Nổi tiếng chi li đến mức đo vị trí từng cốc nước trong một buổi họp, nhưng người Nhật vẫn có một kía cạnh phóng khoáng khó tả trong ẩm thực mà hiếm ai biết được. Từ trước đến giờ, nhắc đến Nhật Bản thì hẳn ai cũng phải nghĩ đến ti tỉ những hoạt động yêu cầu sự từ tốn, tỉ mẩn và tinh tế như nghệ thuật gói quà, trà đạo, hay những chiếc bánh wagashi nhỏ bé mà tốn hằng giờ để làm. Những điều này vô hình chung đã gây cho ta một ấn tượng rằng người Nhật khắc kỷ và có yêu cầu cao trong nấu ăn lắm, tuy điều đó đúng, nhưng bên cạnh đó cũng có một mảng ẩm thực mang tinh thần phóng khoáng, nơi sự ngẫu hứng và sáng tạo được đề cao. Mặt đó được thể hiện qua các món ăn sau đây:
Chirashizushi, hay còn gọi là cơm "vung vẩy", cơm "rải rác".
Chirashizushi là một món sushi, nhưng chỉ nhìn qua bạn sẽ chẳng nhận ra đâu, vì bề ngoài nó chẳng có đặc điểm nào giống với các nắm cơm được vò, nắn tỉ mẩn cả. Nó là một món ăn ngẫu hứng của người Nhật, với bề mặt phía trên là "cơ man" các loại nguyên liệu trên đời. Chirashizushi cũng không có bất kì nguyên tắc nào, ngoại trừ yêu cầu duy nhất là phải có cơm sushi. Còn lại, bạn có thể biến tấu với bất kì những món nguyên liệu nào mình thích, từ các loại cá, các loại thịt, tôm, trứng cá, rau củ... Thậm chí, người Nhật cũng không dành thời gian để sắp xếp các loại topping này, mà cứ ngẫu hứng rắc chúng lên trên cơm. Cũng chính vì thế mà chữ Chirashizushi cũng có nghĩa là "cơm rải rác", ý chỉ hành động vẩy rắc topping một cách... "bất cần".
Khác với cơm trộn bibimbap của Hàn cũng bao gồm nhiều nguyên liệu, thì bạn sẽ luôn thấy những thành phần cố định như trứng, cà rốt, giá đỗ... tuy nhiên chirashizushi hoàn toàn phụ thuộc vào tâm tình và sở thích của người Nhật. Thậm chí, nếu lên mạng tìm công thức của chirashizushi thì bạn sẽ phải "nhức đầu" khi mà chẳng nơi nào giống nơi nào, vì người ta đều làm theo sở thích của mình!
Nguyên liệu chính của Ochazuke vốn tuỳ thuộc vào đồ thừa ngày hôm đó.
Cơm trà, hay còn được biết đến với tên gọi là "cơm đuổi khách", "cơm nhà nghèo" cũng được tạo lên từ sự ngẫu hứng (và tiết kiệm), hầu như không có bất kì nguyên tắc và công thức cố định. Bởi món này vốn có xuất xứ từ... đồ thừa. Người Nhật tiếc thức ăn cũ, không muốn bỏ phí nên chan trà vào cơm cùng các món ăn thừa khác để "húp" cho hết. Bởi thế nên nhà nào còn thừa cái gì thì thành phần nguyên liệu chính sẽ là cái đó. Chỉ ở thời hiện đại thì món cơm trà mới được phục vụ bằng các loại nguyên liệu đắt đỏ hơn mà thôi, vì chẳng nhà hàng nào dám thực sự cho khách ăn "cơm thừa canh cặn" cả!
Muôn hình vạn trạng topping, tuỳ sở thích của bạn.
Chawanmushi là món trứng hấp truyền thống của Nhật Bản, và bạn sẽ phát hiện rằng dường như mỗi nhà hàng đều có một cách làm món này khác nhau. Đây cũng là một trong số những món ăn mà bạn có thể phát huy sự ngẫu hứng của mình. Với phần cơ bản là trứng hấp, và tại đây bạn có thể điều chỉnh lượng trứng, gia vị cũng như thêm bớt sữa và các nguyên liệu để tạo ra món trứng hợp khẩu nhất. Bên cạnh đó, bạn gần như có thể bỏ bất kì thứ gì mình thích vào để ăn kèm, từ tôm, hải sản, chả cá đến thịt băm, các loại rau củ hay thậm chí là chẳng bỏ cái gì vào. Mọi thứ đều tuỳ theo ý thích của bạn.
Món nào tiện tay, có sẵn thì cứ độn món ấy với cơm thôi!
Nếu bạn có ý định tìm công thức cho món cơm này thì hãy chuẩn bị tinh thần, bởi công thức sẽ thay đổi theo người nấu, theo mùa màng và thậm chí là theo... vùng miền. Khác với chirashizushi thì cơm trong món này không trộn giấm mà là cơm thường, được độn với các loại rau củ quả, hay bất kì nguyên liệu nào bạn thích. Tuỳ theo thời gian trong năm mà takikomi gohan có thể là cơm trộn đậu, cơm trộn khoai hay cơm trộn nấm, cơm trộn măng tươi hay "hầm bà lằng" các loại rau củ, thịt thà... chảng biết đâu mà lần. Thậm chí có nơi còn trộn với vụn thịt. Đây là món cơm thời nghèo khổ của Nhật Bản, khi cơm gạo còn hiếm nên người dân phải độn cơm với bất kì món gì mình tìm được, cốt để ăn cho đủ no mà thôi. Người Nhật căn bản không quan tâm trong takikomi gohan có nguyên liệu nhất định nào, miễn bạn "độn" nó với một cái gì đó thì đấy được xem như takikomi gohan.