Mới đây, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tiêu hóa - gan mật tụy (Bệnh viện Bạch Mai) đã điều trị, phẫu thuật một ca vỡ trực tràng do thải độc bằng thụt tháo cà phê.
Đeo hậu môn nhân tạo sau thải độc
Bệnh nhân là chị Đ.T.P, 38 tuổi, vào viện do đau bụng vùng chậu dưới rốn dữ dội kèm đi ngoài ra máu sau khi sử dụng biện pháp thụt tháo thải độc bằng cà phê tại một phòng khám tư nhân. Bệnh nhân cho biết trước đó chị đã sử dụng phương pháp này hai lần, mỗi lần cách nhau một tuần. Đến lần thứ ba, ngay trong quá trình thụt tháo, bệnh nhân thấy đau dữ dội vùng bụng dưới kèm chảy máu qua hậu môn.
Từ kết quả thăm khám xét nghiệm, chụp chiếu, bác sĩ phát hiện hình ảnh tụ dịch khí khoang sau phúc mạc, nghi ngờ vỡ trực tràng. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cấp cứu để xử lý tổn thương: Khâu chỗ vỡ trực tràng, dẫn lưu rộng rãi khoang sau phúc mạc và làm hậu môn nhân tạo.
Sau 2 tuần điều trị, chị P. xuất viện nhưng thời gian tới phải tiếp tục phẫu thuật để đóng lại hậu môn nhân tạo.
Trước đó, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cũng tiếp nhận, điều trị cho trường hợp nữ bệnh nhân 71 tuổi, nhập viện vì rách trực tràng, loét đại tràng và chảy máu do thụt tháo đại tràng bằng cà phê theo lời mách bảo của người quen. Bệnh nhân phải điều trị hơn 1 tuần mới ổn định.
Thời gian qua, cộng đồng mạng lan truyền phương pháp thải độc với quảng cáo trị được bách bệnh như: chống táo bón, hết mụn nám, giảm cân, thậm chí hết cả ung thư... Trên nhiều hội nhóm, không ít người cũng rủ nhau thực hiện "tuần lễ thải độc". Đó là phương pháp thụt cà phê qua đường hậu môn nhằm mục tiêu "làm sạch" đại tràng.
Theo các video hướng dẫn, phải dùng cà phê loại "chuyên dụng dành riêng cho việc thải độc đại tràng" rồi đun sôi với nước lọc. Nước cà phê được cho vào túi rồi được treo cao lên hoặc cho vào những "thiết bị thụt tháo chuyên dụng", trong khi đầu dây còn lại cắm vào hậu môn. Lúc này, người thực hiện nằm thả lỏng để dung dịch nước cà phê chảy vào cơ thể. Hầu hết các trường hợp như vậy đều được thực hiện ngay tại nhà hoặc ở một số cơ sở khám chữa bệnh chưa được cấp phép.
Một ca phẫu thuật hệ tiêu hóa tại Bệnh viện Bạch Mai
Nhiều tác hại, chưa có bằng chứng khoa học
Bác sĩ Nguyễn Thành Khiêm, Khoa Phẫu thuật tiêu hóa - gan mật tụy, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết hiện một số người quảng cáo thụt tháo, trong đó có phương pháp thụt cà phê như một cách để làm sạch ruột già khỏi tạp chất, vi khuẩn và chất thải tích tụ. Tuy nhiên, không có bất kỳ bằng chứng khoa học nào chứng minh việc sử dụng thụt tháo vì lý do này là hiệu quả. Trong khi đó, gần đây nhiều cơ sở y tế đã ghi nhận các biến chứng nguy hiểm do phương pháp này gây ra.
"Đại tràng và các cấu trúc đường tiêu hóa khác đã có sẵn chức năng tự làm sạch một cách hiệu quả nên không cần phải thụt rửa. Việc thụt rửa ruột già còn đòi hỏi thực hiện trong môi trường, công cụ, dụng cụ và chất lỏng đưa vào phải bảo đảm vệ sinh, nhiệt độ, tính kích ứng... Các cơ sở y tế không được cấp phép hoặc không thực hiện đúng quy trình có thể đưa vi khuẩn có hại vào đường tiêu hóa của người bệnh. Đôi khi, lượng chất lỏng chảy ra từ quá trình thụt rửa đại tràng có thể cuốn trôi vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh ra khỏi ruột già" - bác sĩ Khiêm nói.
Cảnh báo người dân cần thận trọng với phương pháp tháo thụt đại trực tràng bằng cà phê để thải độc, TS-BS Đỗ Tất Thành, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật đại trực tràng - Bệnh viện Việt Đức, cho biết đại tràng là đoạn cuối của đường tiêu hóa, hấp thu hết nước để cô đặc lại thành phân. Việc bơm nước cà phê vào đại tràng sẽ khiến nước đó thẩm thấu lại cơ thể và đã có những bệnh nhân ngộ độc. Về khoa học, đây là biện pháp trái tự nhiên và ảnh hưởng đến sức khỏe.
"Thụt tháo là một thủ thuật xâm lấn và chỉ nên được sử dụng ở các cơ sở y tế với nhân viên y tế được đào tạo. Động tác đưa ống thụt làm quá đà có thể gây tổn thương ống tiêu hóa và thực tế đã ghi nhận những trường hợp bị thủng trực tràng" - bác sĩ Thành lưu ý.
Theo bác sĩ Khiêm, nhiều người tin rằng thực hiện tháo thụt bằng cà phê sẽ chữa được bệnh táo bón. Tuy nhiên, đây là phương pháp được chỉ định trong các trường hợp táo bón khó đi ngoài, cần làm sạch đại tràng để làm thủ thuật, phẫu thuật hay một số trường hợp đặc biệt cần thụt thuốc để chẩn đoán, điều trị.
Trên thực tế, việc bơm cà phê vào hậu môn sẽ làm trực tràng bị giảm kích thích, lâu dài làm mất phản xạ của trực tràng. Việc này làm tăng nguy cơ vỡ trực tràng trong những lần thụt tháo sau, do bệnh nhân không còn cảm giác buồn đại tiện nữa, dễ bơm quá nhiều thuốc vào trực tràng gây vỡ.
"Nguy cơ nguy hiểm nhất khi thụt tháo là chọc thủng ruột trong lúc đưa ống dẫn dịch rửa qua hậu môn vào trực tràng. Thủng ruột là một trường hợp khẩn cấp và có thể gây tử vong" - bác sĩ Khiêm cảnh báo.
Nhiều cách thanh lọc, thải độc sai lầm
Bác sĩ Vũ Lệ Anh, Trưởng Khoa Nội Thận lọc máu hệ thống - Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á, cho biết phương pháp thụt tháo đại tràng là bơm một lượng nước pha cùng một số loại thuốc để chữa bệnh, như với những bệnh nhân hôn mê gan có ứ đọng độc tố gan. Phương pháp này thường dùng để chữa loại bệnh lý đặc biệt và được thực hiện tại bệnh viện, có chỉ định của bác sĩ.
Việc người dân tự pha nước muối, cà phê để thụt tháo đại tràng tại nhà sẽ không bảo đảm nhiệt độ, tỉ lệ cần của dung dịch, ví dụ nếu nồng độ muối quá cao hoặc bơm nhiều sẽ có nguy cơ kích thích niêm mạc, thủng đại tràng dẫn đến tổn thương nhiều cơ quan.
Ngoài ra, bác sĩ Lệ Anh cho biết hiện có rất nhiều bệnh nhân đến khám tại khoa vì suy nhược cơ thể nặng do nhịn ăn để thanh lọc, thải độc cơ thể. Một số trường hợp vừa nhịn ăn vừa uống những loại nước như cà chua, chanh, cà rốt, bưởi hoặc những loại nước trên mạng xã hội hướng dẫn pha khiến cơ thể suy kiệt. Những phương pháp này thực chất không phải để thải độc cơ thể mà chỉ để giảm cân và không thể chữa được bách bệnh như quảng cáo.
Nguyễn Thuận