Tuyển sinh đại học: Ngành Kiến trúc không thi vẽ

Nghiêm Huê, Theo Tiền Phong 07:59 02/06/2020

Các trường ĐH vừa hoàn tất công tác công bố đề án tuyển sinh 2020 lên website. Một số trường ĐH đào tạo ngành kiến trúc đã không tổ chức thi vẽ để tuyển sinh.

Hiện Việt Nam có hơn 10 trường ĐH đào tạo ngành Kiến trúc. Ngoài các môn học như Toán, Lý, hay Toán, Anh, các trường có đào tạo ngành này thường tổ chức thi năng khiếu môn Vẽ. Tuy nhiên, trong đề án tuyển sinh năm nay của trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TPHCM, lần đầu tiên, trường tuyển sinh ngành Kiến trúc không tổ chức thi vẽ. Thay vào đó, trường sẽ thực hiện xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 ngành Kiến trúc bằng 2 tổ hợp: A01 (Toán, Lý, tiếng Anh) và C01 (Toán, Văn, Lý). Ngoài ra, ngành Kiến trúc còn dành chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức khác như: ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐH Quốc gia TPHCM, xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT và xét điểm bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM.

Trường ĐH Nam Cần Thơ tuyển sinh ngành Kiến trúc bằng hai phương thức: xét tuyển kết quả học bạ và xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT. Trường xét tuyển hình thức kết quả thi tốt nghiệp bằng 4 tổ hợp: A00 (Toán, Lý, Hóa), D01 (Toán, Văn, Anh), V00 (Toán, Lý, Vẽ mỹ thuật), V01 (Toán, Văn, Vẽ mỹ thuật). Phương thức xét kết quả học bạ, trường tuyển sinh 4 tổ hợp gồm: Toán, Lý, Hóa; Toán, Lý, Công nghệ; Toán, Lý, Tin; Toán, Công nghệ, Tin.

Ngày 1/6, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, PGS.TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng đào tạo, trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TPHCM, cho biết, ngay từ khi xây dựng ngành Kiến trúc, phần thi năng khiếu đã được xác định là năng khiếu Vẽ đầu tượng và tổ hợp môn Toán nhân hệ số 2. Như vậy, phần năng khiếu bản chất là góc nhìn và năng lực kiến trúc và chỉ chiếm tỷ lệ 1/4 trong tổ hợp xét tuyển. Nằm trong lộ trình cải tiến tuyển sinh ngành Kiến trúc, phần thi Vẽ đầu tượng đã được giảm tỷ lệ (trong bài thi năng khiếu Vẽ) và chuyển dần sang đánh giá năng lực về góc nhìn Kiến trúc (phần thi Bố cục tạo hình).

Từ năm 2020, trường không tổ chức thi năng khiếu Vẽ, mà tạo thêm cơ hội cho các thí sinh chưa có cơ hội học vẽ ở bậc phổ thông nhưng có đam mê ngành Kiến trúc. Như vậy, việc tuyển sinh sẽ dần diễn ra công bằng hơn cho bất kỳ ai có đam mê. Theo ông Thắng, từ năm 2021, trường dự kiến tuyển sinh đào tạo ngành Kiến trúc hoàn toàn bằng tiếng Anh, tuyển sinh mở rộng thêm nguồn sinh viên quốc tế, theo thông lệ quốc tế. “Việc không dùng phần thi năng khiếu là vấn đề mới, có thể có tác động không đồng đều đến các thí sinh. Tuy vậy, người làm trong lĩnh vực xây dựng kiến trúc, tổng hoà các yêu cầu của một kiến trúc sư trưởng dự án lớn trong tương lai, và dần hướng đến nguồn nhân lực trình độ quốc tế nên việc tuyển sinh hướng đến năng lực tổng quan là rất cần thiết”, ông nói.

Ngành học cần phải có năng khiếu

Trong khi đó, chia sẻ với phóng viên, kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào cho rằng, kiến trúc là một ngành đòi hỏi năng khiếu, nhưng nếu đòi hỏi ngay ở người học khi mới vào trường là rất khó vì có nhiều sinh viên phải đến năm thứ 2 mới bộc lộ năng khiếu. Nhưng đặc thù của ngành học này, năng khiếu cũng chỉ một phần, quan trọng hơn là tư duy toán học. Trao đổi với báo chí, thạc sĩ Trần Hải Nam, Phó trưởng phòng tư vấn tuyển sinh - truyền thông trường ĐH Công nghệ TPHCM, khẳng định, các ngành Kiến trúc, Thiết kế đồ họa của trường đều xét các tổ hợp có chứa môn vẽ để đáp ứng yêu cầu năng khiếu của người học.

Đại diện trường ĐH Duy Tân cho biết, hiện nay công nghệ giúp nhiều cho kiến trúc sư, kỹ sư thiết kế, nhưng không thể thay thế hoàn toàn cho việc sáng tạo của con người. Nghiên cứu sinh Khoa Chính sách giáo dục và Lãnh đạo tại trường ĐH bang New York tại Albany (Mỹ), Châu Dương Quang cho biết, tại Mỹ, những trường có đào tạo ngành Kiến trúc yêu cầu phải có sản phẩm nghệ thuật của ứng viên.

PGS.TS Bùi Hoàng Thắng, Trưởng phòng đào tạo, trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TPHCM, cho biết, khi trúng tuyển vào trường, sinh viên sẽ được kiểm tra đánh giá năng lực kiến trúc để bố trí học tập thêm cho phù hợp với yêu cầu ngành nghề. Việc không thi Vẽ cho phép tuyển sinh đa dạng, theo hướng đánh giá năng lực tổng quát của người học, nghe vất vả hơn nhưng công bằng hơn và cho phép tuyển sinh quốc tế.