Tuyển sinh đại học năm 2022: Các trường hoàn toàn tự chủ xét tuyển

Lê Thu, Theo VOV News 13:02 07/05/2022

Lần đầu tiên tất cả các phương thức xét tuyển của các cơ sở giáo dục đại học được đưa lên hệ thống lọc ảo chung trong mùa tuyển sinh năm nay.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) yêu cầu tất cả các thí sinh phải đăng ký dự thi theo hình thức trực tuyến. Việc đổi mới này được cho là chỉ mang tính kỹ thuật, vẫn bảo đảm quyền lợi của thí sinh khi không giới hạn số lượng nguyện vọng. Nhưng đối với các trường rất khó định lượng được tỉ lệ gọi trúng tuyển sao cho tuyển đủ.

Phóng viên Đài TNVN phỏng vấn Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn để rõ hơn một số điều còn băn khoăn.

Tuyển sinh đại học năm 2022: Các trường hoàn toàn tự chủ xét tuyển - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn

PV: Thưa ông, Quy chế tuyển sinh năm nay có nhiều điều chỉnh có lợi cho thí sinh, tuy nhiên, việc chờ lọc ảo chung khiến nhiều trường băn khoăn khi không chủ động trong công tác xét tuyển. Bộ GD-ĐT tiếp nhận những ý kiến này như thế nào cũng như phản hồi của Bộ ra sao?

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Sau khi công bố quy chế, Bộ GD-ĐT đã nhận được nhiều ý kiến của các trường và Bộ đã tổ chức 1 buổi giao ban với các trường, với những người trực tiếp làm công tác tuyển sinh. Hầu hết đều nhất trí cao, tất nhiên còn 1 số ý kiến băn khoăn về việc không chủ động như các năm trước. Thực ra đây là cách hiểu chưa hoàn toàn đầy đủ. Các trường hoàn toàn có thể làm như các năm trước.

Chúng ta biết là điều kiện để thí sinh trúng tuyển là thí sinh phải có kết quả tốt nghiệp THPT. Các trường trước đó hoàn toàn có thể công bố kết quả xét tuyển của mình. Bộ chỉ làm việc lọc ảo, tức là sắp xếp nguyện vọng của các em đó và dựa trên nguyện vọng đó để lựa chọn nguyện vọng nào các em trúng tuyển cao nhất. Cho nên về mặt kỹ thuật hầu như không có gì phức tạp hơn các năm trước. Chỉ có điều hệ thống năm nay phải lưu ý các em nguyện vọng nào các em đăng ký vào đó nhưng đã được các trường xét tuyển rồi, nguyện vọng nào được các trường xét tuyển trong thời gian 5 ngày thực hiện xét tuyển chung đó. Thì lưu ý đó về mặt kỹ thuật cũng sẽ có một số chỉnh sửa, chứ không phức tạp như một số người nghĩ là Bộ làm thay việc xét tuyển cho các trường và hay là phải thực hiện cả 20 phương thức khác nhau đối với các trường.

PV: Đây là năm đầu tiên học sinh lớp 12 đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT bằng hình thức trực tuyến thay vì trực tiếp bằng phiếu như mọi năm. Bộ GD-ĐT có tính đến các phương án để xử lý các trục trặc kỹ thuật, thưa ông?

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Cái đó chúng tôi phải tính đến ngay từ đầu. Chúng ta có hàng triệu thí sinh và có hai tình huống xảy ra, một là có nhiều thí sinh cũng có thể không có điều kiện tiếp xúc, không có điều kiện tiếp cận với máy tính, internet, thậm chí kỹ năng vào mạng có thể còn yếu.

Chúng tôi đã yêu cầu các Sở GD-ĐT, các trường phổ thông chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ để hướng dẫn và hỗ trợ các em. Thứ 2 nữa là nỗi lo về đường truyền của một số nơi vùng sâu vùng xa thì e rằng với số lượng thí sinh lớn như vậy thì có thể lo đường truyền không đảm bảo. Chúng tôi cũng dự phòng là trong trường hợp có nghẽn mạng xảy ra thì luôn luôn có đội ngũ kỹ thuật ứng trực và mở rộng băng thông đường truyền, trong trường hợp đặc biệt có thể cho các em đăng ký bằng giấy hoặc kéo dài thời gian đăng ký bởi vì thời hạn không quá gấp gáp.

PV: Thưa ông, một nội dung đang nhận được sự quan tâm, đó là theo cơ chế đặc thù, ĐH Quốc gia Hà Nội cho học sinh từ học kỳ II lớp 11 chuyên sẽ được đăng ký học đại học trước ở các trường thành viên. Quan điểm của Bộ GD-ĐT về cơ chế này như thế nào?

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Chúng tôi cho rằng, bậc phổ thông là giai đoạn hết sức quan trọng với học sinh, không chỉ kiến thức chuyên môn mà các em còn rất nhiều thứ đáng để học, thậm chí đáng để chơi và trải nghiệm. Những môn học chính ở ĐH thường có điều kiện tiên quyết bởi vì nó có yêu cầu kiến thức nền tảng, kiến thức cơ sở về học đường. Các em phải học hết lớp 12 thì mới có kiến thức nền tảng để học những môn đó.

Cũng có thể có những môn bổ trợ, không cần kiến thức nền tảng lớp 12. Nhưng đã vào ĐH thì thông thường các môn quan trọng thì đều yêu cầu kiến thức nền tảng các em tốt nghiệp lớp 12. Như vậy chỉ các em nào đã hoàn thành kiến thức của lớp 12 thì mới có khả năng học những môn học chính, quan trọng của chương trình. Về cơ bản khuyến khích các em có năng khiếu đặc biệt, nhưng không khuyến khích với một số đông hơn.

PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!

https://kenh14.vn/tuyen-sinh-dai-hoc-nam-2022-cac-truong-hoan-toan-tu-chu-xet-tuyen-20220507121950102.chn