Tương lai u ám của bói toán - ngành công nghiệp trị giá tỉ đô tại Hàn Quốc vì cách mạng 4.0

Nhất Lâm, Theo Helino 15:22 05/03/2018

Ít ai biết rằng ở Hàn Quốc, bói toán là một ngành công nghiệp bạc tỉ. Nhưng cũng giống như mọi ngành công nghiệp khác, con người phải đối mặt với sự xâm chiếm của máy móc.

"Tình yêu của đời em sẽ xuất hiện vào năm 20…" hay "Em có số được hưởng giàu sang, phú quý" chỉ là hai trong số những câu mà thầy bói thường phán cho các "khách hàng" của mình.

Và dù tin vào tâm linh hay không, thì có lẽ bạn cũng sẽ bị bất ngờ khi biết rằng đây là một ngành công nghiệp đáng giá 3,7 tỷ đô la chỉ tính riêng tại Hàn Quốc.

Tương lai u ám của bói toán - ngành công nghiệp trị giá tỉ đô tại Hàn Quốc vì cách mạng 4.0 - Ảnh 1.

Park Won San - chủ tịch Hiệp hội Chiêm tinh của Hàn Quốc cho biết hiện nay ước tính có tới trên 300.000 thầy bói, cùng với 150.000 pháp sư đang hành nghề tại xứ sở kim chi. Nghiên cứu trên tạp chí kinh tế Korea Daily cũng từng chỉ ra rằng có tới 82% phụ nữ chưa kết hôn cùng 57% số cử nhân Hàn Quốc từng đi xem bói chỉ trong năm 2017. 

Ở Hàn Quốc, bói toán là một ngành công nghiệp thực sự phổ biến. Tại hội chợ việc làm của ĐH Quốc tế Hankuk, một quầy bói toán được dựng lên để sinh viên tới xin lời khuyên về công việc tương lai. Doanh nhân đi xin ngày đại cát cầu làm ăn, bố mẹ xin tên cho con cái, cặp đôi đẹp đến xem ngày cử hành hôn lễ... Tất cả đều mang theo hy vọng thay đổi số phận, sự nghiệp hanh thông. 

Tương lai u ám của bói toán - ngành công nghiệp trị giá tỉ đô tại Hàn Quốc vì cách mạng 4.0 - Ảnh 2.

Tuy nhiên, khi cách mạng công nghiệp 4.0 xuất hiện, ít người có thể tưởng tượng rằng ngành bói toán trị giá tỉ đô của Hàn Quốc đang đứng trước một thay đổi rất lớn, kéo theo sự thất nghiệp của hàng ngàn thầy bói "lành nghề".

Đầu tiên, hãy đi từ thực tế. Hiện tại có hàng trăm ứng dụng xem bói trên smartphone nhằm đáp ứng nhu cầu được xem bói nhanh chóng và tiện dụng của người dùng. Handasoft, một nhà phát triển phần mềm, đã tung ra tới 13 ứng dụng xem bói trong suốt 5 năm qua. 

Jeomsin là ứng dụng nổi tiếng nhất của họ với hơn 3 triệu lượt tải về chỉ trong 2 năm. Hàng ngày, chỉ cần bạn cung cấp ảnh chụp selfie hoặc ảnh lòng bàn tay, "thầy" Jeomsin sẽ đưa ra lời tiên tri cho ngày hôm đó.

Thực chất, thuật xem tướng đều có căn cứ khoa học khá rõ ràng. Bói toán thường dựa trên cử chỉ, ngôn ngữ cơ thể, sắc thái của giọng nói nhằm đưa ra lời tiên tri về trạng thái tinh thần và thể chất của khách hàng. 

Điều này dẫn đến một câu hỏi, rằng nếu máy tính có thể xử lý và phân tích các thông tin cấu tạo nên cái gọi là "số phận", thì rất có thể robot cũng sẽ trở thành thầy bói trong tương lai?

Hiện nay, nhiều robot đang được "dạy" nhằm dự đoán hành động của con người, nghĩa rằng chúng thực sự có thể "xem bói" cho chúng ta. Các nhà nghiên cứu tại MIT đã thành công khi tạo ra một hệ thống máy tính có khả năng dự đoán thời điểm hai diễn viên sẽ hôn, bắt tay, ôm hoặc high-five (đập tay), chỉ bằng cách cho chúng "xem" hàng triệu giờ đồng hồ phim truyền hình. 

Ở Trung Quốc, họ cũng đã tạo ra bộ máy tiên tri giúp nhận dạng tội phạm trong tương lai với tỉ lệ chính xác lên đến 9/10 trường hợp.

Tương lai u ám của bói toán - ngành công nghiệp trị giá tỉ đô tại Hàn Quốc vì cách mạng 4.0 - Ảnh 3.

Robot Buddha I - sản phẩm của Lovot Lab

Có thể với nhiều người, đây là viễn cảnh vô cùng đáng sợ. Nhưng với Lovot Lab, một start-up nghệ thuật, thì họ lại có quan điểm hoàn toàn khác. 

Trong một góc tại studio làm việc của Lovot Lab, một chú robot nhỏ màu trắng ngồi vắt chéo chân, xung quanh được đốt nhang hương trầm nhẹ như phủ một bức màn kỳ bí lên sản phẩm "đặc sệt" công nghệ 4.0. Chú robot mang tên "Buddha I".

Buddha I được lập trình giúp "xem tướng" một số sắc thái cơ bản trên khuôn mặt con người như, hạnh phúc, tức giận hay buồn bã và đưa ra một số lời phán nhẹ nhàng tương ứng.

Hong Huyns, chủ sở hữu của Lovot Lab cho hay anh chẳng có mong muốn được trở thành một thầy bói. Tuy nhiên, anh tò mò việc làm thế nào mà các thầy bói, thầy tướng số có thể tiên đoán vận mệnh của con người. Bởi vì, một nhà tiên tri từng phán rằng "anh sẽ chuyển qua ở khu bờ Đông" và y rằng, anh đã chuyển nhà từ Chicago sang New York chỉ ít lâu sau. 

Không chỉ anh mà rất nhiều người khác dù không mê tín nhưng họ cảm thấy lĩnh vực này vô cùng thú vị, và đôi lúc thực sự hiệu nghiệm trong thực tế khiến họ bị thu hút và tiếp tục đi xem bói thêm rất nhiều lần nữa. Đây chính là lý do robot Buddha I ra đời.

Dù vậy, sự hiện diện của Buddha I đã khiến nhiều người tin vào một viễn cảnh "u ám" hơn cho những người hành nghề bói toán tại Hàn Quốc. Viễn cảnh ấy có thành thực hay không, hãy để tương lai trả lời.

Tham khảo: The economist