Đêm định mệnh
Vượt 150km từ TP.HCM chúng tôi về đến xã Phước Hậu (H. Long Hồ, Vĩnh Long) để gặp chị Tô Phạm Xuyên Lan (37 tuổi).
Chị cho biết: "Trên TP.HCM, tôi ở trong căn phòng trọ, suốt ngày một mình đối diện với 4 bức vách cũng chán. Thôi thì tôi về quê nơi nhà ngoại còn có cô, dì, cậu, mợ và bầy cháu, ít ra cũng được khuây khỏa nỗi niềm".
Chị kể: "Khoảng 6 giờ chiều ngày 4/6/2014, em đi xe máy đến gần chợ Ba Đình (Q.8, TP.HCM) để đón cháu sau một ngày ở nhà trẻ. Em ngồi trên xe, sát lề đường chờ con. Từ xa một chiếc xe máy với 2 thanh niên mặc áo mưa, mặt che kín tiến về hướng em.
Họ lại thật gần, bất ngờ người ngồi sau, hất vào mặt em một ca nước. Nóng quá! Nước chảy đến đâu em thấy rát đến đó. Áo em dính nước bị cháy. Lúc này, đường vắng không có ai giúp đỡ, em chạy vào hẻm thấy một nhà còn mở cửa. Em vào xin nước dội nhờ. Người nhà đưa em vào nhà tắm để rửa và cho em bộ quần áo để thay, sau đó chuyển em vào bệnh viện ...
Hai tháng trong bệnh viện có lẽ là quãng thời gian đau đớn nhất trong đời em. Từ mặt trở xuống, em bị lột da, lòi thịt. Bác sĩ phải làm nhiều công đoạn để ghép da chữa lành vết thương cho em.
Nhưng nói thế này cũng chưa hình dung ra được. Cổ em lúc đó chỉ còn lại phần thịt nếu không để hở thì nó sẽ dính vào ngực, không thể tách ra được. Vì thế ban đêm, bên cạnh những đau nhức thân xác, em còn phải nằm ngửa cho đầu thấp xuống tách cằm và ngực ra xa mới có thể ngủ.
Chị Tô Phạm Xuyên Lan sau khi bị nạn
Chi phí cho điều trị quá lớn em không thể kham nổi. Khi vết thương so với ban đầu cũng khả quan hơn, bệnh viện cho em xuất viện".
Chị cho biết thêm, căn nhà nhỏ trên đường Nguyễn Duy chị ở trước đó đã phải bán đi để lo thuốc thang. Tiền nhanh chóng cạn, khi xuất viện chị phải thuê phòng trọ để ở tạm chờ ngày tái khám...
“Trong suốt 2 năm nay, ngoài thời gian đến bệnh viện để tiếp tục chữa trị, em thường nhốt mình trong căn nhà trọ. Nhiều người cứ lo sợ em sẽ tự tử nhưng em chưa hề có ý định hủy hoại cuộc sống.
Cả một quãng đời 35 năm trôi qua, từ nhỏ đến khi bị nạn em chưa hề gây ra một lỗi lầm gì để phải trả giá như thế. Quan hệ bạn bè, chòm xóm, người thân của em rất bình thường và trọn vẹn. Về tiền bạc, em không nợ ai cũng không ai nợ mình vậy sao em lại lĩnh hậu quả nặng nề đến thế?", chị tiếp tục kể.
Sau khi chị bị nạn, con trai chị vào thăm. Lúc đầu, cháu không dám lại gần mẹ và có vẻ sợ sệt. Nhưng, mẹ con mà. Cháu làm sao xa mẹ được. Những lúc vết thương được băng lại, nó đến bên mẹ thủ thỉ, "mẹ có đau lắm không?". Nghe mà đứt ruột anh ạ. Em gửi cháu về cho mẹ em trong thời gian em nằm viện.
Cuộc tình giữa em và ba cháu tan vỡ sau 8 năm chung sống. Lúc đầu khi nghe tin em bị nạn, anh ấy có vào thăm và phụ cho em ít tiền viện phí. Những lần thăm viếng ấy thưa dần cho đến khi em xuất viện trở về, không còn khả năng nuôi con em mới đưa cháu về với cha. Từ đó anh biền biệt không còn lui tới nữa.
Cháu đã lớn, học lớp 2. Thỉnh thoảng cháu có về thăm mẹ. Mẹ con bên nhau, cháu thường hỏi 'mẹ có đau lắm không? Con thương mẹ lắm. Con mong mẹ sớm hết bệnh để đẹp trở lại như xưa...'. Nghe cháu nói em không cầm được nước mắt.
Có thể nói đến bây giờ suy nghĩ của em đã thông. Nếu việc vợ chồng chia tay sau khi xảy ra vụ việc có lẽ giờ này em đau đớn lắm. Cũng may, chúng em chủ động xa nhau không ai ràng buộc ai và anh ấy cũng đã có gia đình riêng.
Em không mặc cảm. Em sẵn sàng lao vào cuộc mưu sinh một khi sức khỏe cho phép. Em sẽ đón con về vì thế em mong muốn sẽ học được một nghề để tìm được việc có tiền nuôi con”, chị nói.
Mặc dù không còn chút tài sản nào sau một thời gian dài trị bệnh, nhưng chị không kêu than, không nguyền rủa kẻ đã gây ra khổ đau cho mình. Chị bảo, cứ xem đó là cái xui. Ai cũng có lúc gặp chuyện không may. Thế thôi...
Người phụ nữ ấy đã bị tạt axit, đã vượt qua tất cả để nắm giữ sự sống. Giờ này, chị vẫn không hiểu ai đã làm hại mình? Và những ngày sắp tới của chị sẽ ra sao?