1. Ngay sau khi U22 Thái Lan thua 0-2 U22 Indonesia, chúng ta mới thấy được U22 Việt Nam hưởng lợi như thế nào khi lịch thi đấu đi từ đội yếu đến đội mạnh. Gạt bỏ luôn cả nỗi ám ảnh thất bại ở SEA Games 2017.
Vì SEA Games 2019 rất khác biệt với mặt sân cỏ nhân tạo. Hơn nữa có thông tin từ hiện trường rằng, mặt sân còn được trộn thêm vỏ gỗ vào hạt cao su li ti. Điều có lẽ chỉ có ở Philippines.
Khi khác biệt đến cả công thức làm mặt sân như vậy, chắc chắn phải cần thêm thời gian để thích nghi, hoặc cao hơn còn là tạm gạt bỏ thói quen thi đấu trên sân cỏ tự nhiên. Và như vậy, nỗi ám ảnh năm xưa giờ đây đã thành điều may cho U22 Việt Nam. Gặp đối thủ yếu trước dường như sẽ là màn "roda" hoàn hảo cho 2 trận cuối gặp Indonesia và Thái Lan.
Tất nhiên nói vậy không phải có ý chủ quan hay khinh địch, mới thắng trận đầu đã "gáy to". Bởi hầu hết những tập thể dưới trướng HLV Park Hang-seo đều có đặc trưng, cứ càng vô sâu là cả đội càng đá càng sung.
2. Đối thủ của U22 Việt Nam vào chiều nay (28/11) là U22 Lào. Đội bóng đã gây bất ngờ lớn khi cầm hòa 0-0 U22 Singapore. Dù thẳng thắn mà nói thì U22 Lào quá hên. Đối thủ tự bắn vào chân khi bỏ lỡ rất nhiều cơ hội.
Mà chưa kể, HLV trưởng U22 Lào - ông Varadaraju Sundramoorthy từng là cựu tuyển thủ Singapore (1983-1995), cũng từng là HLV trưởng tuyển Singapore giai đoạn 2016-2018.
Nhưng bóng đá là câu chuyện đối kháng trên sân, phải bước vào trận đấu mới rõ ràng được mọi thứ. Và U22 Việt Nam có nhiệm vụ "giải mã" thực lực của U22 Lào. Nếu thực hiện tốt và giành chiến thắng, U22 Việt Nam cũng sẽ có một đòn giáng mạnh vào các đối thủ chung bảng, nhất là U22 Singapore - sẽ gặp U22 Việt Nam ở lượt 3.
Như đã nói ở phần đầu, trước một đối thủ yếu hơn, U22 Việt Nam tiếp tục có cơ hội thích nghi với điều kiện thi đấu khác biệt. Nếu tiếp tục là một trận thắng cách biệt, toàn đội cũng sẽ có thêm tinh thần để bước tiếp những nấc thang cao hơn, với những đội bóng khó nhằn hơn.
3. HLV Park Hang-seo chắc chắn sẽ có những thay đổi trong đội hình xuất phát ở trận này. Trọng Hùng và Tấn Sinh đều đang cần thời gian hồi phục. Chính ông Park cũng đã nói về chuyện xoay tua cầu thủ, tính toán thời điểm hợp lý để bung sức.
Có thể những trụ cột là Quang Hải, Đoàn Văn Hậu, Đỗ Hùng Dũng sẽ được tạo cảm giác thi đấu, như Trọng Hoàng, Tiến Linh ở trận đầu tiên. Nhưng vẫn có khả năng ông Park chưa vội tung hết lực lượng mạnh nhất.
Một điều ít ai biết rằng, ông Park luôn cần thời gian quan sát đối thủ ngay lúc hai đội khởi động và trong khoảng 15 phút đầu, rồi mới đưa ra "lời giải" cho trận đấu đó. Vì những tính toán còn phải mang lại thêm phương án cho trận kế tiếp.
Điển hình mới đây là việc Trọng Hoàng được đẩy lên đá tiền đạo cánh. Một sự chuẩn bị bất ngờ nhưng vô cùng cần thiết khi U22 Việt Nam muốn có thêm bàn thắng, tạo lợi thế tính hiệu số.
Nhìn chung, nếu U22 Việt Nam sớm "giải mã" được U22 Lào ngay từ hiệp 1. Khả năng cực cao, sang hiệp 2, ông Park sẽ lại "xuất chiêu độc" như đã từng với Trọng Hoàng. Một mũi tên trúng hai đích, đội có thêm phương án trên sân, trong khi những đối thủ tiếp theo không biết đường nào mà lần với cả 20 cầu thủ U22 Việt Nam.