh họa: Flickr)

Năm 2014 từng nổ ra cuộc tranh cãi xung quanh chuyện một phụ nữ để thú cưng uống nước bằng ly sứ tại một chuỗi cửa hàng nổi tiếng. Sự việc này làm thay đổi tư duy của một số người chủ, khiến họ chuyển sang dùng đồng loạt ly giấy, cốc nhựa bất kể khách mua về hay ngồi tại chỗ, coi đó như một cách để tránh rủi ro gặp phải tình huống tương tự.

Sau đó, loại cốc dùng một lần ngày càng được lăng xê mạnh mẽ với những lời quảng cáo như "ly giấy 2 lớp dễ dàng phân hủy"; "cốc nhựa an toàn cho sức khỏe, lý tưởng cho việc đựng đồ uống nóng"; "ống hút bảo vệ môi trường"... Sự "sủng ái" ngày càng tăng dành cho chúng không chỉ chồng chất thêm gánh nặng lên môi trường mà còn cổ vũ cho thói quen tiêu dùng một lần - một thói quen vô cùng nguy hiểm.

Tất cả đồ dùng một lần, không được tái chế đều là rác thải, mà đồ nhựa là thứ rác thải cần thời gian phân hủy siêu dài. Với việc ưu tiên loại cốc nhựa không thể tái sử dụng, chúng ta đang tạo ra lượng chất thải nhựa khổng lồ vượt quá cả khả năng tiếp nhận của thiên nhiên lẫn năng lực xử lý của con người.

Ngay cả ly giấy cũng không hề thân thiện với môi trường vì thực tế chúng đều được tráng một lớp nhựa PE bên trong để chống thấm. Với lớp phủ này, nếu đem đốt sẽ phát sinh khí độc, đem chôn lấp sẽ khó phân hủy; ly giấy tráng nhựa cũng không phải là thứ được thu gom để tái chế.

Theo Cơ quan Bảo vệ Môi sinh Mỹ (EPA), việc phân hủy cốc nhựa cần hơn 1 triệu năm ở môi trường cạn và và khoảng 50 năm để phân hủy trong môi trường biển, hồ. Còn ly giấy tráng nhựa để phân hủy sẽ cần khoảng 20 năm ở môi trường cạn và 6 tháng ở môi trường nước.

Các loại ly, cốc làm bằng nhựa xốp đều chứa benzene, chất độc hạ dễ bị thôi nhiễm vào đồ uống ở nhiệt độ cao. Các loại ly giấy, ly bã mía sử dụng keo chứa melamin, ure, phenol hoặc tráng thêm lớp resin chống thấm mạnh, tất cả đều khiến quá trình phân hủy trở nên khó khăn và gây hại nhiều hơn.

Nếu một quán đồ uống bán trung bình khoảng 250 ly mỗi ngày và tất cả đều đựng trong loại cốc dùng một lần, quán sẽ thải ra hơn 91.000 ly, cốc nhựa mỗi năm.

Các thống kê cho thấy, mỗi năm thế giới có khoảng từ 19 đến 23 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra biển, phần lớn là sản phẩm nhựa dùng một lần. Trong đó có hơn 1,8 triệu tấn rác nhựa được thải ra tại Việt Nam.

Chỉ 27% trong số rác thải khổng lồ của Việt Nam được tái chế. Dựa trên thống kê của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, Việt Nam hiện đứng thứ 4 thế giới về lượng rác nhựa thải ra biển. Bên cạnh đó, các vấn đề như ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất đai, ô nhiễm không khí do san lấp và vứt rác bừa bãi cũng đều đang vượt ngưỡng báo động.

Chúng ta đang tiêu dùng và sinh hoạt theo thói quen sống quá nhanh, khiến môi trường không kịp thích ứng. Đồ nhựa quá tiện dụng và có lợi thế trước mắt về kinh tế khiến ít ai có thể từ bỏ hay loại trừ chúng khỏi đời sống. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể tránh lạm dụng, hạn chế dùng khi không cần thiết.

Là khách hàng, tôi không có quyền quyết định đổi từ cốc nhựa sang cốc sứ, nhưng tôi đã tẩy chay và vận động bạn bè tẩy chay những quán chỉ phục vụ loại cốc dùng một lần. Tôi đã nói rõ điều đó với người quản lý những quán đó trong lần cuối ghé đến, hy vọng dù chưa thay đổi được lựa chọn của họ thì cũng ít nhiều tác động đến suy nghĩ của họ.

Mọi người cũng có thể làm như vậy, góp một chút gió để dần dần tạo thành cơn bão phá hủy thói quen gây hại môi trường. Hãy bắt đầu từ hành động nhỏ nhất là chọn cho mình món cà phê sáng đựng trong cốc sứ, cốc thủy tinh. Như vậy thì một năm, mỗi cá nhân có thể bớt được hàng trăm sản phẩm đồ nhựa dùng một lần.

Ngày càng có nhiều chủ quán nước, quán ăn, nhà hàng thu hút khách hàng bằng thông điệp bảo vệ môi trường. Nếu bạn là chủ quán và muốn "ghi điểm" theo cách đó, đừng ép khách dùng tại chỗ thưởng thức đồ uống trong cốc nhựa nữa.

Tôi cũng mong muốn cơ quan chức năng sớm áp dụng các chính sách, chế tài để hạn chế dùng cốc nhựa, ly giấy dùng một lần, đặc biệt là áp mức thuế đặc biệt để mặt hàng này trở nên đắt đỏ, không còn ưu thế về chi phí để người làm kinh doanh lựa chọn.

Câu chuyện ngụ ngôn về con ếch trong nồi nước, chắc nhiều người vẫn nhớ. Con ếch ngồi trong nồi nước lạnh được đun nóng từ từ, vì không cảm nhận rõ rệt về nguy cơ nên nó cứ ngồi im cho đến khi nhiệt độ đủ để giết chết nó. Nếu chúng ta thay từ "con ếch" bằng "con người", thay từ "nhiệt độ" bằng "đồ nhựa" hay "ô nhiễm", kết thúc của chuyện vẫn là cái chết, là sự hủy diệt.


TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày