Một mạng xã hội bị sở hữu bởi một tỷ phú ủng hộ tự do ngôn luận, đang phải gánh trên vai khoản nợ cũng như nguồn ngân sách căng thẳng, có nhiều tài khoản của các chính trị gia với hàng triệu người theo dõi và đặc biệt là các tiêu chuẩn nội dung cực kỳ lỏng lẻo.
Đây là những gì hãng tin Bloomberg liệt kê về sự tương đồng giữa Twitter và Telegram.
Thậm chí, Telegram còn là một ứng dụng chat lớn hơn cả Twitter với 700 triệu người dùng, nhiều gấp đôi mạng xã hội của Elon Musk nhưng lại có ít nhân viên hơn.
Chú trọng kỹ thuật, gạt bỏ kiểm duyệt
Hãng tin Bloomberg cho biết với việc Twitter cắt bỏ dần những hạn chế về nội dung dưới thời Elon Musk, mạng xã hội này đang dần chuyển mình giống Telegram và điều đáng ngạc nhiên là chúng có thể sống tốt bất chấp những khó khăn kể trên.
Telegram được sáng lập bởi tỷ phú gốc Nga Pavel Durov, vốn là người nổi tiếng với quan điểm tự do ngôn luận tương tự Elon Musk. Bởi vậy không có gì khó hiểu khi Twitter có đến 16 quy định về đăng tải nội dung thì Telegram lại chỉ có 3.
Năm 2013, hai anh em Nikolai và Pavel Durov cho ra mắt Telegram vào năm 2013. Trước đó, cặp đôi đã thành lập trang mạng xã hội VK của Nga sau đó rời đi khi trang mạng đó được Tập đoàn Mail.ru tiếp quản.
Nikolai Durov đã tạo ra giao thức MTProto làm nền tảng để nhắn tin, trong khi Pavel hỗ trợ tài chính và cơ sở hạ tầng. Họ khởi nghiệp công ty và ứng dụng này ở Nga sau đó chuyển sang Đức. Ban đầu Telegram tuyên bố rằng mục tiêu cuối cùng của hãng không phải là vì lợi nhuận nhưng cấu trúc hiện tại của công ty này cho thấy họ không giống như một tổ chức phi lợi nhuận.
Theo Bloomberg, tỷ phú Elon Musk đang cố gắng giảm bớt các quy tắc về nội dung xuống như Telegram, bắt đầu bằng một cách tiếp cận mềm dẻo nhằm thay đổi Twitter. Tương tự như Telegram, chính sách này sẽ khiến nhiều doanh nghiệp từ bỏ quảng cáo trên nền tảng Twitter nhưng bù lại, mạng xã hội này sẽ níu kéo được rất nhiều người nổi tiếng như Telegram đã từng làm, qua đó giúp duy trì hoạt động cũng như danh tiếng và đương nhiên là cả lợi nhuận.
Hãng tin Bloomberg cho biết các nhà lãnh đạo, người nổi tiếng và thậm chí cả những thương hiệu lớn sẽ không ngồi im trước 1 mạng xã hội phát triển mạnh bất chấp họ có phản đối tiêu chuẩn lỏng lẻo của nó.
Trên Telegram, hàng loạt những cái tên gây tranh cãi như GhostEzra (177.000 người theo dõi) hay Jack Posobiec (187.000 người theo dõi) xuất hiện mà không bị khóa tài khoản vì cái mác “tự do”. Thế rồi những nội dung đồi trụy 18+, tiền số cũng tràn lan trên các kênh của Telegram với hàng triệu người theo dõi.
Tất nhiên theo Bloomberg, Telegram cũng khá khôn khéo khi né tránh các vấn đề nhạy cảm chính trị, qua đó tồn tại được cả ở những thị trường như Nga, nơi vốn khá khắt khe về nội dung. Đây là điều mà Youtube, Facebook hay Twitter đều chưa làm được.
Đối với Elon Musk, việc cắt bỏ các quy định về tiêu chuẩn nội dung sẽ giúp tiết kiệm chi phí cũng như tăng sức hút của Twitter. Mạng xã hội này sẽ không cần hàng nghìn người quản lý nội dung cũng như các nhân viên chính sách để kiểm duyệt, xử lý khiếu nại. Trong khi đó sự thoải mái về nội dung sẽ khiến vô số các doanh nghiệp, người nổi tiếng và cả tội phạm xã hội đổ xô vào Twitter như đang làm với Telegram.
Trong khi Facebook ước tính có khoảng 15.000 quản trị viên thì Telegram tính cho đến thời điểm hiện tại chỉ cần vài trăm người. Đây chính là yếu tố thu hút Elon Musk có những cuộc cải cách mềm dẻo nhưng mạnh mẽ khi mới lên nắm quyền. Đặc biệt nhà sáng lập Tesla đã hủy bỏ 80% các nhà thầu hợp đồng chịu trách nhiệm kiểm duyệt nội dung của Twitter.
Các quy định về tiêu chuẩn nội dung của Telegram và Twitter
Theo những gì Elon Musk cho biết, vị tỷ phú này muốn biến Twitter thành một hãng công nghệ thuần túy khi các kỹ sư và lập trình viên đóng vai trò chính chứ không phải các nhân viên kiểm duyệt hay những người ngoài nghề. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến Elon Musk áp các tiêu chuẩn chặt chẽ của người làm công nghệ lên mạng xã hội Twitter khiến hàng loạt nhân viên ngoài ngành không chịu nổi.
Tồn tại và phát triển
Tương tự như Twitter, nhà sáng lập Durov của Telegram cũng đã từng đứng lên đấu tranh phản đối khoản phí 30% của Apple vào năm 2020 trước khi Elon Musk có động thái này vừa qua. Trong khi Twitter phát hành bản thu phí 8 USD/tháng thì Telegram cũng có bản thu phí 5 USD/tháng.
Sự giống nhau đến kỳ lạ này khiến Bloomberg cho rằng dù nhiều người có dự đoán Twitter sẽ sập đi chăng nữa thì mạng xã hội này vẫn tồn tại và phát triển như những gì Telegram đã làm. Hàng loạt những ngôi sao như Whoopi Goldberg, Jim Carrey và Trent Reznor phản đối Elon Musk, rời bỏ Twitter thì vô số những người khác vẫn sẽ ở lại.
Trên thị trường hiện nay, các mạng xã hội đang dần cố định thị phần của mình và khó lòng mất vị thế trừ phi có sự đột biến lớn về công nghệ hay địa chính trị. Ví dụ như Facebook, dù bị đe dọa bởi Apple và Tiktok, giảm tốc về tăng trưởng cũng như doanh thu nhưng nền tảng này vẫn thu hút khoảng 2 tỷ người dùng mỗi ngày.
Do đó, Bloomberg cho rằng việc cắt giảm mạnh tay của Elon Musk cho thấy một thực tế rằng mạng xã hội không cần một đội ngũ nhân viên khổng lồ để duy trì sức hút. Ngay cả WhatsApp trước khi bán cho Facebook vào năm 2015 có đến 450 triệu người dùng nhưng chỉ với đội ngũ nhân viên 55 người.
Thậm chí nếu doanh thu của Twitter suy giảm mạnh, Elon Musk vẫn có thể duy trì nền tảng này với đội ngũ nhân viên nhỏ gọn, tiếp tục phát triển bản thu phí 8 USD/tháng, dùng nguồn vốn hỗ trợ từ Tesla để vượt qua giai đoạn khó khăn.
Rõ ràng Telegram đã chứng minh họ có thể sống sót dù đã từng thua lỗ, gây tranh cãi về tiêu chuẩn nội dung và bị hàng loạt nhãn hàng, người nổi tiếng từ bỏ. Bởi vậy không có gì là không thể với Twitter hiện nay.
*Nguồn: Bloomberg