Tương lai du hành vũ trụ có thể gặp thảm họa bởi chính bàn tay của con người

J, Theo Trí Thức Trẻ 09:04 20/11/2016
Chia sẻ

Những gì nhân loại đã làm được trong nhiều năm qua về khoa học vũ trụ là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, điều này vô tình lại gây hại cho khát vọng chinh phục không gian của thế hệ sau.

Qua nhiều năm nghiên cứu, có thể nói thời điểm hiện tại là giai đoạn thăng hoa của ngành khoa học vũ trụ. Loài người từ rất lâu đã muốn chinh phục các hành tinh khác trong vũ trụ, và kể từ khi đặt chân lên Mặt trăng lần đầu tiên, tham vọng này ngày càng trở nên mãnh liệt hơn. Hàng tỉ USD được rót vào khoa học vũ trụ, và để bù lại, chúng ta cũng có những thành quả nhất định.

Tuy nhiên mới đây, tiến sĩ Hugh Lewis thuộc ĐH Southamton đã đưa ra một lời cảnh báo rất bất ngờ về tương lai của du hành vũ trụ. Theo đó, ngành du hành vũ trụ của nhân loại có thể gặp phải thảm họa trong tương lai, và nguyên nhân chính là những mảnh rác vũ trụ do chính tay con người thải ra bấy nhiêu năm qua.

Tương lai du hành vũ trụ có thể gặp thảm họa bởi chính bàn tay của con người - Ảnh 1.

Số rác vũ trụ nay đã lên tới hàng trăm triệu mảnh

Cụ thể theo tiến sĩ Lewis, những mảnh rác vũ trụ bằng kim loại và nhựa trôi nổi xung quanh Trái đất với vận tốc khoảng 28.000 km/h - tức cỡ hơn 20 lần vận tốc âm thanh.

Và sau một thế kỷ, số lượng rác vũ trụ trôi nổi đã lên tới hơn 100 triệu mảnh, trong đó ít nhất 27.000 mảnh có đường kính trên 10cm. Đó cũng là những mảnh rác được NASA và Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ theo dõi cẩn thận.

Lewis cho biết: "Giải quyết rác vũ trụ sẽ là một trong những vấn đề lớn mà nhân loại cần phải đối mặt, nhưng rất tiếc chưa được quan tâm đúng mực. Mỗi ngày, chúng ta đang sử dụng các dịch vụ do chính những vệ tinh cung cấp, mà không hay biết rằng tất cả những thứ đó rất dễ bị tổn thương".

"Điều này không có nghĩa những vệ tinh hiện nay có thể dễ dàng bị phá huỷ bởi rác vũ trụ, nhưng nó sẽ gây ảnh hưởng đến ước mơ và tham vọng chinh phục vũ trụ của thế hệ tiếp theo" - Lewis chia sẻ.

Tương lai du hành vũ trụ có thể gặp thảm họa bởi chính bàn tay của con người - Ảnh 2.

Rác vũ trụ có thể khiến việc du hành vũ trụ trong tương lai trở nên bất khả thi

Rác vũ trụ, theo định nghĩa từ NASA, là bất kỳ thứ gì do con người tạo ra nằm trong quỹ đạo của Trái đất, mà không còn tác dụng gì cả. Các thống kê hiện tại cho thấy "cục" rác vũ trụ to nhất là Envisat - một vệ tinh to bằng hai cái xe bus 2 tầng của Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) phóng lên từ năm 2002.

Ngoài ra, theo giáo sư Donald Kessler - cựu chuyên gia của NASA - có một vấn đề khác khá nghiêm trọng. Đó là số lượng rác vũ trụ có thể nhân lên sau một vài vụ va chạm giữa các vệ tinh rác, giống như hiệu ứng Domino vậy. Ví dụ như năm 2009, một vụ va chạm giữa 2 vệ tinh rác của Nga và Mỹ đã tạo ra hơn 2000 mảnh rác trôi nổi.

Tương lai du hành vũ trụ có thể gặp thảm họa bởi chính bàn tay của con người - Ảnh 3.

Hiệu ứng Kessler - từ 2 mảnh thành 2 ngàn mảnh rác

Hiệu ứng của Kessler nếu như thành sự thật chắc chắn sẽ là một trở ngại, khiến việc du hành vũ trụ trong tương lai trở nên bất khả thi.

Vậy phải làm thế nào? Giải pháp đơn giản chỉ là tìm cách dọn sạch rác trong quỹ đạo của chúng ta. Tuy nhiên, đây sẽ là vấn đề cần rất rất nhiều năm để đạt được, và cần sự hợp tác của kỹ sư, khoa học gia, luật sư và cả những nhà kinh tế nữa.

Nguồn: Daily Mail
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày